Nga bị “bó chân” vì xung đột ở Ukraine? NATO gạt “phàn nàn” của Moscow về đạn chứa uranium nghèo

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không quân Ấn Độ (IAF) cho biết Nga không thể chuyển giao các vũ khí quan trọng như đã cam kết với quân đội Ấn Độ vì xung đột ở Ukraine.
Nga bị “bó chân” vì xung đột ở Ukraine? NATO gạt “phàn nàn” của Moscow về đạn chứa uranium nghèo
Nga đang có đơn chuyển giao 5 hệ thống phòng không S-400 Triumf mà Ấn Độ đặt mua năm 2018. (Nguồn: Wikipedia)

Trước đó, New Delhi từng lo lắng vấn đề trên và đây là xác nhận chính thức đầu tiên của IAF về việc này.

IAF đưa ra xác nhận trên trong tuyên bố trước một ủy ban của Quốc hội Ấn Độ và đăng trên trang web ngày 21/3.

Một đại diện của IAF khẳng định trước ủy ban trên rằng, kế hoạch “giao hàng lớn” của Nga trong năm nay không diễn ra. Tuy nhiên, đại diện này không nêu cụ thể kế hoạch giao hàng.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Đại sứ quán Nga tại New Delhi cho biết: “Chúng tôi không có thông tin xác nhận điều này”.

Rosoboronexport, tập đoàn xuất khẩu vũ khí của chính phủ Nga không phản hồi ngay lập tức về tuyên bố trên.

Hiện Nga đang có đơn chuyển giao 5 hệ thống phòng không S-400 Triumf mà Ấn Độ đã đặt mua năm 2018 với giá 5,4 tỷ USD. Ba trong số các hệ thống này đã được chuyển giao. IAF cũng phụ thuộc vào Nga về phụ tùng thay thế cho các máy bay chiến đấu Su-30MKI và MiG-29, 2 loại máy bay chủ lực của IAF.

IAF cũng thông báo với ủy ban này rằng, xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng tới nguồn cung đến mức lực lượng này phải cắt giảm giá trị các hợp đồng mua sắm để hiện đại hóa binh chủng trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2024 gần 1/3 so với năm tài chính trước.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã bác bỏ những phàn nàn của Nga trước thông báo của Anh hôm 20/3 về việc sẽ chuyển cho Ukraine đạn chứa uranium nghèo.

Ngày 22/3, Moscow đã cảnh báo leo thang “nghiêm trọng” của cuộc khủng hoảng ở Ukraine nếu London cung cấp đạn xuyên giáp cho Kiev, thậm chí là ở bên bờ vực của "ngày tận thế hạt nhân".

Theo người đứng đầu NATO, các đồng minh của liên minh quân sự này đang tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong mọi hành động hỗ trợ cho Ukraine.

Phát biểu tại một căn cứ không quân của Hà Lan, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng, điều nguy hiểm là xung đột "đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người" và vấn đề quan trọng nhất có thể làm được để giảm thiểu rủi ro là Tổng thống Nga Vladimir Putin phải ngừng chiến dịch quân sự.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật