Tin liên quan
Thông tin mới nhất, đêm ngày 22/5, cháu bé đã tự thở được và sức khỏe của cháu đang có tiến triển tích cực. Mặc dù, cháu bé qua được nguy kịch, nhưng theo luật sư Dương Lê Sơn (Văn phòng Luật sư Lê Sơn, Đoàn Luật sư Đắk Lắk), vẫn có thể khởi tố để điều tra về hành vi giết người.
Đến đêm 22/5, cháu bé đã không phải thở bằng máy nữa
“Theo các thông tin chính thống từ báo chí, rõ ràng đối tượng Trần Hoài Thương (33 tuổi) đang bị điều tra hành vi B.H cháu N.N.T.C. (2 tháng 20 ngày tuổi), con gái của Nguyễn Phúc Hồng Ân (22 tuổi) là chính xác, không thể bàn cãi.
Theo điểm A, khoản 2, Điều 140, Bộ luật Hình Sự 2017 quy định về tội hành hạ người khác thì Trần Hoài Thương đã hành hạ trong trường hợp đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ”.
Tại cơ quan điều tra, Trần Hoài Thương thừa nhận nhiều lần B.H cháu bé vì cháu quấy khóc. Bước đầu, các bác sĩ chẩn đoán bé bị gãy xương cẳng tay trái và tay phải; gãy xương đùi cả 2 chân, chấn thương sọ não… Bé bị hôn mê, phải tiếp máu, ban đầu thở qua nội khí quản, nhưng sau đó phải thở máy trong tình trạng nguy kịch.
“Đây rõ ràng là có dấu hiệu của hành vi vi phạm khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình Sự đã quy định. Nghi phạm thực hiện tội phạm một cách man rợ là có dấu hiệu vi phạm tội giết người”, luật sư Dương Lê Sơn cho biết.
Luật sư Dương Lê Sơn cũng phân tích rõ hành vi giết người được thể hiện dưới hình thức dùng vũ lực hoặc không dùng vũ lực.
“Dùng vũ lực là trường hợp người phạm tội đã sử dụng sức mạnh vật chất (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội) tác động lên thân thể nạn nhân. Không dùng vũ lực nghĩa là dùng các thủ đoạn khác mà không sử dụng sức mạnh vật chất để tác động lên cơ thể nạn nhân như: Dùng thuốc độc để đầu độc nạn nhân, gài bẫy điện để nạn nhân vướng vào...
Hậu quả do hành vi của tội phạm giết người gây ra là làm người khác chết (tức là chấm dứt sự sống của người khác). Tuy nhiên, chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác thì được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không.
Một số trường hợp như dùng vũ lực không gây ra hậu quả trực tiếp làm nạn nhân chết, mà chỉ có tác dụng đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm Hình Sự về tội giết người nếu chứng minh được người thực hiện hành vi đó có mục đích giết người. Đây có thể xem là hậu quả gián tiếp.
Vì vậy, đủ yếu tố khởi tố dấu hiệu giết người đối với nghi phạm Thương", luật sư Sơn nhận định.