“Lỗ hổng” trong vụ tài xế hãng Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chết

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 người t‌ử von‌g ở Đồng Nai, nhiều người bức xúc vì tài xế của nhà xe Thành Bưởi điều khiển xe khách trong tình trạng đã bị tước bằng lái 3 tháng. Trách nhiệm nhà xe, đơn vị quản lý ở đâu?
“Lỗ hổng” trong vụ tài xế hãng Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chết
Xe khách Thành Bưởi gây tai nạn khiến 9 người thương vong. Ảnh: C.A

Bị tước giấy phép lái xe 3 tháng, tài xế vẫn ung dung ôm vô lăng chở khách

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên quốc lộ 20 khiến 9 người thương vong, Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đang mở rộng điều tra, xác định rõ trách nhiệm chủ xe Thành Bưởi và những người khác liên quan.

Trước đó, ngay sau vụ tai nạn, Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với tài xế Hoàng Văn Tính (37 tuổi, quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Theo Đại tá Trần Anh Sơn, đây là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm 5 người chết, và nghiêm trọng hơn chính là hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Qua kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, xe khách Thành Bưởi khi va chạm đang chạy tốc độ 69km/h, vượt quá quy định, không giữ khoảng cách an toàn, lấn sang làn bên cạnh dẫn đến va chạm với xe khách chạy chiều ngược lại.

Đáng nói, với một nhà xe có thương hiệu, xe chở 34 hành khách, chạy liên tỉnh, chỉ đến khi xảy ra tai nạn, tình trạng vi phạm "không bằng lái" của tài xế mới được phơi bày.

Tại cơ quan công an, tài xế Hoàng Văn Tính khai nhận, thời điểm gây ra tai nạn đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái 3 tháng về hành vi điều khiển xe ô tô khách chạy quá tốc độ.

Còn theo tìm hiểu, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã 8 lần xử phạt các xe khách Thành Bưởi vi phạm về tốc độ.

Chưa hết, đây là vụ thứ hai liên quan xe khách Thành Bưởi gây tai nạn trên Quốc lộ 20. Cụ thể, trong tháng 7 cũng đã xảy ra vụ tai nạn do lái xe của nhà xe Thành Bưởi vượt trái, chạy qua phần đường ngược lại tông vào xe máy làm 2 người chết.

Theo Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trước khi xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, Công an Đồng Nai đã mời chủ xe Thành Bưởi lên làm việc và yêu cầu cam kết, quán triệt các tài xế chấp hành nghiêm quy định của Pháp Luật.

Vậy nên, sau vụ tai nạn này, sẽ mở rộng điều tra trách nhiệm của chủ xe. “Đối với nhà xe Thành Bưởi, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, tuyệt đối không có vùng cấm và không có can thiệp”, Đại tá Trần Anh Sơn nói.

Lỗ hổng không bằng lái vẫn giao xe

Thông tin tài xế nhà xe Thành Bưởi dù đã bị tước bằng lái 3 tháng nhưng vẫn ôm vô lăng chở khách khiến dư luận sững sờ, đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý chủ xe và cơ quan quản lý.

Đây không chỉ vì hành vi bất chấp Pháp Luật của tài xế mà còn là "lỗ hổng" về trách nhiệm quản lý khiến 5 gia đình phải chịu cảnh đau xót mất người thân.

Hình ảnh xe khách 16 chỗ sau va chạm với xe của hãng Thành Bưởi

Nhìn vụ việc ở góc độ quản lý tài xế, nếu tai nạn không xảy ra, đến khi nào việc vi phạm lái xe không bằng của tài xế Hoàng Văn Tính mới bị phát hiện, ngăn chặn? Vì sao tài xế không có bằng lái vẫn hành nghề mà nhà xe, bến xe, Cảnh sát giao thông không phát hiện?

Ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi phân trần, công ty không hề biết việc tài xế Tính bị tước giấy phép lái xe, bình thường lái xe vi phạm giao thông thì tự nộp phạt.

“Chúng tôi quản lý theo đúng quy định Pháp Luật”, ông Lê Đức Thành khẳng định.

Tài xế không bằng vẫn ôm vô lăng, đúng Pháp Luật ở đâu?, khi trao đổi với PV VietNamNet, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) khẳng định, trách nhiệm trong việc quản lý tài xế trước hết thuộc về doanh nghiệp vận tải.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc quản lý hoạt động xe khách đã được phân cấp cho địa phương.

Theo đó, Sở GTVT các địa phương thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về giao thông, trong đó có lĩnh vực đường bộ, vận tải, an toàn giao thông…

“Theo quy định, khi bị tước bằng lái xe, tài xế không được phép hành nghề. Doanh nghiệp biết lái xe bị thu hồi bằng thì không được phân công công việc. Ngoài ra, trong quy định của các bến xe, khi xe xuất bến cũng phải kiểm tra điều kiện của người lái xe”, vị cán bộ Cục Đường bộ Việt Nam nói.

Được biết, hằng năm Sở GTVT các tỉnh thành đều yêu cầu các bến xe ký cam kết thực hiện nghiêm công tác kiểm tra điều kiện phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe trước khi làm thủ tục cho xe xuất bến theo quy định.

Trong đó, Sở GTVT chỉ đạo các bến xe kiên quyết không cho xuất bến với các trường hợp lái xe sử dụng rượu bia, chất cấm; phương tiện không đủ điều kiện, không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thiết bị giám sát hành trình, camera không hoạt động.

Vì thế, vụ việc lái xe Thành Bưởi gây tai nạn làm 5 người chết lộ ra "lỗ hổng" về quản lý, kiểm tra, giám sát xe trước khi xuất bến.

Liên quan tới thủ tục kiểm tra trước khi xe xuất bến, giám đốc một bến xe tại Hà Nội cho biết, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã quy định rất cụ thể.

Theo quy định, các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách phải kiểm tra 18 mục trước khi xe xuất bến, trong đó có bằng lái xe.

“Bằng lái là hạng mục quan trọng nhất, bắt buộc phải được kiểm tra trước mỗi chuyến xe rời bến. Những nội dung khác như niêm yết giá vé, búa thoát hiểm có thể được kiểm tra định kỳ”, vị này chia sẻ.

Ngoài ra, trước khi giao xe cho tài xế, chủ xe phải kiểm tra giấy phép lái xe, nồng độ cồn, m‌a tú‌y và các tiêu chí sức khỏe của tài xế. Do đó, chủ xe hoặc người quản lý phải biết việc tài xế bị tước giấy phép lái xe.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật