Định cư bất hợp pháp trong khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Cửa Đạt, 53 hộ dân tại thôn Lửa, xã Yên Nhân (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) không được cấp đất dựng nhà, đất sản xuất cũng không có. Hàng chục năm nay, họ dầm mình trong nước sông Khao bắt nòng nọc bán nhưng cái đói vẫn quay quắt.
"Sống mòn" dưới cánh rừng phòng hộ
Túp lều của vợ chồng ông Lò Văn Hoan (68 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hội (80 tuổi) nằm sát bên Quốc lộ 47, thuộc thôn Lửa, xã Yên Nhân. Cái nắng đầu hè nơi miền sơn cước cùng hơi nóng bốc lên từ đường nhựa khiến "căn nhà" chỉ cao quá đầu người của vợ chồng ông Hoan nóng như lò lửa. Trên chiếc giường tre, bà Hội ôm cái chân đau rên lên từng chặp. Ở góc nhà, ông Hoan ngồi thu lu, nhìn xa xăm với đôi mắt buồn rười rượi.
"Mấy tháng trước, tôi bị liệt một chân nhưng sau một thời gian tập luyện, giờ đã nhúc nhắc đi lại được. Mấy hôm nay trở trời, đến lượt bà ấy (bà Hội-PV) đau chân. Những cơn đau hành hạ khiến bà ấy kêu la nhưng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn. Vợ chồng chúng tôi gạo còn chẳng có mà ăn nói gì đến đi viện thăm khám", ông Hoan chia sẻ.
Ông Hoan kể rằng, ông từng có một đời vợ, bà Hội cũng qua một đời chồng. Hai cảnh đời khốn khó, cô đơn gặp nhau rồi nên duyên. Vợ chồng ông Hoan có 5 người con nhưng đứa lấy chồng, đứa làm ăn xa, mỗi người một nơi và giờ chỉ có 2 vợ chồng già ở với nhau trong căn nhà rách nát. Người đàn ông khốn khổ này cho biết, họ đã sống ở bên sông Khao, cạnh Quốc lộ 47 gần 20 năm nay dù vẫn biết là bất hợp pháp nhưng chẳng biết đi đâu, về đâu.
Cũng theo ông Hoan, vào năm 2004, huyện Thường Xuân thực hiện dự án di dân sống ven lòng hồ thủy điện Cửa Đạt. Khi triển khai dự án, các hộ dân được cấp kinh phí "một cục" và tự tìm nơi định cư mới. Gia đình ông Hoan là một trong 15 hộ chuyển vào làng Khong, xã Yên Nhân, để sinh sống. Thế nhưng, tại nơi ở mới, họ gặp nhiều khó khăn vì không có đất sản xuất. Số tiền hỗ trợ đã tiêu sạch chỉ sau 2 năm.
Không thể sống tiếp tại nơi định cư mới, các hộ dân đã lần lượt quay về nơi ở cũ bên Quốc lộ 47 với cam kết sẵn sàng tự nguyện di dời khi Nhà nước yêu cầu. Tuy nhiên, thời gian "sống tạm" đã kéo dài gần 2 thập kỷ, từ 15 hộ dân ban đầu, đến nay, tại vùng bán ngập nước lòng hồ thủy điện Cửa Đạt này đã tăng lên tới 53 hộ. Do đất không có nên vợ chồng ông Hoan chỉ dựng tạm túp lều để ở. Mấy năm trước, sau những trận mưa gió, túp lều gần như đổ sập, các con đã phải dựng cho ông bà cái mới. Dù vẫn lợp lá cọ, xung quanh che bằng phên nứa nhưng kiên cố hơn vì cột được làm bằng bê tông.
"Người ta còn trẻ, khỏe nên đi khắp nơi làm thuê làm mướn. Vợ chồng tôi già rồi biết đi đâu. Con tôi đứa nào cũng nghèo nên thỉnh thoảng mới cho bố mẹ được bao gạo, cân thịt. Bình thường chúng nó lo cho cuộc sống còn chưa xong. Tôi chỉ có nghề đan gùi bán, mỗi cái cũng đổi được vài cân gạo. Vợ chồng tôi bữa no bữa đói nhưng đói nhiều hơn no", ông Hoan buồn bã.
Vợ chồng ông Hoan - bà Hội đang sống trong hoàn cảnh bi đát
Cách nhà vợ chồng ông Hoan mấy bước chân, phía dưới con dốc là gia đình ông Hoàng Ngọc Thái. So với nhà ông Hoan, nhà ông Thái cũng là hộ nghèo nhưng tươm tất hơn. Ông Thái cho biết, bản thân mắc bệnh tim nên chẳng làm được gì ngoài việc ngày 4 lần chở con trai út đang học lớp 5 đi học. Cũng không có đất sản xuất nên ngày ngày vợ ông Thái, bà Phạm Thị Thương, phải xuống sông Khao bắt nòng nọc bán, đổi cái ăn qua ngày. Thế nhưng, người bắt thì nhiều, nòng nọc ngày một ít nên dầm mình cả ngày trong nước có khi chỉ được vài chục nghìn đồng.
