Team building dần trở thành một phần không thể thiếu của nhiều công ty, giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp và góp phần củng cố tinh thần tập thể. Mùa hè cũng là thời điểm được ưa chuộng để tổ chức các hoạt động ngoài trời.
Vẫn dựa trên mục đích mang đến bầu không khí vui vẻ và sự đoàn kết tập thể, song những năm gần đây, các chương trình team building được "thay áo mới" nhằm thu hút nhóm nhân sự trẻ tuổi.
Hoạt động team building nào được ưa chuộng?
Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Văn Xuyên, nhà sáng lập công ty tổ chức sự kiện VietWin - Teambuilding, Event, cho biết khoảng 3 năm trở lại đây, các công ty, đặc biệt là những doanh nhiệp mà nhân sự trẻ chiếm số đông, hướng đến loại hình team building "phiêu lưu mạo hiểm" (Adventure). Xu hướng này xuất phát từ nhu cầu quan tâm đến sức khỏe ngày càng tăng sau đại dịch Covid-19.
Một đoàn hoàn thành chuyến trekking đến Mũi Đôi (Khánh Hòa) trong chương trình team building.
Loại hình team building Adventure là sự kết hợp giữa trải nghiệm, khám phá tự nhiên với những hoạt động thể chất mạo hiểm như đi bộ đường dài (trekking), đạp xe xuyên rừng, chèo thuyền SUP, vượt thác… Hành trình thường kéo dài 1-2 ngày, qua đó kích thích cá nhân vượt qua giới hạn, đồng thời tinh thần đoàn kết và sức mạnh tập thể.
Có nhiều lựa chọn địa điểm để triển khai mô hình team building này. Anh Xuyên cho biết Quảng Bình, Hà Giang, hay Sapa (Lào Cai) sẽ là điểm đến hàng đầu cho những doanh nghiệp TP.HCM chịu chi để di chuyển dài ngày.
Ngoài ra, với những công ty có ngân sách thấp hoặc không muốn tốn nhiều thời gian vào hoạt động team building, họ có thể lựa chọn những địa điểm cách TP.HCM khoảng 2-3 tiếng đi ôtô, như hồ Trị An (Đồng Nai) hay bãi biển Hồ Cốc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Điểm chung của những điểm đến này là sự đa dạng địa hình, phù hợp với các hoạt động thể chất kết hợp.
“Ví dụ, khu Hồ Cốc không chỉ có bãi biển, mà còn có rừng mưa với nhiều cung đường thoải, có thể đi trekking hoặc đạp xe xuyên rừng trong vòng 15-20 phút. Ưu tiên hàng đầu là để mọi người hòa mình vào thiên nhiên. Họ sẽ không cần tốn quá nhiều thể lực”, anh chia sẻ.
Bên cạnh phong trào trải nghiệm thiên nhiên, Mai Chí Thạch, Giám đốc điều hành của Bold Wolf Teambuilding & Adventure (TP.HCM), cho biết glamping (cắm trại cao cấp) đang nhận được sự quan tâm lớn. Sản phẩm team building kết hợp giữa thể thao mạo hiểm cấp độ 1, 2 với hình thức nghỉ dưỡng tại khu cắm trại cao cấp giữa thiên nhiên ngày càng thu hút các công ty quy mô nhỏ và vừa.
Các hoạt động thể thao như chèo thuyền, đạp xe xuyên rừng... đang là xu hướng team building gần đây.
Đối với những khách hàng thích hoạt động thể thao mạo hiểm, Hồ Tràm và rừng nguyên sinh Phước Bửu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ là những lựa chọn hấp dẫn. Ngoài ra, Phan Thiết (Bình Thuận) và Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn giữ sức hút cao trong mùa hè này.
Trong khi đó, ở khu vực miền bắc, Nguyễn Quyết, Giám đốc công ty du lịch AHA Travel_Event (Hà Nội) nhận định các hoạt động team building truyền thống trên bãi biển hoặc trong khu sinh thái vẫn được ưa chuộng, song các công ty thường yêu cầu vật dụng chơi game lớn và đẹp hơn.
Một số khác mong muốn tổ chức theo dạng “cuộc đua kỳ thú” (Amazing Race) - kết hợp các trò chơi team building truyền thống với hình thức di chuyển liên tục, vừa nhằm tạo bầu không khí cạnh tranh cao giữa các đội nhóm, không gây nhàm chán, vừa tạo điều kiện tham quan nhiều điểm tại địa phương.
Anh Quyết cho biết những điểm đến có bãi biển như Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa)… vẫn là lựa chọn hàng đầu để tổ chức team building vào dịp hè của doanh nghiệp Hà Nội. Chuyến đi thường kéo dài 2-3 ngày, trong đó 1 ngày sẽ dành cho hoạt động gắn kết tập thể.
Team building không phải lăn xả dưới nắng
Có nhiều yếu tố cần được “cân đo đong đếm” khi thiết kế một chương trình team building cho doanh nghiệp, đặc biệt là độ tuổi và tỷ lệ giới tính trong công ty.
“Những thông tin này sẽ giúp chúng tôi đề xuất các hoạt động phù hợp với sức khỏe hoặc nhu cầu trải nghiệm của người chơi. Song song với đó, chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn hoạt động mang tính chất giao thoa giữa các thế hệ trong công ty nhằm tăng tính gắn kết tập thể - mục đích chính của team building”, anh Thạch nói.
Mô hình team building truyền thống trên bãi biển hoặc trong khu sinh thái vẫn nhận được sự quan tâm nhưng với quy mô, chất lượng cao hơn.
Chung nhận định, anh Quyết nhấn mạnh độ tuổi người chơi là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình team building.
Chẳng hạn, đối với một công ty mà nhân sự trung niên (40-50 tuổi) chiếm số đông, đơn vị tổ chức không thể tư vấn mô hình “cuộc đua kỳ thú”. Loại hình team building này yêu cầu người chơi phải di chuyển liên tục và tốn rất nhiều thể lực. Các trò chơi “hạng nặng” ở mô hình team building truyền thống cũng cần loại bỏ, đặc biệt nếu chương trình được tổ chức vào mùa hè, dưới nắng nóng gay gắt.
Mặt khác, anh Quyết cho rằng cái khó nhất khi thiết kế chương trình cho doanh nghiệp có nhiều nhân sự trẻ ở độ tuổi 20-35 là tạo ra sự mới mẻ.
“Hầu như năm nào, nhân sự trẻ cũng tham gia các chuyến team building của công ty. Nếu đơn vị tổ chức tiếp tục lặp lại các hoạt động, trò chơi cũ, người chơi sẽ dễ chán nản và không còn hào hứng. Do đó, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức lúc này là sáng tạo, tạo ra bầu không khí mới mẻ nhằm kích thích sự tò mò và nâng cao tinh thần tham gia của mọi người”, anh chia sẻ.
Qua nhiều năm kinh nghiệm, anh Xuyên nhận thấy nhóm nhân sự trẻ tuổi thường ưa thích các hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí và có sự tương tác với đồng nghiệp. Vì vậy, những chương trình team building “nặng” về nội dung văn bản, thông tin liên quan đến doanh nghiệp sẽ không có sức hút với họ.
Anh Xuyên lồng ghép board game vào chương trình team building tại Hà Giang và Cao Bằng dành cho nhân sự công ty mình.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có thể đã hiểu sai về mục đích của team building. Trên lý thuyết, team building có ý nghĩa là các hoạt động, trò chơi tập thể, kỳ nghỉ hay chuyến du lịch nhằm thúc đẩy nhân viên thoát khỏi vỏ bọc, xây dựng và củng cố mối quan hệ cũng như cải thiện sự gắn kết với đồng nghiệp.
Tuy nhiên, không phải cứ lăn xả dưới nắng hè để tham gia các hoạt động thể chất mới là “team building”.
“Tùy thuộc vào nhu cầu trải nghiệm của nhân sự, một số hoạt động đơn giản như cùng nhau nấu nướng và ăn uống, hoặc chơi board game cũng là một kiểu team building. Miễn sao sau khi chuyến đi kết thúc, tập thể trở nên gắn bó, tin tưởng và đoàn kết hơn”, anh chia sẻ.
Gần đây, anh Xuyên đã lồng ghép trò chơi board game Ma sói vào chương trình team building dành cho nhân sự công ty mình - chủ yếu là những người trẻ 20-32 tuổi và yêu thích trò chơi này. Trò chơi diễn ra xuyên suốt chuyến đi 6 ngày 5 đêm, xuất phát từ TP.HCM đi Hà Giang và Cao Bằng, kết hợp cùng một số hoạt động mang tính đồng đội khác.
“Board game như một làn gió mới cho chuyến team building năm nay của chúng tôi - những người vốn đã rất quen với việc tổ chức hoạt động tập thể cho doanh nghiệp. Tôi hy vọng có thể ứng dụng được mô hình này ở những chương trình sắp tới dành cho khách hàng”, anh nói.