Sau khi xung đột nổ ra ở Gaza, lực lượng Houthi đã phát động chiến dịch cướp tàu thương mại, tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái để đáp trả hoạt động quân sự của Israel, cũng như sự hỗ trợ của các cường quốc phương Tây dành cho Tel Aviv.
Trước tình hình hỗn loạn trên, quân đội Mỹ đang xem xét tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết họ ngày càng lo ngại về những nỗ lực của nhóm vũ trang Houthi nhằm phá hoại thương mại toàn cầu.
Các nhân vật trên cho biết thêm rằng hiện tại, Washington đang kiềm chế để tránh gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở khu vực Trung Đông.
Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã công khai tuyên bố trong tuần này rằng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không ngần ngại hành động khi cần thiết, trong đó có việc bảo vệ binh sĩ trước các hành động nguy hiểm trên biển, nhưng điều này vẫn chưa bao gồm các cuộc tấn công vào lực lượng Houthi.
Các tàu chiến của Mỹ và Anh hoạt động ở Biển Đỏ đã bắn hạ trên 10 máy bay không người lái bị nghi ngờ do Houthi phóng đi trên vùng biển này chỉ trong ngày thứ 16/12.
Bốn công ty vận tải biển lớn, gồm Maersk của Đan Mạch, Hapag-Lloyd của Đức, MCS của Thụy Sĩ và CMA CGM của Pháp đã tạm dừng hoạt động qua Biển Đỏ.
Với vị trí gần eo biển Bab-el-Mandeb nối Vịnh Aden với Biển Đỏ, Houthi đang nắm trong tay khả năng tác động đến một nút thắt chiến lược quan trọng chiếm tới 10% thương mại dầu mỏ của thế giới và 20% vận tải biển toàn cầu.
Eo biển Bab-el-Mandeb cùng với Kênh đào Suez của Ai Cập đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng cho thương mại hàng hải giữa châu Âu và châu Á.
Oman đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa nhóm Houthi và các bên quốc tế vào cuối tuần qua nhằm cố gắng ngăn chặn các vụ tấn công trên Biển Đỏ.
Đại diện của Houthi, Mohammed Abdul-Salam xác nhận rằng các cuộc đàm phán do Oman làm trung gian đang diễn ra. Tuy nhiên, ông cũng tái khẳng định quan điểm của lực lượng này là không thể đứng yên trước các cuộc tấn công vào Dải Gaza, tình trạng phong tỏa tê liệt cùng lệnh cấm hoàn toàn việc đưa thực phẩm, thuốc men và thậm chí cả nước uống vào vùng lãnh thổ đó. Người phát ngôn Houthi cho biết lập trường của lực lượng này về vấn đề của người Palestine hiện nay là không thể thương lượng.
Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục và mở rộng các cuộc tấn công - bao gồm cả ở Biển Đỏ và bên trong Israel, cách đó khoảng hơn 2.000 km - trừ khi Tel Aviv ngay lập tức dừng các hoạt động tấn công người Palestine ở Gaza.
Hôm 8/11, các tay súng đã bắn hạ một máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bay ngoài khơi bờ biển Yemen. Ngày 19/11, lực lượng này đã cướp tàu hàng Galaxy do một doanh nhân Israel làm chủ. Tiếp đến, ngày 24/11, họ tấn công một tàu khác thuộc sở hữu của Israel là SMA CGM Symi.
Một ngày sau, nhóm này đã bắt giữ một tàu chở hàng khác treo cờ Malta thuộc sở hữu của Israel đang đi qua Biển Đỏ. Tiếp theo, Houthi lên kế hoạch cướp tàu chở dầu M/V Central Park, song thất bại vì bị một tàu chiến Mỹ trong khu vực can thiệp.
Trong tuần qua, phong trào Hồi giáo ở Yemen tiếp tục tấn công bằng tên lửa hành trình vào nhiều tàu thương mại quốc tế.
Hành động của Houthi có nguy cơ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển thương mại, vì các tàu thương mại phải chọn giải pháp thay thế là đi vòng quanh châu Phi, cộng thêm từ 8 đến 10 ngày, hàng nghìn hải lý và hàng triệu USD chi phí nhiên liệu.
Tình trạng tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và cướp bóc cũng khiến các công ty vận tải phải thêm chi phí bảo hiểm. Truyền thông Israel tính toán rằng các tàu thương mại thuộc sở hữu của Israel hoạt động qua Biển Đỏ đã phải trả chi phí bảo hiểm tăng lên tới 250%, trong khi những tàu khác hoàn toàn bị từ chối bảo hiểm.