"Có tất cả 53 hộ, trong đó có gia đình chúng tôi ở bất hợp pháp trong khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Cửa Đạt thuộc khu vực rừng phòng hộ Thường Xuân. Không được Nhà nước cấp đất ở và đất sản xuất, chúng tôi chỉ dựng tạm được ngôi nhà này để ở. Biết là tạm bợ nhưng chẳng biết đi đâu vì muốn đi phải có tiền nhưng tiền lấy đâu ra", ông Thái giãi bày.
Giấc mơ an cư sắp thành hiện thực
Không chỉ thiếu đất ở, đất sản xuất, 53 hộ dân đang cư trú tại thôn Lửa còn phải sống trong cảnh không điện, không nước sạch, không trường học. Để có được cái chữ, hàng ngày các em học sinh phải đi quãng đường gần 10km đến trung tâm xã để học. "Sáng chở con đi, trưa đón về, đầu giờ chiều đưa đi, chiều tối lại đón về, việc học hành của con em ở đây quá vất vả. Thương nhất là các cháu mầm non, ngày nào cũng phải đi quãng đường xa để đến trường", chị Hà Thị Năm, một cư dân thôn Lửa, tâm sự.
Theo thống kê từ UBND xã Yên Nhân, trong số 53 hộ dân cư trú bất hợp pháp trong khu vực thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân, có 26 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Số gia đình ít ỏi thoát nghèo đều nhờ những người đi làm ăn xa và gia đình ông Vi Văn Chanh là một trong số đó. Đã nhiều năm nay, ông Chanh phải sống thui thủi một mình khi vợ và 2 người con đều vào miền Nam làm thuê. Với đồng lương eo hẹp nên Tết vừa rồi, vợ và con ông Chanh cũng không thể về. Ông Chanh bảo, sống một mình nên nhiều lúc 2-3 ngày bếp chẳng đỏ lửa. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Chanh ra ngoài vườn hứng mấy cốc nước từ ống dẫn từ núi về mời khách. Ông bảo, bao năm nay ông vẫn uống nước như vậy, chẳng cần đun nấu và… chẳng làm sao cả.
Sông Khao chảy phía sau lưng 53 hộ dân thôn Lửa, mùa này cạn trơ đáy nhưng vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, sát đến tận nhà các hộ dân nên vô cùng nguy hiểm. Chính vì sống cạnh con sông này nên người dân luôn thấp thỏm, lo lắng, còn chính quyền cũng chẳng yên.
"Khu vực này có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất cao. Vào mùa mưa, chúng tôi phải tuyên truyền liên tục để người dân cảnh giác và rời khỏi nhà khi cần thiết. Vẫn biết chỗ người dân đang ở là bất hợp pháp nhưng chúng tôi cũng rất thương họ. Đất sản xuất không có, tận dụng làm được ít ruộng bên sông nhưng nhiều vụ lúa đang độ chín lại bị lũ cuốn sạch. Người dân ở đây nếu không đi làm thuê, làm mướn gần như không có công việc gì khác ngoài bám lấy sông Khao để đánh bắt tôm cá, nòng nọc mưu sinh", ông Hà Thanh Hắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, chia sẻ.
Nói về cuộc sống của các hộ dân đang sống trong khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Cửa Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân Lê Hoàng Cường cũng không khỏi xót xa: "Các hộ dân này đã sống ở đây nhiều năm, nhiều hộ vẫn sống trong nhà tạm. Không có điện, không có đất sản xuất nên cuộc sống của người dân rất khó khăn. Trường học xa nên bất tiện cho trẻ em đi học. Nơi đây lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về thiên tai".
Ông Cường thông báo tin vui, hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đề án trên, UBND huyện Thường Xuân đã quy hoạch 5 ha đất tại khu vực Băng Lươm, xã Yên Nhân, để xây dựng khu tái định cư cho 53 hộ dân. Thiết kế xây dựng chi tiết khu tái định cư tập trung đã trình Sở xây dựng tỉnh thẩm định phê duyệt. Nếu được thông qua, dự kiến trong năm 2023 đến năm 2024 sẽ hoàn thành việc sắp xếp ổn định cho 53 hộ dân.
Mặc dù khu tái định cư theo dự kiến chỉ 5ha, nghĩa là chỉ bố trí được chỗ ở, còn đất sản xuất vẫn không có nhưng như thế cũng khiến 53 hộ dân đang cư trú bất hợp pháp vui mừng. Nhiều năm qua, họ mong mỏi được an cư. Nếu sớm được tỉnh Thanh Hóa thông qua, giấc mơ của hàng trăm con người sống lay lắt bên dòng sông Khao gần 20 năm nay sắp thành hiện thực.