Dù một số trường công còn thiếu học sinh (HS) nhưng theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, sở sẽ không hạ điểm chuẩn ở những trường này và cũng không xét tuyển bổ sung. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần một phương án hợp lý để tuyển bổ sung, tránh lãng phí hệ thống trường công.
Thiếu học sinh là do tăng chỉ tiêu
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP HCM, sau 15 ngày nhận hồ sơ nhập học lớp 10 công lập, thành phố có 26/110 trường THPT có tỉ lệ HS nhập học 100%. Trong khi đó, một số trường THPT, tập trung chủ yếu ở vùng ven, ngoại thành TP HCM có tỉ lệ HS nhập học khá thấp. Có thể kể đến là Trường THPT Diên Hồng có tỉ lệ HS nhập học là 62,96% (294 HS/467 chỉ tiêu), Trường THPT Vĩnh Lộc B: 40,63% (373 HS/918 chỉ tiêu), Trường THPT Nguyễn Văn Linh: 61,6% (454/737 chỉ tiêu), Trường THPT Nguyễn Văn Tăng: 74,8% (656/877 chỉ tiêu), Trường THPT Phong Phú: 61,92%...
Năm học 2023-2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP HCM là 76.060 HS, trong khi số thí sinh đã hoàn thành nộp hồ sơ vào các trường trúng tuyển là 71.254. Như vậy, còn gần 5.000 HS chưa xác nhận nhập học tại các trường. Theo phân tích của Sở GD-ĐT, dựa theo kết quả tỉ lệ nhập học của từng trường THPT của thành phố, một số trường ở các vùng ven có tỉ lệ nộp hồ sơ chưa cao. Một trong các nguyên nhân, theo sở này, là hằng năm do ban chỉ đạo tuyển sinh đã nắm trước những trường hợp các trường vùng ven có thể bị thiếu HS nên đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh để có thể giảm điểm chuẩn và tạo điều kiện cho các em quanh khu vực có điều kiện trúng tuyển vào các trường này. Do đó, thực tế các trường THPT vùng ven về cơ bản vẫn đủ HS theo đúng kế hoạch đề ra. Một số trường có số HS nộp hồ sơ cao hơn so với các năm như: THPT Nguyễn Văn Linh, THPT Nguyễn Văn Tăng, THPT Phong Phú, THPT An Nhơn Tây, THPT Long Trường. Ngoài ra, số liệu tuyển sinh cho thấy một số lượng HS có nhà ở các quận trung tâm nhưng vẫn đăng ký những trường vùng ven. Chính vì vậy, dù trúng tuyển nhưng không thể nhập học.
Lãng phí lớn
Việc một số trường THPT khu vực ngoại thành TP HCM tuyển không đủ chỉ tiêu là điều được dự báo trước. Bởi lẽ, ngay từ giai đoạn đăng ký nguyện vọng (NV) tuyển sinh, nhiều trường THPT có số NV1 đăng ký chưa bằng 1/2 chỉ tiêu tuyển sinh. Năm học 2023-2024, TP HCM có hơn 96.000 HS tham gia thi lớp 10 so với tổng chỉ tiêu là 76.060, như vậy đã có gần 20.000 em rời khỏi cuộc đua vào lớp 10 công lập. Tuyển sinh lớp 10 tồn tại nghịch lý ở chỗ nhiều em rớt cả 3 NV, trong số này có không ít em đạt điểm cao nhưng lại có gần 5.000 HS không nhập học.
Lý giải về việc không hạ điểm chuẩn và cũng không xét tuyển bổ sung, lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định việc hạ điểm chuẩn để tăng số lượng HS vào các trường vùng ven không thể giải quyết tình trạng thiếu HS ở các trường này, nhưng sẽ gây xáo trộn cho tuyển sinh của toàn thành phố.
bình luận về quan điểm trên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng TP HCM cần phương án xét tuyển bổ sung để tránh lãng phí đào tạo ở hệ thống trường công.
Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm tại TP HCM có nhiều ưu điểm, đó là việc để HS được đăng ký 3 NV tuyển sinh, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 công lập phù hợp với chủ trương chung là tạo cơ hội cho các em đến tuổi được vào trường, lớp công lập. Tuy nhiên, trên thực tế, dù Sở GD-ĐT thành phố chỉ đạo kỹ càng nhưng rõ ràng việc nhiều em rớt cả 3 NV có nguyên nhân từ phía các trường THCS đã tư vấn không kỹ hoặc do gia đình, bản thân HS đã không chọn NV hợp lý. Đó là nhiều trường hợp thí sinh đăng ký chỉ nhắm vào NV1, NV2, trong khi đăng ký NV3 chỉ mang tính hình thức, không tính đến chuyện học. Chọn 3 NV nhưng thực chất chỉ có 1 NV nên dù trúng tuyển NV3 mà không nhập học.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng đa số các trường khu vực vùng ven có quy mô đào tạo lớn, đó là cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, vì vậy nếu không để các trường tuyển bổ sung chỉ tiêu sẽ gây lãng phí lớn.
"Lãng phí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa dạy hết công suất. Vì thế, phương án tuyển bổ sung là cần thiết để thêm cơ hội cho HS" - chuyên gia này nhìn nhận.