Choáng: Học bạ toàn điểm 10 mới “mơ” được dự thi vào lớp 6 trường hot ở Hà Nội

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để được tham dự vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 của các trường chuyên/chất lượng cao ở Hà Nội, học sinh phải xác định có điểm học bạ “đẹp như mơ“ từ 9 điểm trở lên. Thực tế, danh sách xét tuyển hàng năm đều toàn 10.
Choáng: Học bạ toàn điểm 10 mới “mơ” được dự thi vào lớp 6 trường hot ở Hà Nội
Ảnh minh họa

Học bạ toàn 10 dự thi vào lớp 6 trường hot

Không chỉ xét tuyển đại học và thi vào lớp 10, nhiều năm qua không khí tuyển sinh vào lớp 6 ở các trường điểm tại Hà Nội cũng cạnh tranh khốc liệt không kém. Để vào được các trường top 1, học sinh không chỉ phải trải qua bài kiểm tra đánh giá năng lực mà trước đó, các em cần phải có học bạ đẹp lung linh ở vòng xét tuyển. 

Năm học 2023- 2024, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển sinh 5 lớp 6 với tổng 200 học sinh. Phương thức tuyển sinh là kết hợp giữa xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Học sinh phải trải qua 2 vòng: vòng 1 (sơ tuyển) và vòng 2 (kiểm tra, đánh giá năng lực). Học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh phải đảm bảo đủ điều kiện: Học bạ cuối các năm lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 đạt danh hiệu "Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện".

Học sinh dự thi vào lớp 6 năm 2022.

Điểm sơ tuyển là điểm học cấp tiểu học (tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, Tiếng Việt ở cả 5 năm tiểu học, điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 4 và lớp 5 môn Khoa học; Lịch sử và Địa lý, điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 3, lớp 4, lớp 5 môn Tiếng Anh, cộng điểm ưu tiên theo quy định).

Những học sinh có điểm sơ tuyển từ 167 điểm trở lên sẽ được tham gia kiểm tra ở vòng 2. Như vậy, học sinh muốn dự thi chỉ được phép có 3 điểm 9 hoặc 1 điểm 9 và 1 điểm 8 trong suốt 5 năm tiểu học.

Trong trường hợp xét tuyển đến chỉ tiêu cuối mà có nhiều thí sinh có điểm bằng nhau thì theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm sơ tuyển cao hơn; có tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học lớp 5 các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lý cao hơn; có hộ khẩu thường trú tại quận Cầu Giấy.

Được biết, năm 2022, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam phát hành đơn dự tuyển lớp 6 ngày 25/5; tổ chức kiểm tra năng lực vào lớp 6 ngày 25/6 với 1.200 thí sinh dự thi (chia 45 phòng thi). Điểm chuẩn trúng tuyển là 17 điểm.

Trường THCS Thanh Xuân cũng thông báo điều kiện dự tuyển là học sinh có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các môn Toán, Tiếng Việt (lớp 1 đến lớp 5) và Tiếng Anh (lớp 3, 4, 5) đạt từ 9 điểm/môn trở lên. Trường áp dụng phương thức xét tuyển (ngày 25-31/5) và kiểm tra đánh giá năng lực (ngày 20/6). 

Trường THCS Cầu Giấy ngoài yêu cầu hộ khẩu hoặc cư trú thực tế ở quận Cầu Giấy thì cũng yêu cầu thí sinh phải đạt phần đánh giá năng lực và các phẩm chất trong 5 năm được đánh giá  loại tốt hoặc đạt. Điểm kiểm tra đình kỳ cuối năm môn Toán, Tiếng Việt (đối với lớp 1, 2) đạt tổng điểm từ 18 điểm trở lên/năm (tương đương mỗi môn ít nhất 9 điểm). Điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (đối với lớp 3, 4, 5) đạt tổng điểm từ 26 điểm trở lên/năm (trong đó không có môn nào dưới 8 điểm).

Mặc dù trong thông báo tuyển sinh lấy từ 9 điểm nhưng thực tế ai cũng choáng vì danh sách học sinh dự tuyển vào trường này chỉ toàn điểm 10, hiếm hoi lắm mới có môn điểm 9.

Nhiều hệ lụy từ bảng điểm toàn 10

Lý giải về việc phải xét học bạ yêu cầu cao, Sở GDĐT Hà Nội cho rằng muốn nhằm sàng lọc bớt số lượng hồ sơ học sinh không đủ năng lực ngay từ vòng loại và giảm gánh nặng chi phí tổ chức thi tuyển.

Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm nêu quan điểm, rất khó có thể tin tưởng hoàn toàn vào điểm hồ sơ, học bạ mà cần phải kết hợp bài kiểm tra kiến thức. Ngay cả tuyển sinh ĐH, nếu chỉ xét tuyển dựa theo điểm tổng kết học bạ sẽ không chính xác. 

Chia sẻ với PV báo Báo , anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" cho biết: "Trước hết phải nói ngay, bảng điểm xét tuyển vào những trường chất lượng cao bậc THCS ngày càng đòi hỏi khắt khe. Bởi vậy ngày càng xuất hiện những học bạ với điểm tổng kết các môn toàn điểm toàn 10 hoặc có vài điểm 9. 

Ví dụ điểm xét tuyển qua học bạ năm nay của một trường có tiếng với yêu cầu, trong suốt 5 năm tiểu học, học bạ học sinh chỉ được phép có 3 điểm 9 hoặc 1 điểm 9 và 1 điểm 8. Khi qua được vòng học bạ, các con sẽ bước vào vòng kiểm tra đánh giá năng lực. Dù yêu cầu vòng 1 là vậy, nhưng để được xét tuyển trước khi vào vòng 2, hầu hết học bạ của các con toàn điểm 10, chưa kể nhiều giải thưởng khác nhau".

Anh Phúc khẳng định: "Về mặt tích cực, các trường tuyển được học sinh đầu vào có chất lượng, tuy nhiên mặt trái của nó không phải ai cũng dám đối diện. Ngay từ khi lớp 1, nhiều con đã được bố mẹ định hướng và học thêm đến mức không còn thời gian để chơi. Đáp ứng kỳ vọng chính đáng của phụ huynh, các trung tâm, lò luyện mọc lên như nấm. Hệ quả nhiều gia đình rơi vào vòng xoáy học nhồi nhét, đó không phải là mục tiêu của giáo dục khi bệnh thành tích lên ngôi. Không phải em nào cũng có tố chất học ở những trường chất lượng cao với nhiều áp lực nhưng phụ huynh là người quyết định nên tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nữa".

Trước tình trạng này, anh Phúc đưa ra lời khuyên: "Mong muốn con được học tập trong môi trường giáo dục chất lượng cả ở bên công lập lẫn trường tư thục là nhu cầu hết sức chính đáng. Bởi vậy việc này chỉ có phụ huynh là người hiểu và quyết định. Dù có quan ngại trước cuộc đua ôn luyện trong các lò luyện thi, nhưng theo tôi một mệnh lệnh hành chính là phản tác dụng. Thay vì đề ra những tiêu chuẩn vượt quá khả năng nếu các con không ôn luyện, các trường nên tổ chức nhiều buổi workshop để tư vấn cho phụ huynh muốn tìm hiểu về trường, thay vì rỉ tai mách nhau đi ôn luyện trong các lò".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật