Cho học sinh đi trải nghiệm, trách nhiệm đè lên giáo viên càng lớn
Thời gian vừa qua, hoạt động trải nghiệm bằng hình thức cho học sinh đi dã ngoại đang khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Bên cạnh ý kiến đồng tình cho con được đi trải nghiệm, đi chơi xả stress thì không ít phụ huynh cho rằng chuyến đi không mang tính giáo dục, mất tiền và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mới đây nhất, vụ hơn 50 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội bị ngộ độc sau khi đi dã ngoại về càng dấy lên tranh cãi.
Chia sẻ với PV, cô Lê Thu Hà, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội bày tỏ: "Trông học sinh trong lớp mệt 1 thì cho học sinh đi dã ngoại mệt 10. Trước khi đi thì giáo viên phải thông báo cho phụ huynh kế hoạch đi dã ngoại, lên danh sách và dặn dò học sinh. Ngày đi thì giáo viên phải đến thật sớm, quản lý và dặn dò các em cẩn thận. Khi lên xe thì lo cho các em ăn sáng, nhắc nhở các em không đi lại, trêu đùa trên xe. Mệt nhất là lúc học sinh ùa xuống xe đến khi tham gia các trò chơi phải làm sao đảm bảo an toàn cho các em vừa phải đảm bảo sĩ số. Đi dã ngoại mệt hơn ở lớp dạy".
Một hoạt động trải nghiệm của học sinh Hà Nội
Cô Nguyễn Ngọc Thúy, một giáo viên khác cũng cho biết: "Mình bị say xe nên mỗi lần cho học sinh đi dã ngoại là mệt phờ đến ngày hôm sau. Khi học sinh vui chơi thì không quá mệt vì có hướng dẫn viên và phụ huynh hỗ trợ. Tuy nhiên, chỉ đến lúc nào phụ huynh nhắn con về nhà an toàn là lúc đó cô giáo mới dám thở".
Liên quan đến việc giáo viên nhận "hoa hồng" cho mỗi học sinh đăng ký đi hoạt động trải nghiệm, thầy Trần Đình Phương, giáo viên ở Hà Nội thẳng thắn: "Chẳng giáo viên nào muốn nhận 10.000 đồng để nhận trách nhiệm nặng nề cho sự an toàn của học sinh. Nhiều khi đi chơi thầy cô còn bỏ thêm tiền túi ra. Mặt khác, thực tế không phải giáo viên trường nào cũng nhận "hoa hồng". Xin đừng mang tiếng xấu cho giáo viên".
Hiểu sao cho đúng hoạt động trải nghiệm?
Liên quan đến hoạt động trải nghiệm thực tế của học sinh gây tranh cãi, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, các trường phải đưa ra phương án đảm bảo an toàn và chủ đề giáo dục chứ không thể khoán trắng cho công ty du lịch. Các chương trình trải nghiệm phải thiết kế theo chủ đề để học sinh dựa trên chủ đề đó thực hiện, sáng tạo có chấm điểm.
"Không phải vì có sự cố ở đâu đó mà dừng các hoạt động tham quan, học tập ngoại khóa cho học sinh. Điều quan trọng đó là Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm nếu như có sự việc đáng tiếc xảy ra. Vì thế, phải lên kế hoạch chặt chẽ trong các khâu, yêu cầu học sinh nắm vững nội quy, cảnh báo từ nhà trường và đơn vị tổ chức phối hợp thực hiện. Ban Phụ huynh tham gia lựa chọn địa điểm, đơn vị tốt chức. Phụ huynh hoàn toàn có quyền từ chối các địa điểm không phù hợp, có nguy cơ mất an toàn đối với học sinh", TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Theo TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm, trong Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nêu rõ: Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS và THPT) nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kỹ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống…
Để hiểu rõ hơn về điều này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT lý giải: "Hoạt động trải nghiệm không phải là một môn học riêng biệt mà là hoạt động giáo dục được gắn liền và đan xen với các môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ở đó học sinh sẽ được thực hành, trải nghiệm các kiến thức đã học vào thực tế và qua thực tế sẽ rèn luyện, bổ sung, củng cố thêm kiến thức. Hoạt động trải nghiệm có vai trò quyết định trong việc hình thành năng lực, phẩm chất học sinh".
Hoạt động trải nghiệm phải có chủ đề nhất định và hướng tới một sản phẩm cụ thể mà ở đó học sinh phải hành động. Khi tham gia trải nghiệm, học sinh phải tìm hiểu, phải nghe, nói, viết, hợp tác với thầy cô, bạn bè, người xung quanh, từ đó sẽ hình thành nhiều kỹ năng cần thiết mà nếu chỉ dạy trên lớp không thể có được. Muốn thiết kế hoạt động trải nghiệm thực sự có giá trị, theo PGS Nguyễn Xuân Thành, yêu cầu cao nhất nhà trường phải xây dựng kế hoạch bài bản với các chủ đề phù hợp nội dung học tập và phải yêu cầu học sinh xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện trước khi tham gia trải nghiệm.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, tham quan, dã ngoại chỉ là một trong nhiều hình thức hoạt động trải nghiệm. Để hoạt động trải nghiệm thực sự mang lại hiệu quả, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cần nhận thức đúng về bản chất của hoạt động này. Giáo viên bộ môn có trách nhiệm xây dựng chủ đề và nhà trường có trách nhiệm xây dựng, tổng hợp thành chuỗi chủ đề hoạt động tích hợp liên môn, phù hợp với chương trình và có thể huy động đội ngũ chuyên gia cùng nguồn lực xã hội hóa để hoạt động trải nghiệm đạt hiệu quả cao.
Cấm lợi dụng hoạt động trải nghiệm
Để rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục, mới đây, Sở GDĐT TPHCM đã có văn bản khẩn yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, trong đó yêu cầu các trường không cho học sinh cấp tiểu học đi dã ngoại ngoài khu vực TP.HCM; các trường không tổ chức những hoạt động kết hợp trải nghiệm và du lịch trong thời gian ngắn, không đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản cho học sinh.
Trước đó, Sở GDĐT Hà Nội cũng có những lưu ý cụ thể với các nhà trường về công tác tổ chức hoạt động dã ngoại cho học sinh, trong đó nhấn mạnh ưu tiên tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn TP và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" và các hoạt động trải nghiệm mang tính giáo dục về lịch sử, truyền thống cách mạng về nguồn, có tính giáo dục cao....
Sở GDĐT Nghệ An cũng mới có văn bản chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho học sinh. Trong đó, nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để thu tiền trái quy định và không đồng loạt đưa học sinh đi tham quan du lịch.
Sở GDĐT Cần Thơ cũng có văn bản chỉ đạo, quy định rõ trách nhiệm và cách thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Sở GDĐT Phú Thọ yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở ngoài trường học phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường đã xây dựng từ đầu năm học.