Cô giáo Lê Trần Diệu Thu, tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2019, cô nhận bằng Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn. Khi đang là sinh viên năm 2, cô đạt Huy chương Bạc cuộc thi Nghiệp vụ Sư phạm Toàn quốc mở rộng lần V – 2013. Hiện tại cô đang giảng dạy môn Ngữ văn, hệ song bằng Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị, Hà Nội. Đặc biệt, cô Thu là giáo viên "nổi như cồn" trên kênh Tik Tok với 640.000 người theo dõi, hơn 10 triệu lượt yêu thích.
Cô Thu chia sẻ: "Kỳ thi chuyển cấp vào 10 thực sự cam go và khốc liệt, tỉ lệ chọi vào các trường THPT công lập ngày một cao. Ngữ văn là một trong những môn thi quan trọng, đạt điểm tốt môn Ngữ văn giúp học trò có cơ hội bước vào các trường THPT theo nguyện vọng cao hơn. Tuy vậy, trong giai đoạn nước rút, không phải bạn nào cũng biết cách ôn tập để đạt kết quả tốt".
Với nhiều kinh nghiệm ôn thi vào 10, cô giáo Lê Trần Diệu Thu mách nước cho học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội một số phương pháp luyện đề, ôn tập để đạt kết quả tối ưu.
Về kiến thức: Các em có thể tuân thủ phương pháp "Trần qua" và "Chắc cú" để không học tủ, ôn tủ.
"Trần qua" là ôn tập toàn bộ các tác phẩm, nội dung, chương trình thi, không bỏ qua bất kỳ một phần, một nội dung nào. Trong số những nội dung "trần qua" ấy, thầy cô trên lớp có gợi ý một số nội dung ôn tập trọng tâm, các em cần lưu ý lại để ôn kỹ hơn - Đó gọi là "chắc cú".
Với từng phần nội dung ôn tập, các em cần lưu ý:
1. Trả lời các câu hỏi phân đọc hiểu: Thông thường đề bài cho một đoạn văn, yêu cầu học sinh đọc kỹ và trả lời những câu hỏi xoay quanh đoạn văn đó (tùy từng Sở GDĐT sẽ có cách ra đề khác nhau, đoạn văn có thể được trích dẫn từ văn bản trong sách giáo khoa hoặc ngoài chương trình sách giáo khoa).
Những câu hỏi đó có thể là: Chỉ ra tên tác giả, tác phẩm; Ý nghĩa nhan đề; Tình huống truyện; Chỉ ra nội dung chính của văn bản; Giải thích ý nghĩa của từ ngữ (đọc kĩ chú thích của mỗi văn bản); Biện pháp tu từ trong đoạn trích (lưu ý khi chỉ ra tác dụng cần nêu cả phần tác dụng về mặt nội dung và phần hình thức); Chỉ ra các từ láy, từ ghép... trong đoạn trích (theo yêu cầu).
Khi trả lời các câu hỏi trên, học sinh cần lưu ý đọc kỹ đề bài, đề hỏi bao nhiêu vấn đề cần trả lời đúng trọng tâm, tránh bỏ sót ý. Ngoài ra, các em cũng có thể lấy câu hỏi làm câu trả lời, phân tách các câu trả lời mạch lạc, không nên viết chi chít các ý vào nhau; không dùng bút xóa, nếu sai có thể gạch đi viết lại; không nên tẩy xóa bẩn; khi chép thơ hay trích câu văn, tên tác phẩm, dùng dấu ngoặc kép.
Phần tập làm văn
- Đối với nghị luận xã hội (vấn đề rút ra từ phần văn bản, cần xác định rõ vấn đề nghị luận, tham khảo các thông tin để trau dồi kinh nghiệm sống).
- Đối với nghị luận văn học , lưu ý có các phần tiếng Việt được lồng ghép trong đoạn văn, cần chú thích rõ ràng, học sinh cần viết rõ ràng, trình bày khoa học, đánh số thứ tự câu trả lời rõ trong bài thi.
Cần xác định rõ kiểu đoạn văn, bài văn: Lập dàn ý trước khi viết; xác định câu chủ đề để triển khai ý của toàn đoạn; trong quá trình phân tích, cần đi từ nghệ thuật đến nội dung; nên diễn đạt mạch lạc, liên kết ý; không nên văn hoa sáo rỗng, dùng văn nói khi viết. Dùng từ ngữ phù hợp sắc thái nghĩa, tránh dùng từ mơ hồ khó hiểu.
Cô Thu tư vấn, các em có thể tuân thủ phương pháp "Trần qua" và "Chắc cú" để không học tủ, ôn tủ. Ảnh: NVCC
Để trả lời tốt các phần trên thì học sinh nên ôn kỹ:
+ Truyện ngắn (tóm tắt được truyện ngắn, tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, phân tích (chi tiết, tình huống, diễn biến tâm lý nhân vật...).
+ Thơ (thuộc thơ, tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác...).
Không nên học vẹt, cần học để hiểu bản chất kiến thức, mỗi một tác phẩm nên vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức, tìm ra những từ khóa để khắc sâu hơn kiến thức sau đó tự diễn đạt theo lời của mình để dễ dàng ghi nhớ sâu hơn.
- Đối với phần tiếng Việt: Học sinh cần ôn lại kiến thức về: Từ láy, từ ghép, câu đặc biệt, câu rút gọn, khởi ngữ, chuyển câu chủ động sang câu bị động, trích lời dẫn trực tiếp, biện pháp tu từ...
- Về kỹ năng, thái độ:
Các em cần phân chia thời gian luyện đề: Mỗi ngày luyện từ 1 - 2 đề văn, sau đó tham khảo đáp án chuẩn, tự nhìn nhận chỗ đúng, sai của mình để hoàn thiện cho đề lần sau.
- Tập trình bày bài làm: Tập trình bày bài viết trên giấy thi, tự bấm giờ 120 phút cho một đề, chữ viết không nhất thiết phải đẹp nhưng cần sạch.
- Tự tạo lập đoạn văn: Tập viết các đoạn văn nghị luận văn học theo các kiểu diễn đạt khác nhau: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp...
- Tâm lý thoải mái, tự tin, không lo sợ, căng thẳng, không tự gây áp lực cho mình mà hãy biến áp lực thành động lực. Thiết lập mục tiêu cho bản thân mình bằng quyết tâm cao độ. Mỗi ngày hoàn thiện một mục tiêu đã đặt ra để đạt kết quả tối ưu nhất.
Cô giáo Lê Trần Diệu Thu tin rằng với những gợi ý ôn tập trên, các em sẽ ôn tập hiệu quả và tự tin đạt kết quả tối ưu nhất!