Độc giả Nguyễn Đức Hùng chia sẻ về chuyến thăm đền Karnak, Ai Cập, một trong điểm đến mới của du khách Việt trong 1-2 năm trở lại đây.
Đền Karnak là điểm đến thu hút đông khách du lịch nước ngoài thứ 2 của du lịch Ai Cập, chỉ xếp sau đại kim tự tháp Giza. Về quy mô, sự hùng vĩ, ngôi đến này không hề thua kém kim tự tháp Giza.
Tác giả Nguyễn Đức Hùng tại đền Karnak, Ai Cập
Quần thể đền được xây dựng từ năm 1580-1160 trước Công nguyên bởi khoảng 30 vị Pharaoh nối tiếp nhau. Mỗi vị vua đều tạo một dấu ấn riêng cho mình vào ngôi đền bằng những cột trụ đá, hoa văn và họa tiết độc đáo.
Quần thể đền Karnak được coi là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 8,09 km2 bao gồm nhiều tàn tích của những ngôi đền, những bức tượng khổng lồ, những sảnh thờ và những tòa tháp có quy mô khổng lồ khiến bất kỳ ai đứng trước đều ngạc nhiên thán phục.
Để đi vào khu đền chính, du khách sẽ đi qua hai hàng con vật thân sư tử đầu cừu vẫn được giữ gần như nguyên vẹn sau hơn 3.000 năm vật đổi sao dời.
Một trong những công trình nổi tiếng nhất của đền Karnak là sảnh Hypostyle rộng lớn với diện tích 5.000m2, 134 cột đá lớn chia thành 16 hàng vô cùng vĩ đại. Hai hàng cột ở giữa gồm 12 chiếc có chiều cao 21m là các cột đá cao nhất trong tất cả các cột đá được xây dựng tại các đền ở Ai Cập.
Trước đây mái đền được làm bằng và đã bị phá hủy theo thời gian. Tuy nhiên, các cột đá được chạm khắc các hoa văn, biểu tượng hay các phù điêu nhiều màu sắc miêu tả các Pharaoh tham gia những trận đánh chống ngoại xâm hay diệt cái ác vẫn còn giữ được đến ngày nay.
Tượng vua Ramesses II, vị vua trị vì Ai Cập cổ 66 năm và được ghi nhận là vị vua vĩ đại và quyền lực nhất trong lịch sử. Thời kỳ ông cai trị cũng là thời kỳ thịnh vượng nhất của Ai Cập cổ và ông là vị vua có nhiều tượng được tạc nhất Ai Cập.
Ông qua đời ở tuổi 93, là vị vua thọ nhất trong lịch sử Ai Cập và được chôn ở ngôi mộ tại Thung lũng các vị vua ở không xa đền Karnak. thi hài của ông đã được tìm thấy năm 1881 và hiện được quàn tại bảo tàng Quốc gia Ai Cập ở Cairo.
Đi qua sảnh Hypostyle sẽ là sân trước của đền Amun nơi có 2 cột đá kỷ niệm Obelisk là cột đá mang tên nữ hoàng Hatshepsut và cột mang tên vua Thutmose trong đó có cột đá Hatshepsut là cột đá Oblisk cao nhất Ai Cập với chiều cao 29m. Cột đá dựng năm 1457 trước công nguyên được làm từ một khối đá và nặng khoảng 343 tấn. Dựa theo các ký tự ghi trên bệ của cột đá thì người ta mất 7 tháng để hoàn thành cột đá kỷ niệm này.
Du khách Việt chụp ảnh bên cột đá kỷ niệm Hatshepsut - Ảnh Thanh Hiền
Theo anh Kasim, hướng dẫn viên người Ai Cập, thời đó chưa có kim cương hay tia lazer nhưng người Ai Cập cổ đã dùng một công nghệ gì đó mà người ta chưa xác định được để tạo nên các bức chạm khắc trên đá vừa tinh xảo, nhẵn mịn với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Các cột đá, được coi là những cây hoa mọc lên từ đất, thường được thiết kế theo hình dáng của cây cọ và sen, hai loại hoa được coi là biểu tượng của người Ai Cập cổ. Bệ phía trên của cột đá có thể đủ chỗ cho 50 người lớn đứng.
Đây cũng là nơi thờ cúng chính các Pharaoh trong vòng gần 2.000 năm và hiện Karnak là cơ sở tôn giáo lớn nhất thế giới và là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nhất Ai Cập.
Ghé thăm Karnak, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ cảm giác kinh ngạc cho đến thán phục khi chứng kiến sự hùng vĩ của các kiến trúc, cùng những đường nét hoa văn chạm trổ tinh xảo chưa có lời giải ở ngôi đền kỳ bí tuyệt đẹp này.