Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 32,6 triệu ca mắc và gần 584.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 50.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mỹ đã bổ sung ít nhất 116 quốc gia vào danh sách khuyến cáo "Cấp độ 4: Không tới du lịch" do đây là những địa điểm có "nguy cơ lây nhiễm rất cao". Trong số những nước này, có Anh, Canada, Pháp, Mexico, Đức, Phần Lan, Ai Cập, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, quyết định trên không ngụ ý đánh giá về tình hình y tế hiện tại ở một số quốc gia mà "phản ánh sự điều chỉnh trong hệ thống khuyến cáo du lịch của Bộ Ngoại giao Mỹ dựa trên những đánh giá về tình hình dịch tễ hiện nay". Bộ trên nêu rõ, các khuyến cáo trên không bắt buộc phải tuân thủ, theo đó không cấm người Mỹ đến các nước trong danh sách khuyến cáo.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 16,2 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 186.900 trường hợp thiệt mạng. Ngày 22/4, Ấn Độ báo cáo hơn 332.500 trường hợp nhiễm mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Đây cũng là ngày đầu tiên Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới vượt 300.000 trường hợp/ngày sau chuỗi 8 ngày liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trên 200.000 người/ngày. Điều này phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi, đặt hệ thống y tế của nước này trước nhiều thách thức khi số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng, thiếu thốn nghiêm trọng trang thiết bị và vật tư y tế hỗ trợ cứu chữa bệnh nhân COVID-19.
Ngày 22/4, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đình chỉ mọi chuyến bay đến từ Ấn Độ do số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Nam Á này tăng mạnh. Nước này sẽ tiếp tục cho phép các chuyến bay quá cảnh trong hành trình tới Ấn Độ.
Số ca mắc mới và tử vong trong ngày 22/4 ở Ấn Độ ở mức cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát. (Ảnh: AP)
Trước tình hình dịch bùng phát mạnh tại Ấn Độ, một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã công bố các quy định chặt chẽ hơn đối với việc đi lại từ quốc gia Nam Á này. Cụ thể, ngày 19/4, Mỹ và Anh đã đưa ra các hạn chế đi lại đối với Ấn Độ, trong đó Mỹ khuyến cáo du khách không nên đến nước này ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) đã cấm các chuyến bay chở khách từ Ấn Độ trong hai tuần kể từ ngày 19/4 và New Zealand đã đình chỉ đi lại với Ấn Độ, kể cả đối với công dân của mình, từ ngày 11 - 28/4. Singapore đã siết chặt các hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ Ấn Độ, trong khi Australia sẽ giảm 30% các chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Sydney cũng như một số điểm nóng của dịch bệnh trên thế giới hiện nay để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 381.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 14,1 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tại Australia, nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng, nước này sẽ triển khai việc tiêm vaccine COVID-19 cho những người trên 50 tuổi ngay trong tháng 5/2021. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết tại cuộc họp ngày 22/4, lãnh đạo chính quyền liên bang và các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã nhất trí triển khai việc tiêm chủng bằng vaccine của AstraZeneca cho những người trong độ tuổi từ 50 - 69 sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Hội đồng Liên bang Đức đã chấp thuận Luật Phòng chống lây nhiễm mới vừa được Quốc hội nước này thông qua, mở đường để Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier ký ban hành. Theo luật mới, một quận/huyện/thành phố có tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày vượt quá 100 ca/100.000 dân sẽ phải áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22h đến 5 giờ sáng hôm sau. Quy định mới cũng sẽ yêu cầu bắt buộc hạn chế tiếp xúc ở nơi công cộng cũng như các khu vực tư nhân. Luật mới có những quy định cụ thể đối với những người làm ở các công sở và công ty, các hoạt động thể thao, công viên giải trí, vườn thú cũng như sự kiện khác. Quy định có thể có hiệu lực sớm nhất từ cuối tuần này và trước mắt được áp dụng tới ngày 30/6.
Hội đồng Liên bang Đức đã chấp thuận Luật Phòng chống lây nhiễm mới. (Ảnh: AP)
Chính phủ Syria đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên từ chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng. Bộ Y tế Syria cho biết, lô vaccine này bao gồm hơn 200.000 liều. Tháng 3/2021, Syria đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu tiêm phòng cho 5 triệu người, tương đương gần 20% dân số vào cuối năm nay. Syria đến nay ghi nhận tổng cộng hơn 21.500 ca mắc COVID-19, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn do nguồn cung xét nghiệm còn bị hạn chế.
Trong cuộc họp báo vào chiều 22/4, Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 6 ca nhiễm mới. Trong số 6 trường hợp nhiễm mới, đáng chú ý là ngoại trừ trường hợp ở Savannakhet về từ Thái Lan và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 4 ca nhiễm ở thủ đô Vientiane và 1 ca ở Bokeo đều là lây nhiễm trong cộng đồng và tất cả đều có lịch sử đi lại phức tạp, tiếp xúc với nhiều người.
Tỉnh Bokeo đã thông báo tạm ngừng các hoạt động ra vào đường bộ, đường thủy và hàng không giữa các tỉnh và quốc gia láng giềng đang có dịch lây lan trong cộng đồng kể từ ngày 22/4, ngoại trừ trường hợp được cấp phép. Trong khi đó, tỉnh Xayabury (Bắc Lào) cũng thông báo tạm ngừng hoạt động ra vào tỉnh, hoạt động qua lại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu địa phương đối với cá nhân phổ thông và hàng hóa không quan trọng trong 14 ngày tới, ngoại trừ hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho đời sống người dân như xăng dầu, máy móc, vật liệu phục vụ dự án, xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, tài xế phải có xác nhận đã tiêm ngừa vaccine COVID-19 đủ 2 mũi và thực hiện đầy đủ quy định phòng ngừa dịch bệnh cho nhà chức trách đề ra.
Cùng ngày, Thái Lan thông báo ghi nhận 1.470 ca nhiễm mới và 7 trường hợp tử vong. Đây là số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan đầu năm 2020. Theo người phát ngôn Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19, Taweesin Visanuyothin, toàn bộ 1.470 ca nói trên đều lây nhiễm trong cộng đồng, được ghi nhận tại 66 tỉnh, trong đó thủ đô Bangkok nhiều nhất với 446 ca nhiễm mới trong ngày. Đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng trên 48.100 ca nhiễm và 117 người thiệt mạng.
Làn sóng lây nhiễm mới, xuất phát từ các điểm vui chơi giải trí tại Bangkok vào đầu tháng 4, đã lan rộng ra hơn 70 tỉnh trên cả nước và làm hơn 10.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV2. Trong đó, một số người nhiễm biến thể được phát hiện đầu tiên tại Anh có khả năng lây lan rất nhanh.
Tại Philippines, số người nhiễm COVID-19 đã lên tới trên 971.000 trường hợp sau khi Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm hơn 8.700 ca mắc mới trong ngày 22/4. Bộ này cũng cho biết, có 105 bệnh nhân đã tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 16.370 ca. Vùng thủ đô Manila, nơi có gần 14 triệu dân, vẫn đang là tâm dịch, chiếm hầu hết số ca nhiễm đang phải điều trị và số trường hợp nhiễm mới trong ngày.