Trong hoàn cảnh bấp bênh, rạn nứt này, anh khẳng định vai trò của gia đình, mãi là bến đỗ, chở che cho các thành viên và vị thế quan trọng của sinh thái trên hành trình dịch chuyển các hệ giá trị.
Ba làng Đại Điền, Cổ Chai, Xóm Đạo mà anh nói đến trong tập sách thiết kế nên mô hình tam giác độc đáo của xã Tiến Thắng. Các góc ấy cứ như được Nguyễn Văn Học chuốt nhọn thêm, chỉa vào nhau, bởi sự dậy sóng của nạn đua đòi xe cộ, cờ bạc, nghiện hút, buôn bán đất đai, gỗ lạt,… và kể cả việc đánh đổi bản thân, bán gan, bán thận. Tất cả hành vi ấy nhào nặn bức tranh đời sống hưởng thụ, ăn chơi trác táng trong “Đắm bầy virus”. Những cạm bẫy, hấp lực của đồng tiền như cứ chờ cơ hội để bung ra. Nhân vật điển hình gây nên hiệu ứng nam châm cho xã Tiến Thắng chính là Chủ tịch Vin. Những thủ đoạn, cơ hội của Chủ tịch Vin trở thành lối sống của đám thanh niên. Thanh niên làng đánh mất hết nhân tính, sẵn sàng chối bỏ tình thân, hùa nhau chạy theo sự đổ đốn. Cảnh tan nát, chia lìa trong gia đình ông Dao, ông Bọt, ông Ương đã nói hết sự lây nhiễm của đám đông. Thằng Tỏ - con ông Dao bất chấp đạo lí chữ hiếu, thằng Bỉ - con ông Bọt sẵn sàng bán thận, thằng Ễnh - con ông Ương tìm mọi phương cách thủ đoạn, chỉ để chạy theo tiếng gọi của cơn say cuồng xe. Thanh niên làng trở thành những kẻ nô lệ của vật chất. Cơn khát xe càng lớn thì mức độ dấn thân vào sân si càng mạnh. Cấp độ cơn khát tăng theo hành động và cũng đồng thời kéo theo sự tăng dần về thoái hóa đạo đức. hành vi cao nhất gây nên B.L đám đông đó là trận cuồng đua xe rùng rợn khiến tang tóc bao trùm lên xã Tiến Thắng. Đại diện những nhức nhối của ba làng Đại Điền, Cổ Chai, Xóm Đạo là ba dòng họ Nguyễn, Đình, Trần, là ba gia đình Muối, Hảo và ông Dao. Mỗi dòng họ, mỗi gia đình có những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều được móc nối, liên đới, cùng chung một bi kịch - nỗi đau con cái. Nỗi đau của gia đình này hệ lụy đến gia đình khác. Và cả ba gia đình đều chịu hệ lụy của sự tác động, biến đổi của cơ chế thị trường, của nền văn hóa mới. Nếu Kiên, Tân, Tỏ đại diện cho lớp thanh niên của làng với lối sống mới, chỉ biết ăn chơi, đua đòi, ghen tị, hưởng thụ,… thì Muối, Hảo Ước, đại diện cho kiểu người nhân từ, lo toan, bảo vệ những giá trị truyền thống. Họ đại diện cho kiểu người nâng đỡ, giữ gìn thế chân vạc của gia đình, của xóm làng. Lòng bao dung có sức cảm hóa, giúp con người tránh những trượt dài trên con đường sa ngã.
Một không gian đáng chú ý trong “Đắm bầy virus” đó là không gian Thiên Chúa giáo. Thông qua câu chuyện của Ước và Tỏ, Nguyễn Văn Học gửi gắm vào đó đức tin của người Công giáo: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Giá trị nhân văn của tôn giáo là xây dựng đức tin. Đức tin là món quà của mỗi người, hình thành nên không gian riêng của cái tôi. Sự giao thoa, thống nhất trọn vẹn giữa cái tôi và đức tin sẽ mang đến cho con người sự thanh thản, nhẹ nhàng và lòng dũng cảm. Ước là nhân vật đại diện cho kiểu hành xử dựa vào đức tin. Bởi, tình yêu thương trong gia đình sẽ giúp con người vun đắp lòng nhân ái, sống tốt đẹp và thánh thiện. Ước muốn truyền đức tin ấy cho Tỏ, dùng chính tình yêu của mình để Tỏ nhận ra và ý thức về những lỗi lầm mà anh đã gây ra cho gia đình. Nên, bao nhiêu lần bị Tỏ đánh đập, chửi rủa nhưng cô vẫn một lòng một dạ tin vào sự kì diệu của tình yêu. Cô tin rằng đức tin sẽ dẫn lối Tỏ: “Hãy gõ cửa sẽ mở cho”. Nhưng lòng vị tha, bao dung của cô không vượt qua được cửa ải của sự tham vọng, không xoay chuyển được Tỏ. Tỏ chỉ hành động theo những gì mắt thấy, tai nghe, theo những cơn cuồng say đua tranh. Dẫu vậy, Ước đã mở cửa lòng mình, tha thứ cho Tỏ, niềm tin thiêng liêng vào Đức Chúa cho Ước giải thoát những vướng mắc, dằn vặt, kiếm tìm cho mình sự bình an, thanh thản. Như vậy, vượt qua những nghiệt ngã của phận số và đó cũng là lúc Ước có được lòng dũng cảm để tự cân đo đong đếm cho cuộc đời mình.