Đời sống hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng, đặc biệt là với những gia đình mà chồng không biết đồng cảm, đỡ đần với vợ. Gần đây, mình đọc được tâm sự của một người vợ có chồng vô tâm lại hay say sưa bù khú với bạn bè, ít khi ngó ngàng đến gia đình. “3 năm kết hôn là 3 năm tôi không được sống một ngày cho bản thân”, người phụ nữ đã mở đầu câu chuyện éo le của mình như vậy đấy.
Cô cho biết, việc kết hôn với người chồng nhỏ tuổi hơn khiến cô cảm thấy tủi thân vì đối phương vẫn còn ham chơi, suy nghĩ chưa thấu đáo nên nhiều khi đổ hết việc quán xuyến gia đình cho vợ.
“Chồng tôi ham tụ tập, chiều hết giờ làm là anh gọi bạn ra quán ngồi. Có hôm tới 11, 12h đêm mới về, không quan tâm vợ con thế nào. Thậm chí ngày tôi nhập viện sinh cũng không có chồng ở bên vì anh đi nhậu, tắt máy. Con chào đời nửa ngày, anh mới vào viện xem vợ con thế nào. Tủi thân quá, tôi khóc nhưng anh chẳng những không động viên còn trách ngược vợ:
“Việc em đẻ thì cứ đẻ, đã có bố mẹ đi cùng rồi, cần gì cứ phải anh”.
Sau khi có con, tôi càng thêm vất vả. Ngày nào đi làm về tôi cũng phải tất tả lao vào con cái cơm nước. Đêm cho con ngủ xong, bắt đầu giặt giũ, dọn nhà cửa. Còn chồng tôi chẳng mấy ngày là không say, ai khuyên can cũng chẳng được”, người vợ ấm ức kể lại.
“3 năm kết hôn là 3 năm tôi không được sống một ngày cho bản thân”. (Ảnh minh họa: Báo Phụ Nữ)
Một ngày nọ, trong lúc đang đón con từ trường để đến phòng khám vì con ốm, người vợ nhận được điện thoại từ chồng. Anh giục vợ mau về chuẩn bị mấy món để anh lai rai với bạn bè. Không quan tâm đến con đang ốm, vợ đang tất bật ngoài đường, người chồng vô tâm gắt lớn:
“Anh hẹn chúng nó rồi. Em muốn làm gì thì làm, đừng để chồng mất thể diện”.
Dù rất mệt và ức chế nhưng cô vợ vẫn kiềm chế cảm xúc. Vừa về nhà, cô làm vội mấy món để chồng nhâm nhi cùng bạn bè. Lúc này, con vừa quấy khóc trên lưng, cô vừa đứng bếp chuẩn bị đồ nhắm cho chồng và bạn.
Tuy nhiên, người chồng không biết vô tâm đến cỡ nào hoặc quá cạn nghĩ mà không hề để mắt xem vợ con ra sao. Trong khi người vợ phải ẵm con lên lầu để bé ngủ vì nhà dưới quá ồn, người chồng cứ chốc lát lại gọi vợ để lấy giùm món này món nọ.
“Đúng lúc con thức giấc khóc, anh đập bàn gọi vợ:
“Nước chấm cô pha kiểu gì mà nhạt như nước ốc thế? Tỏi ít, ớt không có. Cô có phải là phụ nữ không mà có bát nước chấm cũng không làm được cho ra hồn”.
Tới lúc này tôi thực sự kiệt sức nên không nói lại, chỉ thở dài bước lên cầu thang nhưng chồng tôi lại không nhận ra sự mệt mỏi, chán chường của vợ, thay vào đó khó chịu quát lớn hơn:
“Cô láo quá rồi. Chồng nói mà không trả lời là sao? Dám thái độ hả?”.
Miệng nói, tay anh hất tung cả mâm đồ ăn xuống sàn nhà, bát đĩa vỡ tung tóe. Con tôi giật mình càng khóc to. Mấy gã bạn kia nhận thấy gia đình chuẩn bị “có biến” vội vàng nháy nhau đứng dậy về. Không muốn nín nhịn chồng thêm, tôi quay lại chỉ tay đáp:
“Anh đừng nghĩ bao nhiêu lâu nay tôi không nói, có nghĩa là anh đúng hết, hay nể sợ gì anh nhé. Nói thật, làm vợ anh tôi quá mệt rồi. Sống với 1 người chồng vô trách nhiệm, chưa từng một lần biết thương vợ, nghĩ cho vợ tôi thà làm mẹ đơn thân, nuôi con một mình cho nhàn”.
Nói xong tôi lên tầng, viết đơn ly hôn, đặt mặt bàn tuyên bố:
“Tôi chính thức ký giấy, tự giải phóng cho mình. Giữa tôi với anh từ nay chấm hết”.
Nói xong tôi bế con, dọn đồ bắt taxi về ngoại. Khi vợ con đã đi hết, anh ở một mình chắc nghĩ thông nên nửa đêm nhắn tin:
“Anh biết anh sai rồi, mai vợ đưa con về nhé. Từ nay anh sẽ thay đổi, sẽ sống có trách nhiệm, cùng em chăm con, làm việc nhà”.
Không thấy tôi trả lời, sáng sớm hôm sau anh phóng xe sang năn nỉ vợ đưa con về nhưng tôi không đồng ý. Lần này tôi nhất quyết cho anh bài học nhớ đời, bảo sẽ ly thân 1 thời gian. Nếu anh thay đổi thì vợ chồng quay về với nhau, còn không giải tán, đường ai nấy đi”, người vợ trải lòng.
Đọc câu chuyện của người phụ nữ này, mình vừa nể sự nhẫn nhịn, chịu đựng của chị để gia đình không xào xáo, vừa ấm ức tức giận trước thái độ vô tâm của người chồng. Từ khi vợ sinh con đến lúc chăm con, con đau ốm mà anh dửng dưng như thể đó là con riêng của vợ chứ không phải con của mình. Đã vậy, anh này còn say mê tụ tập với bạn bè, coi sở thích của cá nhân lên hàng đầu mà không nghĩ rằng bản thân đã lập gia đình.
Sức chịu đựng của con người là có giới hạn. Cách phản kháng của chị vợ là kết quả của chuỗi ngày phải sống nhẫn nhịn, nuốt tủi thân qua ngày. Mình không nghĩ chị có quyết định ly hôn hay không nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, để một người thay đổi tính tình là chuyện không dễ.
Sống chung với người vô tâm, không biết chia sẻ, đỡ đần với vợ quả là điều bất hạnh. Dù cho người vợ có cố gắng thế nào, gia đình muốn êm ấm vẫn cần sự hợp tác của chồng chứ một mình phụ nữ khó lòng gánh gồng, đảm đương nổi trong thời gian dài.