4 điều nên dạy cho trẻ về văn hóa lì xì

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lì xì không đơn thuần chỉ là gửi tặng ’chút lộc’ ngày xuân mà còn hàm chứa cả văn hóa, văn minh và thể hiện xu hướng giáo dục gia đình trong đó.
4 điều nên dạy cho trẻ về văn hóa lì xì
Số tiền lì xì con được tặng, phải trân trọng và dùng đúng chuyện, không phung phí và cần quản lý rõ ràng

Lì xì từ lâu được xem là nét đẹp ngày Tết của người Á Đông nói chung, người Việt nói riêng. Lì xì không đơn thuần chỉ là gửi tặng “chút lộc” ngày xuân mà còn hàm chứa cả văn hóa, văn minh và thể hiện xu hướng giáo dục gia đình trong đó.

Trẻ nhỏ, con cái chúc Tết ông bà cha mẹ, còn người lớn lì xì mừng tuổi trẻ nhỏ… góp phần tạo nên một bức tranh năm mới rộn ràng, tươi vui và đầm ấm. Đây là truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ và giáo dục các thế hệ sau phát huy.

Có những cách nhận lì xì thiếu lịch sự từ trẻ

Việc giữ gìn nét đẹp này hay giáo dục trẻ nhận lì xì và chúc Tết sao cho văn minh, trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình. Thế nhưng, trên thực tế, năm nào chúng ta cũng bắt gặp những phàn nàn về những lời chúc khuôn mẫu, một màu, thiếu cảm xúc hay cách nhận lì xì thiếu lịch sự từ trẻ nhỏ, thậm chí có người còn ngao ngán, xấu hổ chỉ bởi vì những ứng xử “kém duyên” của cả trẻ con và người lớn khi cho và nhận lì xì.

Chị Khánh (Quận Gò Vấp. TP.HCM) tâm sự: Có lần, đến nhà người quen dịp Tết, tôi vừa lì xì cho cháu nhỏ thì bà ngoại giựt lấy bao lì xì, mở ra trước mặt tôi, lấy tiền bỏ vào túi, sau đó quăng bao lì xì đi. Đứa bé chưng hửng, còn tôi sượng trân không biết nói gì.

Cùng tâm trạng, chị Nghin chia sẻ trên một diễn đàn: Có lần tôi ngẩn cả người vì con của đồng nghiệp nhận lì xì của tôi đưa rồi cháu bóc ra ngay tại chỗ và kêu to: "Có mỗi 50 nghìn thôi, may mà tờ mới, nhưng sao ít thế?". Rồi nó quay qua hỏi đứa bé bên cạnh xem được bao nhiêu tiền. Thực sự lúc đó tôi thấy ngại khủng khiếp.

Gần đây, dư luận quan tâm và có chiều “không đồng tình” với trend lì xì đầy biến tướng bằng mã QR. Theo đó, nhiều người in mã QR rồi đăng lên Facebook, in lên kẹp tóc, in thành tấm thẻ nhỏ mang theo dịp Tết để nhận lì xì cho con.

Rất nhiều người bình luận thẳng thắn: “Không hiểu phong tục lì xì tết mà còn hí hửng tham gia”, “đây không phải là lì xì mà là xin tiền”; “mất hết cả văn hóa bản sắc”, “không còn gì để nói”…

Trên cơ sở này, một cuộc khảo sát online được thực hiện bởi Báo VNEpress cho thấy có tới 95% (1.010) người tham gia đã chọn đáp áp “không ủng hộ” trend lì xì nặng mùi kinh doanh và xem trẻ như công cụ kiếm tiền này.

Rõ ràng, đa phần chúng ta đều hiểu tục lì xì với phong bao đỏ cộng ít tiền mừng tuổi chỉ nhằm hướng đến việc mong muốn các bé có một năm nhiều sức khỏe, may mắn và bình an. Còn người lì xì sẽ nhận được những lời chúc hứa hẹn điều may mắn, sức khỏe và tài lộc. Theo đó, cả người nhận và người tặng phong bao đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.

Vì vậy, không có lý gì để chê tiền lì xì ít hay nhiều hoặc chỉ chăm chăm vào phong bao lì xì. Đương nhiên, trẻ nhỏ không tự học cách chê khen, không tự bản thân biết phải ứng xử văn minh ra sao, chúc Tết thế nào, chúng cần được hướng dẫn, dạy dỗ một cách đúng đắn, phù hợp từ người lớn.

4 điều nên dạy cho trẻ về văn hóa lì xì

1. Không đặt nặng số tiền lì xì: Quan trọng ở tấm lòng và tùy điều kiện của người lì xì họ tặng bao nhiêu cũng vui, không chê - khen, không so bì, không ý kiến.

2. Dạy con quản lý tài chính: Số tiền lì xì con được tặng, phải trân trọng và dùng đúng chuyện, không phung phí và cần quản lý rõ ràng. Trẻ có thể dùng để mua tập vở, đồ dùng học tập hay tặng lại cho những bạn khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

3. Hướng dẫn con cách chúc Tết “có cảm xúc”: Việc chúc Tết theo khuôn mẫu, thiếu chân thành và trơ cứng về cảm xúc làm mất đi ý nghĩa ngày Tết, đôi khi còn khiến người nhận cảm thấy khó chịu, ngượng ngùng. Phụ huynh lưu ý không ép trẻ gặp ai cũng phải chúc Tết, đặc biệt là lúc trẻ đã thấm mệt, đói và di chuyển đường xa. Con chỉ cần giữ sự lễ phép, biết cảm ơn và nói một điều tích cực, ngắn gọn là được, không gây áp lực cho con.

4. Cách nhận lì xì tinh tế: Không mở phong bao trước mặt khách, không nói về số tiền nhận được, không vứt bỏ bao lì xì bừa bãi, không đánh giá, bình phẩm về người tặng lì xì.

Phụ huynh nên lưu ý gì để làm gương cho con?

1. Không phân biệt thân sơ: Hoàn toàn có thể bỏ cùng một số tiền vào phong bao, bất kể con cháu gần xa, nội, ngoại đều có thể nhận bao lì xì như nhau.

2. Quan tâm đến cảm xúc của trẻ: Đôi khi đi chúc Tết là sở thích và nhu cầu của phụ huynh, không phải của con trẻ, vì vậy, đừng ép khi trẻ không muốn đi cùng. Nếu cần, hãy thuyết phục trẻ về lý do đến một nơi, gặp một người nào đó, hứa 30 phút nói chuyện, gặp gỡ… thì hãy giữ lời.

3. Ứng xử đúng mực: Đừng chỉ dạy trẻ “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” khi đi chơi hoặc chúc Tết trong khi bản thân nói năng thiếu lễ độ với người lớn tuổi, cãi nhau và cười giỡn kém duyên. Đặc biệt, cha mẹ kiên định không cho trẻ chơi game, không cho trẻ mua đồ chơi nhưng bản thân lại ôm điện thoại suốt ngày, nướng tiền vào “trò chơi đỏ đen” là điều cần kiêng kỵ.

4. Giáo dục con đúng cách, đúng thời điểm: Khi nhận ra con mắc lỗi, hãy sửa cho con bằng cách chỉ ra điều nên làm, cần làm sao cho đúng, không phải chỉ trích, bêu xấu con, càng không nên “giằng mặt” người khác bằng cách “hạ bệ” và lớn tiếng với con mình. Nếu cần, hãy tách trẻ ra, mang trẻ về nhà để “dạy bảo”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật