’Cần làm gì để đón dòng vốn ngoại đang tăng tốc’ là câu hỏi không mới trong cộng đồng doanh nghiệp, nhưng bối cảnh ngày nay đã có sự thay đổi nhất định về xu hướng đầu tư và tiêu dùng, đặc biệt trước những yêu cầu mới về sản xuất xanh và bền vững.
Dòng vốn đầu tư đang khởi sắc
Đầu tháng 9, Việt Nam đón nhận thêm nhiều câu chuyện tích cực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại. Trong số này, điểm nhấn là câu chuyện dòng vốn đầu tư và thương mại từ Mỹ được kỳ vọng thúc đẩy sau khi hai nước nâng tầm quan hệ thành đối tác chiến lược.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực kể từ đầu năm đến nay. Tính đến cuối tháng 8, lượng vốn giải ngân FDI đạt 13,1 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ và là con số thực hiện 8 tháng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, lượng vốn đăng ký mới tăng 39,7% so với cùng kỳ.
Nhưng một điểm nhấn đang chú ý là lượng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng tốc. Tính trong 8 tháng đầu năm, lượng vốn FDI đầu tư Trung Quốc đạt 2,69 tỉ đô la Mỹ, tăng 90% so với cùng kỳ, đưa quốc gia này chiếm gần 15% tổng vốn đầu tư và xếp thứ ba sau Singapore và Hàn Quốc.
Không chỉ với Việt Nam, hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại khu vực ASEAN nói chung cũng đã tăng lên đáng kể. Điều này này làm thay đổi hiện trạng trước đây là nhà đầu tư đa dạng vào ASEAN trước đây là bao gồm Hàn Quốc và Nhật bản là chủ đạo.
Nguồn: Mirae asset.
Báo cáo về dòng chảy đầu tư FDI vào ASEAN của HSBC mới đây cũng đánh giá tăng trưởng của FDI vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là ấn tượng. “Bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng. Đặc biệt, vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất từ đầu năm đến nay đã vượt mức đầu tư mỗi năm trong ba năm vừa qua một cách đáng ngạc nhiên. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi”, báo cáo nhận định.
Việt Nam không chỉ đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp mà còn là dòng vốn đầu tư gián tiếp. Trên thị trường mua bán sáp nhập (M&A), kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng lớn khi giá trị thị trường trong 6 tháng đầu năm giảm 54% so với cùng kỳ, ước đạt 2,7 tỉ đô la. Tuy nhiên, số lượng các thương vụ lớn lại chiếm nhiều hơn. Chỉ tính riêng các thương vụ lớn (giá trị 1.000 tỉ đồng trở lên) đã chiếm 2,3 tỉ đô la với 10 giao dịch, theo số liệu của Khối Nghiên cứu thị trường và tư vấn FiinGroup. Hoạt động M&A trong khoảng thời gian còn lại của năm được các chuyên gia đánh giá là sẽ còn sôi động hơn.
Trên thị trường cổ phiếu, dòng tiền cũng chảy mạnh với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE trong tháng 8 đã tăng 21% so với tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 5-2022 và cao hơn đáng kể so với mức trung bình 8 tháng đầu năm (22.200 tỉ đồng so với 14.000 tỉ đồng). Trong đó, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE vẫn duy trì quanh ngưỡng 7–8%.
Theo báo cáo dòng vốn toàn cầu mới đây của Công ty chứng khoán SSI, chuỗi bán ròng của các nhà đầu tư ngoại tiếp tục kéo dài với áp lực chốt lời, nhưng dòng tiền khối ngoại từ các quỹ chủ động vẫn được đánh giá là tích cực ở thời điểm hiện tại. Khác với giai đoạn đầu năm khi định giá thị trường ở mức thấp, yếu tố hỗ trợ hiện nay là kỳ vọng tích cực hơn về tăng trưởng của các doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ thực tế hơn từ phía Chính phủ, nhưng rủi ro sẽ nằm ở chỗ tăng trưởng không đạt như kỳ vọng, báo cáo nhận định.
Cải thiện lợi thế cạnh tranh để hút vốn
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, một điều đáng chú ý là xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 7, tốt hơn nhiều so với mức giảm 15% của Trung Quốc, 16% của Hàn Quốc và 10% của Đài Loan. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục trong quí 2 vừa qua. Số liệu này giải thích cho việc Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
“Tất cả các nhà xuất khẩu tại châu Á đều được hưởng lợi ở mức độ nào đó từ việc chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ chạm đáy, nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á hưởng lợi đáng kể từ việc nhiều nhà máy mới được thành lập”, ông bình luận và đặt kỳ vọng đơn hàng quốc tế sẽ trở lại đáng kể vào mùa Giáng sinh tới.
Ở khu vực ASEAN, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các lĩnh vực sản xuất và gần đây tham gia vào thị trường tiêu dùng đang mở rộng nhanh chóng, theo đánh giá của HSBC. Trong đó, các nền kinh tế có lợi thế cạnh tranh được nhắc đến là điện tử gia dụng ở Việt Nam, chuỗi cung ứng xe điện ở Indonesia và Thái Lan cũng như ngành dược phẩm của Singapore.
Việt Nam tiếp tục chứng kiến dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ trọng cao.
Dòng chảy đầu tư tăng tốc vào ASEAN trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá cao về tiềm năng khu vực này. Kết quả của Khảo sát Kết nối Toàn cầu do HSBC công bố đầu tháng 9 (ủy thác thực hiện dựa trên 3.509 doanh nghiệp lớn có trụ sở tại chín thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức,…), đặt kỳ vọng hoạt động kinh doanh trong khu vực tăng trưởng 23,2% trong vòng 12 tháng tới, cao hơn đáng kể so với mức 20,1% trong khảo sát năm ngoái, tương đương 4-5 lần tốc độ tăng trưởng GDP kỳ vọng ở ASEAN.
Trong số này, Việt Nam được đánh giá là “nổi lên” trong nhóm những nước có tăng trưởng tốt nhất khu vực ASEAN trong và sau đại dịch Covid-19. Các yếu tố đánh giá vẫn là những câu chuyện “cũ” như tăng trưởng kinh tế nhanh, lực lượng lao động, chi phí cạnh tranh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại gần đây cũng cho biết sự hấp dẫn còn đến từ thị trường tiêu dùng đang dần lớn mạnh, đi cùng đó là nền kinh tế số đang phát triển với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và lĩnh vực khởi nghiệp sôi động của Việt Nam.
Câu chuyện của Việt Nam vì thế không chỉ nằm ở khối FDI và xuất khẩu. “Tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh cũng là một cơ hội thực sự cho các công ty quốc tế kỳ vọng trở thành một phần của câu chuyện tiêu dùng mà trong đó Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030″, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam, bình luận.
Có thể thấy nếu như trước đây, phần lớn FDI tập trung vào lĩnh vực dệt may và giày dép, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp hơn thì ngày nay Việt Nam được đánh giá là đã “thăng hạng” khi phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng, với hơn một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam, cũng như thu hút các ông lớn điện tử tiêu dùng khác, kể cả Apple mở rộng hoạt động. Đi cùng với xu hướng “xanh”, việc chuẩn bị từ sớm để có thể “hòa nhịp” với chuỗi cung ứng trên thế giới sẽ giúp Việt Nam cải thiện lợi thế cạnh tranh, nâng cao khả năng thu hút vốn vốn trong dài hạn.
Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được Báo chính phủ dẫn lời cho hay, trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại – Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc hồi cuối tuần qua.Một nội dung được nhắc đến là Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia, giao dịch của các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu, nhập khẩu uy tín, có quy mô, tiềm lực đến từ Trung Quốc và thế giới trong các lĩnh vực có thế mạnh của ASEAN và Trung Quốc. Trong đó, các “từ khóa” đầu tư quan trọng được kể đến sẽ là lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, công nghệ giảm phát thải carbon và xử lý môi trường, sản xuất-chế biến nguyên nhiên liệu, máy móc thiết bị hiện đại tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường,…