Nông dân Bắc Giang đưa giống bơ Tây Nguyên về trồng sai trĩu quả, người Đắk Lắk trồng giống vải thiều Hải Dương thu cả trăm tấn

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một nông dân ở Bắc Giang sở hữu trang trại trồng giống bơ từ Tây Nguyên rộng hàng héc ta bắt đầu cho thu hoạch cả tấn quả; trong khi đó anh nông dân Đắk Lắk lại đưa giống vải thiều của Hải Dương vào trồng trên đất Tây Nguyên.
Nông dân Bắc Giang đưa giống bơ Tây Nguyên về trồng sai trĩu quả, người Đắk Lắk trồng giống vải thiều Hải Dương thu cả trăm tấn
Trang trại bơ của anh Dương Văn Dẫu ở huyện Lục Nam (Bắc Giang).

Câu chuyện làm nông nghiệp “ngược vùng” nhưng lại cho hiệu quả kinh tế khá cao hiện nay đang được nhiều nơi, nhiều người áp dụng.

Điển hình là vườn bơ rộng hơn 2ha của gia đình anh Dương Văn Dẫu, thôn Bảo Lộc 1, xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).

Từng có thời gian làm việc ở tỉnh Đắk Lắk, địa phương trồng nhiều bơ, anh Dẫu biết được giá trị kinh tế từ loại cây trồng này nên đã mang giống bơ về trồng tại quê mình ở Bắc Giang. 

Năm 2017, anh Dẫu trồng thử nghiệm 50 cây bơ gồm bơ both và giống bơ T251. Nhờ tích cực học hỏi kĩ thuật từ người có kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu thêm thông tin trên mạng internet từ cách trồng, chăm sóc và anh đã trồng thành công bơ ở Bắc Giang.

Anh Dẫu cho biết: “Trong quá trình trồng, từ năm thứ nhất sang năm thứ 2 trở đi là cây bơ bắt đầu cho quả bói, tuy nhiên có một số loại bơ không hợp với thổ nhưỡng ở miền Bắc nên không có quả.

Tôi mày mò tìm hiểu rồi xử lý kĩ thuật như siết nước, bơm đậu hoa đậu trái thì thấy cây bắt đầu đậu quả. Tuy nhiên, cây bơ trồng ngoài bắc khí hậu khác nên cây cho hoa và đậu quả khá muộn. Nhờ đó, mùa thu hoạch bơ ở đây “lệch” với mùa thu hoạch bơ ở Tây Nguyên. Đồng nghĩa với việc bơ không bị mất giá, giá cả ổn định hơn. Đây được coi là sự ưu việt của cây bơ khi trồng ở miền Bắc”.

Cây bơ được trồng ở Lục Nam cho quả to, mã đẹp không thua kém gì so với bơ được trồng ở Tây Nguyên.

Đặc biệt, cây bơ được trồng ở Lục Nam cho quả to, mã đẹp không thua kém gì so với bơ được trồng ở Tây Nguyên.

Do bơ trồng ở ngoài Bắc chín muộn hơn nên không bị trùng với mùa bơ ở Tây Nguyên. Nếu bơ chính vụ ở Đắk Lắk được thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7 thì bơ miền Bắc thu hoạch muộn hơn vài ba tháng, từ tháng 7 đến tháng 10. Nhờ vậy, sản phẩm không phải cạnh tranh, giá trị kinh tế cao hơn.

Năm 2021 vườn bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên, anh Dẫu thu được 6 tạ bơ bán với giá 40.000 đồng/kg. Với diện tích rộng 2ha sẵn có của gia đình, từ 50 cây bơ ban đầu anh Dẫu đã nhân rộng trồng được 900 gốc bơ.

Vụ bơ năm nay, dự kiến vườn bơ của anh cho thu hoạch hơn 1 tấn quả. Hiện trên thị trường, loại bơ both đang được khách hàng mua có giá dao động từ 35-40.000/kg, loại bơ quả dài có giá từ 25-30.000 đồng/kg. Với giá bán này, gia đình anh Dẫu có 1 khoản thu nhập khá từ vườn bơ.

Anh nông dân Đắk Lắk trồng đặc sản vải thiều Hải Dương thu hoạch cả trăm tấn quả

Mùa vài 2021, vườn vải của gia đình anh Phùng Văn Long thu hoạch được cả trăm tấn quả vải tươi.

Cách đây 6 năm, một lần về thăm quê ở Hải Dương, anh Phùng Văn Long (ở thôn 7C, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đi tham quan một số mô hình trồng vải thiều cho thu nhập cao.

Qua nghiên cứu nhận thấy cây vải có nhiều ưu điểm và phù hợp với vùng đất Tây Nguyên nên anh Long đã bàn với gia đình mua 500 cây vải về trồng xen vào diện tích cà phê đang kém năng suất.

Thật bất ngờ, sau 3 năm, vườn vải thiều của gia đình anh Long phát triển tốt, cho năng suất cao. 

Anh Long cho biết, vải thiều rất hợp với chất đất ở Tây Nguyên. Ưu điểm của vải thiều trồng ở Tây Nguyên là chín sớm hơn 1 tháng so với vải trồng ở các tỉnh miền Bắc. Trái vải thiều trồng ở đây lại có vỏ mỏng, cơm dày, ăn có vị ngọt không khác gì vải Hải Dương.

Từ thành công ban đầu, anh quyết định mở rộng quy mô trồng thêm 2.500 cây vải thiều giống. Hiện nay, gia đình anh đã chuyển đổi toàn bộ 7 ha đất hoa màu và cà phê kém hiệu quả sang trồng 5.000 cây vải xen 3.000 cây mắc ca. 

Năm 2021, gia đình anh Long thu hoạch được hơn 100 tấn vải thiều tươi. Ngoài việc bán quả vải thiều, anh Long còn cung cấp cây vải thiều giống cho người dân có nhu cầu, đồng thời sẵn sàng tư vấn kỹ thuật trồng vải thiều và chăm sóc. 

Hiện anh đã chiết được 3.000 bầu vải thiều giống với giá bán 70.000 đồng/bầu. Theo anh Long, cây vải thiều được chiết có bộ rễ khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, dễ chăm sóc. 

Anh Long còn trực tiếp đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Ea Sol Farm với mục đích tìm đầu ra ổn định cho quả vải thiều cũng như các loại cây ăn trái khác ở địa phương.

Vải thiều được sản xuất đạt quy trình VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, mã vạch với mục tiêu đưa sản phẩm quả vải của hợp tác xã đạt sản phẩm OCOP được gắn sao cấp tỉnh trong thời gian tới. 

Hiện gần 30 ha cây ăn trái của gia đình anh Long và các thành viên trong hợp tác xã đã đầu tư toàn bộ hệ thống tưới nước phun sương tự động.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật