Nhiều ngày qua, anh Nguyễn Văn Hạnh (ở quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) bị sụt sịt, đau mỏi người. Lúc đầu nghĩ bị cảm do thời tiết miền Bắc chuyển lạnh, tuy nhiên khi anh test nhanh COVID-19 hiện ra hai vạch.
Gia tăng số ca mắc cộng đồng
Tình trạng tương tự cũng xảy đến với gia đình chị Vũ Thu Hằng (quận Hoàng Mai - Hà Nội). Cách đây hơn 1 tuần, vợ chồng chị có biểu hiện của bệnh đường hô hấp như viêm họng, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau người. Nghi ngờ mắc COVID-19, test nhanh thì kết quả cả hai đều mắc bệnh. "Đây là lần thứ 3 tôi mắc COVID-19 trong 2 năm nay. So với các lần trước, lần mắc này nhẹ nhất, có lẽ nhờ tiêm đủ các mũi vắc-xin" - chị Hằng cho biết.
Theo Bộ Y tế, ở nước ta nhiều tháng qua số ca mắc COVID-19 đã giảm, tuy nhiên mỗi tuần cả nước vẫn ghi nhận từ 40-60 ca nhiễm mới. Từ đầu năm 2023 đến nay, ghi nhận hơn 99.000 ca mắc, 20 ca tử vong.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại biến thể phụ JN.1 thuộc dòng BA.2.86 của virus SARS-CoV-2 là "biến thể được quan tâm". Theo WHO, mức độ lây lan của JN.1 đang gia tăng nhanh chóng không chỉ tại Mỹ và các nước châu Âu, đặc biệt đang gia tăng tại các nước Đông Nam Á.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng ĐH Y Dược TP HCM, cho biết các bằng chứng khoa học hiện cho thấy biến thể JN.1 phần nào lẩn tránh miễn dịch, số ca mắc có thể sẽ tăng, tuy nhiên sẽ không gây bệnh nặng và không ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Riêng các đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, mắc bệnh nền (tiểu đường, tim mạch, huyết áp...), phụ nữ mang thai, biến chủng phụ này cũng không có nguy cơ cao hơn các biến chủng cũ.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát. Số mắc ghi nhận rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
"Dù COVID-19 không còn nguy hiểm như bệnh truyền nhiễm nhóm A, tuy nhiên bệnh truyền nhiễm nhóm B cũng là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Do đó, vẫn cần được kiểm soát và phòng chống dịch một cách bền vững" - ông Đức thông tin.
Vẫn còn nguồn vắc-xin dự trữ
Bác sĩ Nguyễn Vũ Trung, viện trưởng viện Pasteur TP HCM, khuyến cáo các vi sinh vật thường xuyên biến đổi, trong đó có COVID-19. COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới với sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới. Tại thời điểm này, toàn cầu đã ghi nhận sự gia tăng trường hợp mắc mới. Do đó, việc giám sát sự thay đổi của các chủng mới phải triển khai thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ.
Theo Bộ Y tế, để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với COVID-19 và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại, bộ đã ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19, giai đoạn 2023-2025. Theo đó, ngành y tế sẵn sàng bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.
Liên quan đến việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19, Bộ Y tế cũng cho biết hiện vắc-xin COVID-19 được lồng ghép tiêm vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương, trong đó ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao.
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng viện vệ sinh dịch tễ trung ương, hiện nay kho của viện đang bảo quản hơn 432.000 liều vắc-xin COVID-19 Pfizer có hạn dùng đến cuối tháng 9-2024. Đây là số vắc-xin COVID-19 dự trữ cho những vùng có ổ dịch, có nguy cơ cao. Hiện có khoảng gần 50.000 người đăng ký tiêm vắc-xin COVID-19. "Theo khuyến cáo chuyên môn, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như cán bộ y tế, người có bệnh nền, người mắc bệnh mạn tính... thì nên tiêm mũi 4" - PGS Hồng nhấn mạnh.
PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng vắc-xin ngừa COVID-19 hiện vẫn có hiệu quả với SAR-CoV-2. Tuy nhiên, vắc-xin cải tiến sẽ tốt hơn đối với JN.1 nhưng không tuyệt đối cần thiết vì nguy cơ thấp. Đối với người lớn tuổi, mắc bệnh lý nền nếu chưa được tiêm vắc-xin cải tiến thì nên phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh và xét nghiệm nếu có nghi ngờ mắc bệnh để được điều trị sớm. Bên cạnh vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn có một số thuốc kháng virus như Molnupiravir và ở một số nơi có Paxlovid sẽ có hiệu quả với JN.1.
"Nhà nước đã dự trữ vắc-xin để nếu nguy cơ thực sự cao sẽ tiêm phòng thêm cho người dân. Hiện nay, người dân nên bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh hô hấp thông thường như: không tiếp xúc với người bệnh hô hấp (cúm, cảm, viêm phổi, viêm phế quản…); không tụ tập đông người nếu không cần thiết; đeo khẩu trang ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên" - PGS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo.