Lâm Đồng: Cho thuê rừng làm dự án không hiệu quả còn gây… mất rừng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều doanh nghiệp thuê đất rừng làm dự án tại Lâm Đồng nhiều năm qua triển khai chậm, không có hiệu quả trong khi diện tích rừng cho thuê bị xâm phạm hoặc...biến mất.
Lâm Đồng: Cho thuê rừng làm dự án không hiệu quả còn gây… mất rừng
Một dự án thuê đất rừng làm nông nghiệp tại Lâm Đồng.

Nhiều dự án chậm tiến độ…

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay trên toàn tỉnh có 293 dự án đầu tư liên quan đến đất nông nghiệp và đất rừng. Các dự án này đã góp phần trong việc xã hội hóa việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nhiều dự án hiện nay triển khai đầu tư chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư đã được phê duyệt, nhất là các dự án về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nằm trên địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương.

Theo ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, "nhiều doanh nghiệp tham gia thuê đất thuê rừng làm dự án nhưng năng lực đầu tư yếu, không chú trọng đến công tác bảo vệ rừng dẫn đến rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép". Trong khi các doanh nghiệp không phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Cho đến nay, hầu hết các dự án giao đất, giao rừng đều chậm tiến độ, mặc dù việc thuê rừng đã được ký kết và dự án được cấp phép từ hàng chục năm trước. Lý giải việc này, ông Tuyên cho biết nguyên nhân do thủ tục đầu tư phức tạp, đòi hỏi phải am hiểu hệ thống chính sách Pháp Luật…

Mặc dù chủ trương xã hội hóa việc giao đất giao rừng để phát triển kinh tế, tuy nhiên trong những năm qua, hiệu quả từ nguồn thu giao đất cho thuê rừng không được như kỳ vọng. Báo cáo kết luận thanh tra số 292 của thanh tra Chính Phủ năm 2020 cho thấy, trong số 229 doanh nghiệp phải ký hợp đồng thuê rừng, có đến 140 doanh nghiệp không ký hợp đồng thuê rừng. Trong giai đoạn 2017-2018, số tiền nợ thuê rừng tạm tính, chưa tính nộp phạt (ở thời điểm thanh tra 2018) là 4.485 triệu đồng.

Tổng số dự án thuê rừng đã thu hồi tại Lâm Đồng từ năm 2008 đến nay là 208/322 dự án, gồm 172 dự án thu hồi toàn bộ và 36 dự án thu hồi một phần do không triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm tiến độ, thiếu quản lý bảo vệ rừng để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép hoặc công ty tự nguyện trả lại dự án.

Ngoài ra, việc cho thuê đất rừng làm dự án trong suốt nhiều năm qua cũng thiếu giám sát, hầu hết quản lý nhà nước thông qua báo cáo mà thiếu đánh giá, kiểm tra thực tế, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy.

 

… Nhiều diện tích rừng sụt giảm, thậm chí mất rừng

Một trong những hệ lụy của việc giao đất giao rừng nhiều năm không thực hiện được dự án là việc để diện tích rừng suy giảm đáng kể và từ từ mất dần.

Tại huyện Lạc Dương, trên toàn huyện hiện có 35 dự án đầu tư có liên quan đến đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Theo đánh giá chung của huyện, hầu hết các dự án trên địa bàn đều chậm tiến độ. Có một số dự án để người dân nhiều lần phản ánh xâm phạm tài nguyên rừng, như dự án của Công ty TNHH xây dựng Thành Nam, có dấu hiệu xâ‌m lấ‌n tài nguyên rừng - san ủi, đắp hồ đập, trồng hoa màu trên đất lâm nghiệp…

Theo ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, công ty này được thuê 288 ha rừng vào năm 2007, sau vài năm xin mở rộng thêm 21ha, sau đó trả lại 75ha rừng do diện tích này không khai thác được giá trị kinh tế,… Suốt 15 được giao thực hiện dự án đến nay theo đánh giá của UBND huyện Lạc Dương, "các hạng mục xây dựng của doanh nghiệp còn chậm, cơ sở vật chất vẫn chưa hoàn thiện xong". Trong suốt thời gian này, công ty nhiều lần xin chuyển đổi, đăng ký mới hạng mục kinh doanh trong đó có lĩnh vực nghỉ dưỡng, hạng mục này từng được cấp phép sau đó bị thu hồi.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên, qua 15 năm thuê rừng làm dự án diện tích rừng được giao cho đơn vị này hiện đã sụt giảm nhiều vị trí, ước tính lên đến hàng chục ha so với thời điểm bàn giao năm 2007. Các vị trí rừng bị giảm hoặc biến mất nằm rải rác tại tiểu khu 94 và 119, gần các vị trí nơi doanh nghiệp được chuyển đổi đất vào mục đích đầu tư, xây dựng dự án.

Tuy nhiên, con số diện tích rừng bị sụt giảm là bao nhiêu, UBND huyện Lạc Dương và Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng chưa có ý kiến, vì tới nay chưa có báo cáo kiểm kê thực tế nào được tiến hành.

Đối với quy định về kiểm kê việc giao đất rừng, cho thuê rừng, Điều 34 Luật Lâm nghiệp quy định: "Việc kiểm kê rừng được thực hiện 10 năm một lần phù hợp với thời điểm kiểm kê đất đai".

Theo quy định giao đất thuê rừng, sau hơn 10 năm triển khai, các đơn vị phải thực hiện kiểm kê. Với dự án tại huyện Lạc Dương được nêu trên, đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã có yêu cầu báo cáo kiểm kê. Đến tháng 7/2022, doanh nghiệp có lập hồ sơ nhưng hồ sơ chưa đạt nên chưa thực hiện được. Cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo chính thức nào kiểm kê trong số diện tích được giao, qua nhiều năm có hay không việc doanh nghiệp làm mất tài nguyên rừng?

Trước đó, vào năm 2014, đơn vị này cũng được xác định làm thiệt hại 1,5ha rừng và phải thực hiện bồi thường tài nguyên rừng theo quy định.

Trong báo cáo kết luận tranh tra việc giao đất thuê đất và đầu tư xây dựng tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trên toàn tỉnh giai đoạn từ 2013-2018, các doanh nghiệp được giao đất giao rừng đã để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép, với tổng số tiền phải bồi thường tài nguyên rừng là 309.531 triệu đồng. Đến thời điểm kết luận thanh tra năm 2020, mới thu được 67.685 triệu đồng. Cho tới hiện tại, Lâm Đồng vẫn đang khắc phục những nội dung trong kết luận này.

Dự án thuê đất rừng trồng rau màu và chăn nuôi của Công ty Thành Nam tại huyện Lạc Dương...

... sau nhiều năm được cấp phép vẫn chậm tiến độ, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.

Chủ trương giao đất giao rừng cho doanh nghiệp là một trong những hướng phát triển kinh tế tại các địa phương có nguồn lợi rừng hiện nay, hướng đi này vừa giúp cộng đồng địa phương có công ăn việc làm và thu nhập, đồng thời thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp. Thực tế, việc giao đất cho thuê tài nguyên rừng cần nhiều năm để đánh giá hiệu quả, nhưng nếu sau nhiều năm không có sự giám sát, kiểm kê kịp thời, nguy cơ mất tài nguyên rừng và phá vỡ mô hình kinh tế bền vững của địa phương rất có thể sẽ thành hiện thực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật