Tin liên quan
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 13h chiều nay (7/10), vị trí tâm bão số 4 (bão Koinu) ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 170km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão vẫn duy trì cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16, di chuyển chậm theo hướng Tây với tốc độ khoảng 5km/h.
Như vậy, với cường độ này, từ 16h chiều qua (6/10), bão Koinu liên tục có sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16 trên Biển Đông. Đáng chú ý, trong nhiều giờ qua, bão số 4 hầu như ít dịch chuyển.
Trong 24 giờ tới, bão vẫn di chuyển chậm 5km/h theo hướng Tây. Đến 13h ngày 8/10, vị trí tâm bão ở cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 150km về phía Nam với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 12, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão số 4, trong 24 đến 48 giờ tới, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-13, giật cấp 16; biển động dữ dội. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực này đều chịu tác động của gió bão mạnh.
48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chậm 5km/h và đổi hướng Tây Tây Nam. Khoảng 13h ngày 9/10, vị trí tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão lúc này giảm còn cấp 9-10, giật cấp 13 và suy yếu dần.
Đến 13h ngày 10/10, bão giữ nguyên hướng nhưng tăng tốc di chuyển với 10km/h. Vị trí tâm bão trên vùng ven biển phía Nam của bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất lúc này giảm còn cấp 8, giật cấp 10, và tiếp tục suy yếu.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau thành một vùng áp thấp.
Đáng lưu ý, trước đó, trong bản tin của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ có nhận định, rãnh áp thấp có trục qua khu vực Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ nối với cơn bão Koinu bị nén bởi một bộ phận áp cao lục địa ở phía Bắc và đầy dần lên. Từ 7/10, áp cao lục địa tăng cường xuống phía Nam, bão Koinu suy yếu dần.
Tuy nhiên, từ 9-10/10, rãnh áp thấp vắt qua Nam Trung Bộ và Nam Bộ được thiết lập trở lại và hoạt động mạnh dần.
Trên cao, áp cao cận nhiệt đới nhánh phía Nam tiếp tục lấn Tây với trục ngang qua khu vực Nam Bộ đến khoảng ngày 9-10/10 hoạt động suy yếu dần.
Cơ quan khí tượng cũng nhận định, trong tháng 10, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông khoảng từ 1-2 cơn và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Nhận định xa hơn, cơ quan này cho biết, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-4 cơn bão/ATNĐ, trong đó khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.