Chứng khoán toàn cầu đi ngược chiều nhau trong phiên 19/9 trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định lãi suất trong bối cảnh giá dầu chạm mức “đỉnh” mới của nhiều tháng trước khi quay đầu giảm.
Tại New York, chỉ số công nghệ Dow Jones giảm 0,3% xuống 34.517,73 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 4.443,95 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,2% xuống 13.678,19 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,1% lên 7.660,20 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,1% lên 7.282,12 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,4% xuống 15.664,48 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,1% xuống 4.242,70 điểm.
Giá dầu Brent Biển Bắc đã lần đầu tiên giao dịch trên mốc 95 USD/thùng kể từ tháng 11/2022, nhờ thông báo cắt giảm sản lượng của Nga và Saudi Arabia. Tuy nhiên, giá mặt hàng này đã giảm xuống vào cuối ngày giữa những lo ngại về nhu cầu.
Fed được nhiều người kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 19- 20/9, nhưng thị trường đang tập trung vào nguy cơ tăng lãi suất bổ sung vào cuối năm 2023.
Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ Charles Schwab lưu ý các nhà đầu tư vẫn lo lắng về những dự báo kinh tế và lãi suất của các nhà hoạch định chính sách, do đó thị trường thường giao dịch trong biên độ hẹp, một kiểu biến động điển hình trong những ngày sắp có quyết định về lãi suất.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng thông báo quyết định chính sách tiền tệ trong tuần này, cùng với các ngân hàng khác ở Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sỹ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng triển vọng kinh tế toàn cầu cho năm 2023, nhưng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2024 do các đợt tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, tăng so với mức dự báo 2,7% trong báo cáo triển vọng tháng Sáu của OECD.
Tại thị trường Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch 19/9, VN-Index giảm 0,31 điểm, tương đương 0,03%, xuống 1.211,50 điểm. HNX-Index giảm 0,26 điểm, tương đương 0,1%, xuống 250,22 điểm.