Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tranh thủ bài phát biểu trực tiếp đầu tiên của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, để thể hiện “rất rõ ràng” rằng Ukraine cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, bài phát biểu khó có thể lay chuyển quan điểm của các quốc gia vẫn trung lập.
Phát biểu từ trụ sở LHQ ở New York sau khi Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 78 khai mạc, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện sự đoàn kết trước “sự gây hấn liên tục của Nga ở Ukraine”, và rằng Moscow phải bị đẩy lùi để thế giới có thể chuyển sang giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách.
Được ưu tiên bởi các thành viên LHQ, ông Zelensky là nhà lãnh đạo thế giới thứ 12 phát biểu hôm 19/9. Cuối cùng, ông đã lên sân khấu sau hơn 5 giờ phát biểu của 9 vị Tổng thống, Quốc vương Jordan và tiểu vương Qatar.
Bài phát biểu này của Tổng thống Ukraine cho thấy một bước chuyển so với bài phát biểu được ghi âm trước của ông tại chính sự kiện cấp cao toàn cầu này năm ngoái, khi ông ở lại thủ đô Kiev để nhấn mạnh sự phản kháng của Ukraine.
Bước chuyển trong cách tiếp cận ngoại giao
Sự hiện diện của ông Zelensky lần này đã thể hiện một cách tiếp cận ngoại giao trực tiếp hơn của Ukraine với các đồng minh, đối tác và các nước lớn khác trên thế giới, như Ấn Độ và Brazil – những nước phần lớn vẫn đứng bên lề cuộc xung đột.
Phóng viên Mike Hanna của Al Jazeera, đưa tin từ trụ sở LHQ chiều hôm 19/9, cho biết ông Zelensky đã sử dụng bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng để thể hiện “rất rõ ràng” rằng Ukraine cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, bài phát biểu khó có thể lay chuyển quan điểm của các quốc gia vẫn trung lập, phóng viên của Al Jazeera cho biết.
“Tại một số nước Nam bán cầu, công chúng cũng bất bình về lượng thời gian mà LHQ dành cho vấn đề Ukraine mà họ tin rằng gây bất lợi cho các vấn đề mà Nam bán cầu đang phải đối mặt”, phóng viên Mike Hanna nói thêm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng LHQ, ngày 19/9/2023. Ảnh: The Guardian
Rõ ràng, cuộc xung đột dai dẳng ở Ukraine đã “chiếm sóng” ngày đầu tiên của Phiên Thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng LHQ, với việc một số nhà lãnh đạo thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp viện trợ nhân đạo và an ninh trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu hồi tháng 2 năm ngoái.
Nhưng trong bài phát biểu tại LHQ hôm 19/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden dành rất ít thời gian nói về cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, cũng như những thách thức mà quốc gia Đông Âu này phải đối mặt – khác xa với bài phát biểu năm ngoái.
“Chỉ Nga mới có khả năng chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức, và chính Nga cũng đang cản trở hòa bình”, ông Biden nói, đổ lỗi cho Moscow về cuộc chiến.
“Nếu chúng ta cho phép Ukraine bị chia cắt, liệu an ninh của bất cứ quốc gia nào có được đảm bảo không?”, nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm, nhận được tràng pháo tay đầu tiên từ Đại hội đồng.
Trong khi ông Biden phát biểu, Đặc phái viên của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya, được nhìn thấy đang lướt qua điện thoại của mình, còn ông Zelensky, ngồi cạnh một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao Ukraine, hoan nghênh các bình luận của Tổng thống Mỹ.
Trong khi ông Biden phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Đặc phái viên của Nga tại LHQ, ông Vasily Nebenzya, được nhìn thấy đang lướt qua điện thoại của mình. Ảnh: The Guardian
Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, Tổng thống Zelensky dự kiến cũng sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (UNSC) về Ukraine hôm 20/9. Trước đó, trong bài phát biểu hôm 19/9, ông Zelensky cho biết, ông dự định đưa kế hoạch hòa bình Ukraine – đã được hầu hết các nước tại LHQ thông qua – tới cuộc họp hôm 20/9.
Rất có thể đây sẽ là một trong những lần đầu tiên các nhà ngoại giao Ukraine và Nga ngồi cùng bàn kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình đổ vỡ hơn 18 tháng trước.
Lý do nên tiếp tục hỗ trợ
Tổng thống Ukraine sau đó sẽ tới Washington, DC vào ngày 21/9 để gặp Tổng thống Biden. Ông cũng sẽ đến thăm Điện Capitol, nơi các nhà lập pháp phải đối mặt với hạn chót là ngày 30/9 để thông qua dự luật chi tiêu liên bang, trong đó sẽ bao gồm viện trợ thêm cho đất nước đang chìm trong xung đột trên lục địa châu Âu.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên vào tuần trước rằng ông tin rằng ông Zelensky đang “mong chờ” được thăm các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ để giải thích lý do vì sao Washington nên tiếp tục hỗ trợ Kiev.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài CNN bên lề sự kiện cấp cao tại LHQ hôm 19/9, ông Zelensky cho biết ông vẫn tập trung vào việc mua thêm tên lửa tầm xa từ Mỹ, lập luận rằng những thiết bị như vậy không phải để nhắm vào Nga mà là để duy trì năng lực chiến trường ở mức ngang bằng giữa hai bên.
“Sẽ là một tổn thất cho chúng tôi” nếu vũ khí không được cung cấp, ông Zelensky cho biết và nói thêm rằng điều đó sẽ dẫn đến “thêm thương vong trên chiến trường và các nơi khác”.
Ông Biden dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng về việc có gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa (ATACMS) tới Ukraine hay không, CNN đưa tin vào đầu tháng này.
Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters bên lề Đại hội đồng LHQ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 19/9 cho biết, Ukraine rất cần các hệ thống phòng không, bao gồm đạn dược và phụ tùng thay thế.
Ông Stoltenberg cho biết cuộc xung đột là một “cuộc chiến tiêu hao” nhưng không phải là một sự bế tắc, dựa trên những lợi ích mà Ukraine đã đạt được sau cuộc phản công bắt đầu hồi đầu tháng 6 nhằm cố gắng giành lại lãnh thổ từ tay các lực lượng Nga.
“Nếu chúng ta muốn chấm dứt cuộc chiến, nếu chúng ta muốn có một nền hòa bình công bằng và lâu dài, thì hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường đúng đắn”, ông Stoltenberg nói. “Ukraine cần nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau”, người đứng đầu liên minh quân sự phương Tây cho biết.
Trước thềm sự kiện cấp cao tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Zelensky đến thăm các binh sĩ Ukraine bị thương đang điều trị tại bệnh viện Đại học Staten Island, New York, ngày 18/9/2023. Ảnh: The Sun Daily
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin không tham dự sự kiện năm nay. Thay vào đó, đại diện cho ông là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ông Lavrov đã tới New York, sau chuyến bay mất 11 giờ 40 phút xuất phát từ Moscow. Hành trình của ông bị kéo dài do các nước “không thân thiện” đã đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của Nga.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga có kế hoạch tổ chức khoảng 20 cuộc gặp song phương bên lề sự kiện này. Ông cũng sẽ gặp các quan chức cấp cao của các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Sự kiện quan trọng trong lịch trình làm việc của ông Lavrov sẽ là bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 23/9.
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 78, khai mạc ngày 19/9 tại New York, quy tụ các Nguyên thủ Quốc gia, Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện của các tổ chức quốc tế từ khắp nơi trên thế giới. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát Tuần lễ cấp cao được tổ chức mà không có các hạn chế y tế. Do đó, những người tham gia sẽ phải trực tiếp tham dự tất cả các sự kiện và không được phép phát biểu qua liên kết video.