Nga-Trung Quốc: Khi lãnh đạo gọi nhau là “bạn thân thiết”, khó khăn kinh tế sẽ không còn gì đáng lo ngại?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Người bạn thân thiết’ là cách Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi nhau, cùng bày tỏ sự ủng hộ đối với mối quan hệ đối tác chiến lược ’không giới hạn’, tại cuộc gặp ở Điện Kremlin, nhân chuyến thăm đánh dấu sự trở lại của Trung Quốc sau 3 năm vắng bóng.
Nga-Trung Quốc: Khi lãnh đạo gọi nhau là “bạn thân thiết”, khó khăn kinh tế sẽ không còn gì đáng lo ngại?
Nga-Trung Quốc: Khi lãnh đạo gọi nhau là bạn thân, ràng buộc kinh tế không còn quá quan trọng? Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp ngày 21/3, tại Moscow, N

Ông Tập chỉ ra rằng, kể từ năm ngoái, sự hợp tác thiết thực toàn diện Nga-Trung Quốc đã mang lại kết quả tốt đẹp và tiếp tục thể hiện những điểm mạnh về nền tảng vững chắc, tính bổ sung cao và khả năng phục hồi mạnh mẽ. Thương mại hai chiều đã tăng 116% trong 10 năm qua, không chỉ củng cố nền tảng vật chất cho quan hệ song phương mà còn tạo ra động lực quan trọng cho sự phát triển quan hệ trong tương lai.

Năm 2022, tổng thương mại Nga-Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục mới, tăng 30% lên 190 tỷ USD. Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn thứ hai và nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ tư.

Trong khi đó, nhiều quan chức phương Tây cho rằng, chính quan hệ đối tác với Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng giúp Nga chống chọi lệnh trừng phạt hàng loạt, chưa từng có từ Mỹ và phương Tây.

Bạn bè là ”không có giới hạn ”

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng, Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn, sự tin cậy chính trị lan tỏa mạnh mẽ sang các lĩnh vực khác từ thương mại, kinh tế, đầu tư, năng lượng đến văn hóa.

Tại cuộc hội đàm chính thức ngày 21/3, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh về “một chương hợp tác mới” sau chuyến thăm, đề nghị “tăng cường phối hợp và tương tác để có thêm những lợi ích từ sự hợp tác thiết thực", vì lợi ích thịnh vượng và đổi mới của Trung Quốc và Nga.

Đáp lại bằng cách không thể thiết thực hơn, Tổng thống Nga ngỏ ý sẵn sàng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thay thế các công ty phương Tây đã rời Nga do cuộc xung đột với Ukraine. Dịp này, ông Putin cũng thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc về kế hoạch xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 để vận chuyển khí đốt của Nga sang Trung Quốc.

Vạch ra các mục tiêu cụ thể, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng, Nga-Trung Quốc cần tăng cường thiết kế tổng thể và lập kế hoạch cấp cao nhất, thúc đẩy thương mại năng lượng, tài nguyên và các sản phẩm cơ điện, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và công nghiệp, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, nền kinh tế kỹ thuật số, nông nghiệp và thương mại dịch vụ, thúc đẩy sự bổ sung và phát triển chung hơn nữa của thương mại truyền thống và các lĩnh vực hợp tác mới nổi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động hậu cần và vận tải xuyên biên giới…

Tổng thống Putin tin tưởng: "Bằng cách kết hợp tiềm năng khoa học và năng lực sản xuất mạnh mẽ giữa hai nước chúng ta, Nga và Trung Quốc có thể trở thành những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo...".

Tặng Nga “những huyết mạch kinh tế”

Cùng với mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới, Trung Quốc đang đắc lực hỗ trợ nền kinh tế Nga vượt qua “muôn trùng” trừng phạt.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Moscow đã liên tục hứng chịu 10 vòng lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây và đóng cửa với phần lớn nền kinh tế toàn cầu. Nhưng Trung Quốc, quốc gia đã tuyên bố "không có giới hạn" về tình hữu nghị với nước láng giềng phía Bắc, đã “tặng” Điện Kremlin những huyết mạch kinh tế quan trọng, làm giảm tác động của việc bị trục xuất khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Dưới đây là ba cách mà Trung Quốc - người mua hàng lớn nhất thế giới, lại vừa là một cường quốc tài chính và công nghệ và hơn hết, là "người bạn thân thiết" đã “bảo vệ” nền kinh tế Nga khi khó khăn bủa vây.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), năm ngoái, nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái khi giảm tới 4,5% GDP, khi lệnh trừng phạt “đánh” đúng vào nguồn thu chính, bao gồm lệnh cấm bán dầu và giới hạn giá dầu thô, từ chối truy cập vào SWIFT (hệ thống nhắn tin quốc tế cho phép giao dịch ngân hàng) - và đóng băng tài sản ở nước ngoài. Nhưng theo chính phủ Nga, doanh thu tài chính của họ vẫn tăng, chủ yếu nhờ vào giá năng lượng cao và những nỗ lực của Moscow trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang những khách hàng mới, Trung Quốc là tên tuổi nổi bật.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, không chỉ kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức cao kỷ lục mới, thương mại năng lượng đã tăng lên rõ rệt kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bắc Kinh đã mua lượng dầu thô trị giá 50,6 tỷ USD từ Nga từ tháng 3 đến tháng 12/2022, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu than tăng 54% lên 10 tỷ USD. Các giao dịch mua khí đốt tự nhiên, bao gồm khí đốt đường ống và LNG, tăng vọt 155% lên 9,6 tỷ USD.

Đó là cách Trung Quốc mang lợi ích cho cả hai bên. Đối với Nga, nước này rất cần những khách hàng mới vì nhiên liệu hóa thạch đang bị phương Tây xa lánh. Đối với Trung Quốc, hiện đang tập trung vào việc đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, cần năng lượng giá rẻ để cung cấp cho ngành sản xuất khổng lồ của mình.

Tất nhiên, bình luận về mối quan hệ này, Keith Krach, vị cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng, “đối với Nga, mối quan hệ hợp tác này được sinh ra từ sự tuyệt vọng" và chỉ trích việc Trung Quốc đã giúp Moscow thoát khỏi khó khăn.

Tuy nhiên, chẳng mấy bận tâm đến những bình luận từ bên ngoài, Bắc Kinh và Moscow đang tiếp tục bàn kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác hơn nữa, bao gồm thỏa thuận giữa Gazprom (GZPFY) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc để cung cấp thêm khí đốt cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 25 năm tới.

"Với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa vào năm 2023, chúng ta có thể mong đợi sự gia tăng hơn nữa trong xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc, bao gồm xăng dầu và các sản phẩm tinh chế dầu khác", Phó Giáo sư Anna Kireeva tại Học viện quan hệ quốc tế nhà nước Moscow kỳ vọng.

Ngoài năng lượng, Nga cũng cần tìm những sản phẩm thay thế cho hàng nhập khẩu từ các thị trường phương Tây, chẳng hạn như ô tô và đồ điện tử. Nga đã chi hàng tỷ USD để mua máy móc, thiết bị điện tử, kim loại cơ bản, phương tiện, tàu và máy bay từ Trung Quốc, như được nêu trong báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, từ tháng 5/2022.

Theo Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group: "quan hệ song phương Nga-Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển vì Bắc Kinh tìm thấy rất nhiều cơ hội, điều này gián tiếp làm suy yếu những nỗ lực của phương Tây, nhằm làm tê liệt bộ máy quân sự của Moscow. Trong khi đó, ông Tập đánh giá cao sự ủng hộ của Tổng thống Putin như một đòn bẩy chiến lược, chống lại một nước Mỹ ngày càng đối địch với Trung Quốc".

Một điểm rất quan trọng khác là Trung Quốc đã cung cấp cho Nga một giải pháp thanh toán thay thế cho đồng USD, sau khi bị ngắt khỏi SWIFT. Moscow đã quyết định thay USD bằng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.

Các công ty Nga đã và đang sử dụng nhiều NDT hơn để tạo thuận lợi cho việc gia tăng thương mại với Trung Quốc. Theo Phó Giáo sư Kireeva, các ngân hàng Nga cũng đã tiến hành nhiều giao dịch bằng NDT hơn để bảo vệ họ khỏi rủi ro bị trừng phạt. Thị phần của NDT trên thị trường ngoại tệ Nga đã tăng lên 48% vào tháng 11/2022 từ mức dưới 1% vào tháng 1/2023, theo thông tin từ người đứng đầu Sàn giao dịch Moscow.

Trong khi đó, theo số liệu do SWIFT công bố, Nga đã nhanh chóng trở thành trung tâm giao dịch ngoài Trung Quốc lục địa lớn thứ ba thế giới đối với NDT vào tháng 7/2022, chỉ sau Hong Kong (Trung Quốc) và Vương quốc Anh. Kể từ đó, Nga là 1 trong 6 thị trường giao dịch NDT hàng đầu - trước xung đột quân sự với Ukraine, không nằm trong top 15.

Theo Reuters, Bộ Tài chính Nga cũng đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ NDT mà quỹ tài sản có chủ quyền có thể nắm giữ lên 60%, sau khi một phần lớn tiền tiết kiệm của nước này bị đóng băng, do lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Chuyên gia Kireeva bình luận, “trong số tất cả các loại ngoại tệ mà Ngân hàng Trung ương Nga dự trữ, chỉ có NDT là không bị đóng băng và vẫn là một đồng tiền ’thân thiện’. Chúng ta có khả năng chứng kiến quá trình phi USD hơn nữa trong ngoại thương của Nga nói chung và một tỷ trọng thương mại bằng tiền tệ quốc gia ngày càng tăng với tất cả các quốc gia thân thiện hoặc trung lập với Moscow". Với dự trữ NDT cao hơn, Moscow còn có thể sử dụng đồng tiền của Trung Quốc để ổn định đồng Ruble và thị trường tài chính của mình.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Anna Kireeva nhận định, mối quan hệ Nga-Trung Quốc không phải hoàn toàn không gặp trở ngại, khi các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc bắt đầu cảnh giác với các biện pháp trừng phạt thứ cấp và thận trọng khi giao dịch với các thực thể Nga đang bị trừng phạt hoặc với thị trường Nga nói chung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật