Đến ngõ chợ Đồng Xuân cứ nhắm mắt ngồi xuống đâu cũng là hàng ăn ngon. Chạy suốt từ đầu đến cuối ngõ có tới mấy hàng bún chả. Mùa đông lạnh, đi hết ngõ một lượt về, áo len cũng đượm mùi chả nướng. Thế nhưng, những gia đình lâu đời gần đó không ngồi kiểu nhắm mắt như vậy. Họ thường chọn đúng quán bún chả của chị Hằng - quán bún chả hiếm hoi và duy nhất ở cái ngõ ngắn ngủn này vẫn dùng que tre như ngày chợ Đồng Xuân mới xây.
Một suất bún chả của chị Hằng có tới bốn kẹp chả bằng tre. Hai cặp chả băm, hai cặp chả miếng. Chỉ khi khách gọi mới nướng nên chả nóng và thoáng giòn. Chiếc kẹp tre có mỡ loang ra đều nêu nhìn bóng loáng. Gỡ đoạn dây buộc bằng lá chuối, chị Hằng tuốt chả bỏ vào bát nước chấm với những miếng dưa góp trắng đỏ nhỏ xíu. Mùa này, nước chấm cũng được đun lên cho nóng. Rắc thêm chút hạt tiêu là đã có bát nước chấm chả ngon đúng điệu bún chả que tre bà Nga. Giờ tuy chị Hằng làm hàng nhưng biển hiệu thì vẫn đề tên mẹ.
Gắp miếng chả lên thấy rõ lằn kẹp tre trên đó. Miếng thịt như được chia làm ba phần, hai phần xém giòn dã, còn phần kia chỉ chín vừa ngọt. Miếng chả băm cuốn xương sông cũng vậy. Có cái lạ là chả xương sông nhà chị Hằng không có mùi dầu hăng hắc của những miếng chả xương sông vẫn thấy tại các hàng cơm. Chị Hằng bật mí đó là do kỹ thuật nướng.
Chả que tre nướng rất mỏi tay vì phải lật liên tục trên than đỏ lửa nhưng không được để lửa quá lớn. Lật như thế chả chín đều và không cháy. Cũng vì thế, khói nướng chả nhà chị Hằng “êm dịu” nhất ngõ chứ không phừng phừng. Nếu so với “công nghệ tiên tiến” nướng bằng vỉ rõ ràng chị Hằng thua xa về hiệu suất. Bù lại, mùi chả rất độc đáo. Cắn vào miếng thịt vừa thấy mùi thịt lợn ngọt, hương hành khô sém nức lên lại vừa thấy có mùi tre. Miếng bả băm ngoài mùi tre còn có mùi xương sông nữa. Thơm dịu kỳ lạ.
Không chỉ mất công lật chả mỏi đừ, chị Hằng còn mất sức chẻ kẹp tre nữa. Cứ lâu lâu chị lại phải ra hàng mua cọc tre… đóng móng nhà về chẻ. Công đoạn đầu là lựa theo mấu cưa tre thành từng đoạn - cái này phải thuê thợ đàn ông. Cũng vì phải lựa theo cây tre nên không phải cặp tre nào cũng dài bằng nhau. Sau này khi nướng chả, kẹp ngắn chị dùng nướng chả băm, cặp dài chả miếng. Cưa tre thành đoạn ngắn rồi phải ngâm nước hai ngày cho đỡ mùi. Sau đó, chị Hằng mới bỏ công ngồi chẻ. Mỗi lần như thế, chị chẻ mất hai ngày mới xong được một nghìn cặp tre. Chừng đó cũng đủ dùng trong hai tháng. Sau đó, cặp tre cũ phải bỏ đi hết thay cặp mới. Như thế, một là chả không cháy, hai là chả có mùi thơm của tre nướng.
Thịt chị Hằng ướp cũng lạ, tuyệt đối không dùng hành tươi vì sợ cháy, ám mùi vào miếng thịt. Cứ 6 giờ sáng, người đưa thịt (từ đời mẹ chị) đến, chị lại bắt đầu pha thịt làm hàng. Miếng thịt chị thái thường dày hơn những nhà hàng khác một chút. Chị bảo như thế để khách còn thấy có mùi thịt.
Ngoài kẹp tre, bún chả chị Hằng còn độc đáo nhờ món dấm sấu tự làm lấy. Sấu chị luộc bằng nước lã, chín rồi thì tự thân nước luộc cũng có vị chua. Chị Hằng không dầm sấu mà để nguyên quả cho nước trong. Khách muốn ăn chua nhiều thì có thể lấy cả quả mà dầm thêm vào. Dấm sấu không chua bằng dấm gạo nhưng dịu, ăn với bún chả tuyệt ngon.
Sợ khách thiếu vị, chị cũng làm thêm cả nem cua bể. Nem rán rồi để ngay trên bàn bày hàng. Dưới chảo nem là một bếp nhỏ than hoa. Nem cứ thế giữ nóng mà không hề có tiếng reo li ti của mỡ. Nhờ đó, nem của chị Hằng không bao giờ có chuyện ngấy.
Cẩn thận như thế nên khách ăn đều đặn, nhất là khách quen. Mỗi ngày chị bán hết ba chục cân bún, ngày sát tết khách ăn đông chị bán được năm chục cân - con số mà hàng bún chả nào cũng phải nể. Nói chung, bún chả của chị ngon đủ mọi nhẽ trừ việc tiền gửi xe máy để vào ngõ hơi cao, còn đi ô tô thì tiền tấn cũng không có chỗ gửi.
Nhưng chị Hằng cũng đối phó với hoàn cảnh rất cừ bằng phương thức điện thoại đặt hàng. Nhờ đó, các bà các cô văn phòng vẫn ung dung thưởng bún chả que tre mà không phải lặn lội vào ngõ. Đáp lại thịnh tình của khách, chị Hằng bảo, chấp nhận luôn chuyện chẻ tre vất vả miễn là khách ăn ngon và hài lòng bởi giá bán của chị so với những hàng bún chả khác cũng "vậy vậy" mà thôi.