Sáng 11/3, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì buổi tọa đàm.
Những năm qua, với khung pháp lý khá toàn diện và phù hợp với các yêu cầu quốc tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị.
Tuy nhiên, qua thảo luận, các đại biểu cho rằng so với chỉ tiêu Nghị quyết số 11 và một số văn bản của Đảng đề ra, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, cá biệt vẫn còn cơ sở không có cấp ủy viên là nữ; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân có nơi chưa đạt 20%....
Theo các đại biểu, trong quy hoạch, các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị cần bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ theo đúng tỉ lệ nữ đã được quy định; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo nữ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và năng lực để đưa vào quy hoạch; Đào tạo bồi dưỡng giúp đỡ hỗ trợ chú trọng cán bộ nữ trẻ; mở rộng phát hiện nguồn ngoài hệ thống chính trị như: khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực hoạt động xã hội.
Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đội ngũ cán bộ xuất sắc trong hệ thống chính trị cần phải được đưa ra những vực khác để làm tốt hơn. Ông đề xuất mở rộng phát hiện nguồn cán bộ nữ ở ngoài hệ thống chính trị.
Muốn có sự liên kết trong quy hoạch để sử dụng đội ngũ cán bộ được tốt hơn theo Nghị quyết 11 thì tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch phải gấp đôi so với tỷ lệ dự kiến cơ cấu vào cấp ủy, ví dụ dự kiến 15% cơ cấu nữ vào cấp ủy thì nguồn cán bộ nữ phải được quy hoạch đạt 30%.
Phát biểu tại tọa đàm, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thông tin thêm về các văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước định hướng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đồng thời nhấn mạnh 5 vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới nhằm nâng cao tỷ lệ nữ trong hệ thống chính trị.
Trong đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới; có giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế về chính sách, Pháp Luật; tính bền vững của kết quả đạt được; tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ; rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ…
"Động viên đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới. Quan tâm phát triển, tạo nguồn, bồi dưỡng, để có nhiều phụ nữ trong bộ máy chính trị. Tăng cường sự tham gia tích cực của cán bộ nam trong thực hiện Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ", bà Trương Thị Mai cho biết