Hôm nay, 22-5, theo như thông báo của Điện lực TP.Móng Cái thì toàn TP. Móng Cái tạm cắt điện trong khoảng 3 giờ (từ 3 giờ đến 6 giờ) để hoàn tất đấu nối, vận hành đường dây 110Kv Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) phục vụ cho việc mua điện trong thời gian tới.
Lý do mua điện là bởi hiện nay vận hành hệ thống điện đang gặp nhiều khó khăn.
Do vậy để đảm bảo cung ứng điện, từ ngày 16-5, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) đã đàm phán và thống nhất phương án mua bán điện qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái trong các tháng 5, 6, 7 năm 2023.
TP.Móng Cái cắt điện để đấu nối đường dây 110kv Móng Cái- Đông Hưng.
Công ty Lưới điện Quảng Tây – Trung Quốc nhất trí với phương án mua bán điện qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái do phía Việt Nam đề xuất.
Đồng thời, khẳng định sẽ triển khai ngay công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở, công tác kỹ thuật vận hành để đảm bảo cung cấp điện cho phía Việt Nam sau khi lãnh đạo hai bên thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện.
Sau khi đàm phán thống nhất các thỏa thuận, trong ngày 23-5, hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện.
Khi hợp đồng có hiệu lực, trong các tháng 5, 6, 7-2023 điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp điện cho trạm 110kV Móng Cái (TP.Móng Cái) và 110kV Quảng Hà (huyện Hải Hà).
Như vậy, toàn bộ TP. Móng Cái và huyện Hải Hà sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp, qua đó góp phần giảm khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc.
Dự kiến 0 giờ ngày 24-5, sẽ chính thức đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái.
Trước đó, năm 2005-2016, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cũng đã thực hiện mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái, quá trình hợp tác mua bán điện được thực hiện trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều nay cũng cho hay, trong khi các nhà máy thuỷ điện suy giảm công suất vì thiếu nước thì thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài làm nhu cầu điện tăng rất cao.
Tình trạng trên cùng một số nhà máy điện gặp sự cố, thiếu nhiên liệu làm cho công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện nhiều thời điểm thấp hơn nhu cầu điện.
“Chúng ta thường xuyên ở trong tình trạng hệ thống điện không còn dự phòng. Do vậy, để đảm bảo cung ứng điện, Tập đoàn đã phải huy động các nguồn điện, kể cả các nguồn chạy dầu đắt đỏ” - ông Nhân nói.
Trước thực trạng như trên, chiều cùng ngày, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phát động, kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố, người dân cả nước cùng chung tay tiết kiệm điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.