Mải miết “vọc đất”, 9X khoác áo mới cho gốm Thanh Hà

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ việc phục hồi và sáng tạo trên cơ sở men gốm của ông cha để lại, anh Nguyễn Viết Lâm (SN 1998, trú tại phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã cho ra đời nhiều tác phẩm độc lạ.
Mải miết “vọc đất”, 9X khoác áo mới cho gốm Thanh Hà
Biến đất sét thành hàng độc, anh Nguyễn Viết Lâm đã khoác “áo mới“ cho sản phẩm làng gốm truyền thống Thanh Hà.

Sản phẩm độc nhất vô nhị

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 6 đời làm gốm tại làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam), anh Nguyễn Viết Lâm đã được gia đình định hướng theo nghề từ rất sớm. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh chính thức nối nghiệp bố mẹ, gắn cuộc đời mình với nghề "vọc đất".

Xem Video: Chàng trai 9X khoác "áo mới" cho gốm Thanh Hà

Bên cạnh phát triển dòng gốm đỏ truyền thống của làng nghề, anh Lâm quyết chí tìm ra cho mình hướng đi riêng để phát triển cơ sở.

"Gia đình hiện vẫn lưu giữ dòng men gốm truyền thống của ông bà, tưởng chừng đã thất lạc. Tôi cố gắng khôi phục lại và sáng tạo thêm nhiều loại men mới để cho ra đời nhiều tác phẩm độc đáo, đặc sắc hơn", anh Nguyễn Viết Lâm chia sẻ.

Các sản phẩm hoàn toàn bằng thủ công, không khuôn mẫu có sẵn, nên mỗi sản phẩm anh Lâm làm ra từ hình dáng, mẫu mã, màu sắc… sẽ không lặp lại, được đánh giá "độc nhất vô nhị".

Từ men gốm truyền thống cha ông, anh đã sáng tạo nhiều màu men khác nhau để có được sản phẩm độc đáo.

Men được anh Lâm trộn giữa vỏ nghêu, tro, hó‌a chấ‌t, sau đó nấu lên và tráng lên bề mặt gốm. Quá trình nghiền men cần khống chế độ mịn hợp lý (độ mịn qua ngưỡng sàng 10.000 lỗ/cm2 là đạt). Nếu nghiền men quá thô, sản phẩm dễ bị nhám bề mặt, còn nghiền quá mịn thì dễ bị bong men khi tráng lên sản phẩm.

Theo anh Lâm, việc tạo men cần thành phần, số lượng thích hợp. Mỗi loại men sẽ có nhiệt độ khác nhau, ví dụ như men ngọc (màu ngọc) thì giữ nhiệt độ từ 1.250 đến 1.300 độ C, men da lươn (màu da lươn) thì giữ nhiệt độ từ 1.100 đến 1.150 độ C…

"Để có thể làm được sản phẩm gốm đẹp, ngoài yếu tố đất là chính, nghề này đòi hỏi người thợ làm gốm cần có sự tỉ mỉ, khéo léo, sáng tạo cùng sự kiểm soát chặt chẽ, chuẩn xác trong từng bước làm gốm. Quy trình làm đồ gốm qua 5 công đoạn cơ bản như thấu đất, chuốt gốm, trang trí hoa văn, tráng men, nung gốm, trong đó tráng men là công đoạn khó nhất", anh Nguyễn Viết Lâm cho hay.

Nâng tầm gốm ở thị trường quốc tế

Trung bình mỗi tháng cơ sở của anh Lâm làm ra từ 50-60 sản phẩm. Để làm ra một sản phẩm gốm mất 15 ngày từ giai đoạn nhồi đất đến nung gốm. Từ những sản phẩm gốm ban đầu khi nung lên chỉ còn khoảng 30-40 tác phẩm đạt chuẩn. Vì nhiều lý do, gốm có thể bị bong hoặc vỡ.

Các sản phẩm hoàn toàn thủ công, nên mỗi sản phẩm từ hình dáng, màu sắc, họa tiết… sẽ không lặp lại, tạo nên tác phẩm "độc nhất vô nhị".

Thời gian qua, bằng sự nhạy bén của tuổi trẻ trong quá trình tìm hiểu và nắm bắt thị trường, đến nay anh đã kết nối được 10 cửa hàng vệ tinh bán hàng và tiêu thụ hàng trăm sản phẩm gốm ở khắp các tỉnh thành phố như Hà Nội, TPHCM, Huế… Mỗi sản phẩm gốm bán ra dao động từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Cơ sở gốm sứ Sơn Thúy của gia đình anh Lâm còn trở thành điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn mỗi khi du khách đến với làng gốm Thanh Hà.

Quy trình làm đồ gốm qua 5 công đoạn cơ bản như: thấu đất, chuốt gốm, trang trí hoa văn, tráng men, nung gốm, trong đó tráng men là công đoạn khó nhất.

Anh Nguyễn Viết Lâm chia sẻ, là một thành viên của làng gốm Thanh Hà, anh mong muốn làng gốm sẽ ngày càng phát triển, được nhiều người biết đến, phát triển thêm nhiều dòng gốm, không nên bó hẹp ở dòng gốm đất đỏ, mở rộng mô hình sản xuất ra nhiều hộ gia đình để tạo việc làm cho nhiều lao động.

"Hiện nay du lịch đang dần phục hồi. Tôi mong muốn sẽ quảng bá dòng gốm tráng men này cho du khách trong và ngoài nước, từ đó có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tôi sẽ cố gắng sáng tạo, nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa ước mơ này", anh Lâm kỳ vọng.

Mỗi loại men khác nhau sẽ có nhiệt độ nung khác nhau.

Ông Nguyễn Hào - Phó Ban quản lý làng gốm Thanh Hà nhận định, hiện nay đa số người dân đều sản xuất gốm đất nung truyền thống, còn cơ sở gốm của anh Nguyễn Viết Lâm có nhiều đổi mới sáng tạo. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm truyền thống đã có từ lâu đời.

Việc đổi mới sáng tạo của anh Nguyễn Viết Lâm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề gốm truyền thống Thanh Hà.

Cơ sở gốm Sơn Thúy của gia đình anh Lâm còn trở thành điểm tham quan, trải nghiệm yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật