"Làn sóng" cắt giảm nhân sự quy mô lớn lan rộng
Gây chú ý những ngày qua là việc cắt giảm hàng nghìn nhân sự tại Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG). Theo số liệu công bố, tại ngày 31/3, MWG đang có 68.048 nhân viên, giảm 5.960 người so với ngày 31/12/2022 và giảm tới 8.727 người so với cùng kỳ năm 2022 (76.775 nhân viên). Đây là quý thứ hai liên tiếp MWG giảm lượng lớn nhân viên. Trước đó, trong 3 tháng cuối năm 2022, công ty này cũng đã từng cắt giảm 6.223 nhân viên.
Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng qua, MWG đã cắt giảm gần 12.200 nhân viên, về mức tương đương cuối năm 2020 (68.097 người).
Làn sóng cắt giảm nhân sự trong quý 1 lan rộng ở nhiều DN, nhất là các DN lĩnh vực môi giới bất động sản. Ảnh: PhuDong Group
Tuy nhiên, lý giải việc số lượng nhân sự sụt giảm mạnh, MWG cho rằng, con số chênh lệch hơn 12.000 nhân sự là do "có sự thay đổi trong cách tính số lượng nhân viên tại hai thời điểm".
Cụ thể, nếu xét cùng một phương pháp tính dựa vào số nhân viên thực tế đang làm việc tại thời điểm báo cáo, thì vào ngày 30/9/2022, số lượng nhân viên của MWG là 77.092 người. Như vậy, số lượng nhân sự biến động thực tế của MWG là khoảng 9.000 người trong 6 tháng, tỷ lệ 12%.
"Với một công ty có số lượng nhân sự rất lớn, lên tới 70.000 nhân viên, tỷ lệ nghỉ việc 9.000 người trong 6 tháng là tỷ lệ biến động tự nhiên, hoàn toàn bình thường so với trung bình ngành là khoảng 15,6%", MWG lý giải.
Ngoài MWG, trong quý I/2023, làn sóng cắt giảm số lượng lớn nhân sự cũng diễn ra ở nhiều DN, đặc biệt là nhóm DN bất động sản, môi giới bất động sản.
Chẳng hạn, tại Công ty CP Đất Xanh (HoSE: DXG), trong 3 tháng đầu năm 2023, số lượng nhân sự của DXG đã giảm 1.384 người so với đầu năm, còn 2.389 người. Trước đó, trong quý 4/2022, số lượng nhân sự của DXG cũng giảm 3.191 người, tương đương giảm gần 46% so với cuối tháng 9/2022 và giảm 2.660 người so với cuối năm 2021, tương đương 41,4%.
Tương tự, Đất Xanh Services (HoSE: DXS), một công ty con của Đất Xanh cũng đã cắt giảm thêm 1.245 nhân sự trong quý 1/2023. Trước đó, trong quý 4/2022, DXS cũng mạnh tay "cắt giảm" tới 3.040 nhân viên.
Quý I/2023, "ông lớn" Vinhomes (HoSE: VHM) và Vincom Retail (HoSE: VRE) cũng lần lượt cắt giảm 1.527 người và 244 người. Theo đó, đến cuối quý I, số lượng nhân sự của Vinhomes đạt 11.664 người và Vincom Retail đạt 2.120 người.
Tại Novaland, quý I năm nay DN này cắt giảm 42 người, còn 1.362 người. Tuy nhiên, nếu tính lượng lao động biến động trong 6 tháng qua thì đã có 476 lao động bị cắt giảm.
Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) vừa dự kiến sẽ cắt giảm thêm 5.744 lao động có hợp đồng không xác định thời hạn, tương đương 10% tổng số 50.500 lao động.
Cụ thể, đợt 1, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 4.519 người vào cuối tháng 6. Đợt 2, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.225 người vào đầu tháng 7.
Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, công ty đã cắt giảm hơn 2.300 lao động.
Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) cũng phải cắt giảm hàng trăm nhân sự trong quý I/2023. Cụ thể, tại thời điểm 31/3, số lượng nhân viên của Phát Đạt chỉ còn 244 người, giảm 111 người so với đầu năm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, trong quý I/2023 đã có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động kéo theo hàng nghìn lao động mất việc.
Theo ông Đính, thực tế cho thấy, một số DN quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực để cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn, tức chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án thì ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% nhân sự cùng với giảm lương theo cấp bậc.
Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho thấy, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
tiết giảm chi phí, giảm "áp lực" dòng tiền cho doanh nghiệp
Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, cắt giảm nhân sự cũng là một phương án để giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện tại.
Thực tế, nhìn vào BCTC quý I vừa qua, việc cắt giảm nhân sự cũng giúp nhiều DN tiết giảm hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong bối cảnh dòng tiền của các đơn vị đang rất khó khăn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp, 150 nghìn lao động mất việc, gần 300.000 người bị giãn việc.
Chẳng hạn, tại Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), việc cắt giảm mạnh nhân sự đã giúp chi phí quản lý và bán hàng của DN này trong quý I giảm tới 1.165 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm 19%. Trong đó, có tới 76% chi phí cắt giảm là chi phí nhân viên, tương đương 882 tỷ đồng.
Tương tự, tại Công ty CP Đất Xanh (HoSE: DXG), sự tiết giảm về mặt chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong quý I cũng lần lượt đạt 78 tỷ đồng, giảm 70% và đạt 93 tỷ đồng, giảm 46%.
Còn tại Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR), trong quý I DN này cũng tiết giảm được một phần chi phí quản lý và chi phí bán hàng (giảm 30%), lần lượt đạt 42 tỷ đồng và 3,7 tỷ đồng.
Việc cắt giảm nhân sự cũng là một phương án để giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện tại. Ảnh: PhuDong Group
Theo Payoo - nhà cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến cho 40 ngân hàng, ví điện tử và trực tiếp tại hơn 25.000 điểm bán toàn quốc - nhận định, biện pháp sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí cho những hoạt động tiêu tốn nhiều nguồn lực như R&D (nghiên cứu và phát triển), tạm ngưng mở mới điểm bán hay thậm chí cắt lỗ để tồn tại đang được nhiều công ty "hành động quyết liệt" để "bật chế độ an toàn".
"Nhiều lãnh đạo phải viết lại chiến lược cho doanh nghiệp, chuyển từ chế độ ’tấn công’ sang ’phòng thủ’", đại diện Payoo nói.
Trong khi đó, ở lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định, câu chuyện làn sóng sa thải nhân viên môi giới vừa qua chủ yếu vẫn tập trung ở nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề, còn đa phần các doanh nghiệp vẫn phải giữ lại nhân sự cứng, đủ năng lực.
"Giai đoạn này, các nhà đầu tư sẽ có yêu cầu khắt khe hơn đối với các môi giới để tìm ra hướng đi đầu tư đúng đắn của mình trong giai đoạn này. Do đó, các môi giới tay non, tay ngang sẽ khó cạnh tranh với những người có kinh nghiệm đã được đào tạo bài bản và có uy tín trong các hoạt động môi giới", ông Đính nói.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Anh Khôi, viện trưởng viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, DN môi giới cần thực hiện tái cấu trúc hệ thống, ngành hàng, sản phẩm, tối ưu chi phí hoạt động...
"Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cùng những giải pháp như đa dạng phân khúc sản phẩm phân phối là rất cần thiết. Mặt khác, cần thay đổi, bổ sung dòng sản phẩm kinh doanh, tập trung vào phân khúc ở thực, bất động sản cho thuê.
Đặc biệt, các DN cần bổ sung thêm dịch vụ mới: Tư vấn thiết kế nội thất, quản lý tài sản, bảo hiểm...; chuyển đổi phương thức kinh doanh từ tổ chức sự kiện bán hàng tập trung quy mô lớn sang nhiều sự kiện bán hàng quy mô vừa và nhỏ; tăng cường hoạt động liên kết, liên minh cùng làm thị trường để bán hàng", ông Khôi khuyến nghị.