Hơn 3 tiếng từ Hà Nội về tới Nghệ An
Thay vì 4 - 5 tiếng để về tới Nghệ An như trước đây, với việc nối thông 2 đoạn tuyến cao tốc QL45 - Nghi Sơn (43 km) và Nghi Sơn - Diễn Châu (50 km) và một đoạn thuộc dự án Mai Sơn - QL45, người dân chỉ cần di chuyển hơn 3 tiếng. Tuyến cao tốc từ Pháp Vân (Hà Nội) tới Nghệ An đã được hoàn thiện dài 251 km.
Dự kiến từ nay tới cuối năm sẽ có thêm 3 dự án lớn đi vào khai thác là cầu Mỹ Thuận 2 (6,6 km), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (23 km), Tuyên Quang - Phú Thọ (40 km). Ngoài ra, năm 2024 sẽ tiếp tục thông xe thêm 2 tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (49 km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (78 km). Tới năm 2025, toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) dài 729 km sẽ lần lượt thông xe. Cùng với các dự án Bến Lức - Long Thành (58 km); Hòa Liên - Túy Loan (12 km); Hữu Nghị - Chi Lăng (43 km)… thông xe, toàn tuyến Bắc - Nam sẽ được nối liền một dải từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau.
Cần thay đổi cách làm, với các dự án cao tốc chạy qua miền núi lưu lượng xe thấp, nhưng ý nghĩa chính trị an ninh quốc phòng thì nhà nước nên đầu tư. Các tuyến hấp dẫn hơn thì ưu tiên PPP.
PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ
Trong số 22 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021- 2025 (tổng chiều dài 1.382 km), tính tới nay đã có 8 đoạn tuyến thông xe gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.
Theo chiều dọc từ Bắc tới Nam, người dân sẽ có 3 tuyến đường lựa chọn là QL1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam. Trao đổi với Báo , lãnh đạo Bộ GTVT cho biết cao tốc Bắc - Nam là bước đột phá quan trọng về hạ tầng, rút ngắn chỉ còn một nửa thời gian lưu thông, gia tăng hiệu quả kinh tế so với lưu thông trên QL1 hiện tại. Cao tốc với vận tốc thiết kế các tuyến 80 - 120 km/giờ, không có giao thông hỗn hợp xe máy, xe thô sơ chung ô tô như các tuyến quốc lộ… nên việc lưu thông an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều.
Cao tốc QL45 - Nghi Sơn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa thông xe sáng 1.9
Cơ chế đã có, quan trọng là cách làm
Tính đến trước năm 2020, cả nước mới chỉ có 1.183 km cao tốc đi vào khai thác, tính bình quân trong 10 năm chúng ta sẽ phải đầu tư và xây dựng mới hơn 3.800 km, tương ứng 350 - 400 km mỗi năm. Nếu so với tốc độ mỗi năm chỉ làm được 20 km cao tốc của 20 năm trước, đây là con số đột phá rất lớn. Song nếu so với các nước, số lượng đường cao tốc của VN vẫn rất khiêm tốn.
Trung Quốc là một trong những nước có hệ thống đường bộ cao tốc phát triển nhanh nhất thế giới. Cuối năm 1998, nước này có hơn 8.700 km cao tốc, đứng thứ 6 thế giới; tới năm 1999 có khoảng 10.000 km, đứng thứ 4 thế giới. Năm 2000 đạt 16.000 km, đứng thứ 3 thế giới, 10 năm sau tới năm 2010 là 104.400 km và đến năm 2020, Trung Quốc có 168.000 km đường cao tốc, đứng số 1 thế giới. Để làm được khối lượng đường cao tốc khổng lồ trên, Trung Quốc đã thành công trong huy động vốn bằng nhiều hình thức, từ vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, thu tiền chuyển nhượng quyền kinh doanh đối với loại đường thu phí (chuyển nhượng quyền thu phí) và sử dụng vốn nước ngoài.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM đến Bình Thuận
LÊ LÂM
Với VN, trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến huy động được gần 500.000 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt ưu tiên hệ thống đường cao tốc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 5.000 km cao tốc tới năm 2030, việc đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là cấp thiết để san sẻ gánh nặng cho ngân sách. Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, luật PPP được thông qua từ năm 2020 và có hiệu lực từ năm 2021, nhưng tới nay vẫn chưa có dự án PPP mới nào được triển khai.
"Cơ chế, chính sách cho đầu tư PPP đã có, vấn đề tắc do cách làm. Có rất nhiều dự án cao tốc lưu lượng phương tiện tốt, phương án tài chính khả thi, hấp dẫn nhà đầu tư nhưng nhà nước lại dùng ngân sách. Trong khi ngược lại các dự án phương án tài chính không khả thi thì lại đầu tư theo hình thức PPP thì rất khó hấp dẫn và nhà đầu tư cũng không thiết tha", ông Trần Chủng nói.
Lựa chọn đúng nhà thầu, sẽ yên tâm tiến độ, chất lượng
Chưa có dự án nào có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương như các dự án cao tốc vừa qua. Điều này đã tạo ra hiệu quả rất cao khi triển khai những công việc với khối lượng rất nặng nề. Đặc biệt kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.
Trong những lúc khó khăn nhất, công việc phức tạp, chúng ta đã không nản chí, vẫn bao trùm sự quyết tâm, quyết liệt từ T.Ư đến địa phương và thực tế đã làm được. Nếu đứng trước khó khăn mà chùn bước sẽ tạo thành rào cản lớn, tuy nhiên, chúng ta đã tìm ra mọi giải pháp để vượt qua. Đây là bài học kinh nghiệm rất có giá trị.
Điểm mới ở chỗ các lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đi thực địa kiểm tra các dự án cụ thể đã trực tiếp giải quyết kịp thời các "điểm nghẽn" vốn thuộc thẩm quyền của từng cấp, từng ngành. Bên cạnh đó, việc các bộ, ngành, địa phương hay chủ đầu tư dự án mạnh dạn tham mưu đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để phù hợp thực tiễn, tạo nên hành lang pháp lý tháo gỡ các vấn đề tồn tại.
Trong quá trình triển khai một số nhiệm vụ trong bước chủ trương đầu tư, lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, thiết kế bản vẽ thi công… đều có sự đổi mới rất hiệu quả giúp đưa các dự án về đích. Chất lượng, tiến độ là ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Kinh nghiệm triển khai khi lựa chọn nhà thầu, các địa phương cần hết sức lưu ý trong việc phải đảm bảo nhà thầu phải đủ năng lực, máy móc, thiết bị, nhân lực thi công. Việc triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cho thấy nếu lựa chọn đúng nhà thầu có đầy đủ năng lực thì sẽ yên tâm trong quản lý, tiến độ, chất lượng công trình.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
Nhắc đến bài học đầu tư cao tốc của Trung Quốc, theo PGS-TS Trần Chủng, trong hơn 20 năm qua nước này đã đầu tư được 168.000 km cao tốc nhờ cách làm rất quyết liệt, nguồn tài chính dồi dào và cơ chế phân cấp, phân quyền hợp lý cho địa phương. Hệ thống cao tốc cũng rất đồng bộ, từ quy mô làn xe, đến hệ thống hầm xuyên núi, cầu cạn…
"Trong bối cảnh đầu tư cao tốc của VN hiện nay cần liệu cơm gắp mắm, cân đối dựa trên nguồn lực hiện có. Song nên đầu tư cuốn chiếu, làm đâu được đó thay vì làm ồ ạt. Nhu cầu đầu tư cao tốc là rất cấp thiết, nhiều "vùng trắng" cao tốc cần bổ sung, nhưng nếu đã đầu tư thì cần cố gắng đạt chuẩn cao tốc", ông Trần Chủng nói và cho rằng bất cập hiện nay là nhiều tuyến cao tốc mới đi vào khai thác chỉ có 2 làn xe hoặc chưa đạt chuẩn, sau này mở rộng lên rất khó.