Là nhân viên văn phòng trong cơ quan nhà nước, công việc của chị cũng nhàn rỗi, cơ quan lại gần nhà, gần chợ, gần trường học của con nên chị có thể về sớm đón con rồi đi chợ. Lâu nay, vợ chồng chị không hề có lời qua tiếng lại, mỗi người đều tự giác làm việc và hạnh phúc vì có thể làm những điều tốt đẹp nhất cho nhau. Nào ngờ, tự nhiên chị thay đổi một cách chóng mặt. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều được phân định rạch ròi: Lương tháng anh phải đưa cho chị bao nhiêu, quần áo của ai thay ra, người ấy phải tự giặt. Quần áo của con mỗi người giặt một bữa. Buổi trưa anh về nấu cơm, buổi chiều đến lượt chị. Đứa con gái đi học mỗi người đưa đón một ngày. Tuần này anh có quyền đi chơi thoải mái với bạn bè thì tuần sau chị tha hồ đi mua sắm và tiêu tiền vào những việc chị thích. Chị cho rằng mình có quyền bình đẳng với chồng. Anh tốn tiền vào việc quán xá thì chị tiêu tiền vào việc mua quần áo, son phấn. Anh có quyền đi chơi với bạn bè đồng nghiệp tới khuya mới về thì chị cũng cho phép mình tụ tập bạn bè vui vẻ đến chín, mười giờ tối, bỏ mặc đứa con gái bé bỏng. Chị hàng xóm tốt bụng cũng phải lắc đầu ái ngại cho cái sự gọi là “quyền bình đẳng” của chị.
Dạo này chị trưng diện nhiều hơn, không cần biết bộ cánh trên người mình tiêu tốn gần hết cả tháng lương của một công chức như chị. Trước đây, chị không dùng điện thoại di động vì sợ tốn tiền. Nay, chị đầu tư vài triệu bạc để mua cho mình một chiếc điện thoại đời mới. Tối đến, chị cũng “buôn dưa lê” hàng tiếng đồng hồ, mặc cho anh mắt tròn, mắt dẹt vì ngạc nhiên. Vì vẫn cảm thấy thua thiệt so với chồng nên chị rút hết tiền tiết kiệm của gia đình, vốn là khoản dành dụm để xây nhà, chị sắm cho mình chiếc xe tay ga thật sành điệu. Quá bất ngờ trước cách cư xử của vợ, anh góp ý thì chị sẵn sàng đấu lý. Chị cho rằng lâu nay chị đã hy sinh thái quá vì anh, đã đến lúc chị có quyền thay đổi những thói quen cũ, nếp sống cũ để bù đắp những năm tháng sống hoài, sống phí của mình. Điều làm anh buồn nhất là chị thực hiện quyền bình đẳng đến mức sòng phẳng, rạch ròi.
Mẹ anh dưới quê mổ ruột thừa, anh đem về biếu năm trăm ngàn để thuốc thang bồi bổ thì chị cũng lập tức rút ra năm trăm ngàn mang sang biếu bà ngoại. Chị ngồi lập sẵn danh sách các cháu để lên kế hoạch lì xì tết cho công bằng. Chị bảo năm nay về quê chỉ mừng tuổi mỗi đứa năm ngàn, vì so với bên ngoại nhà chị, các cháu nhà anh đông gấp đôi. Quà tết để chuẩn bị biếu hai bên nội, ngoại chị cũng chia đều răm rắp, không bên nào hơn bên nào đến một gói chè, bao thuốc. Sự rõ ràng của chị khiến anh buồn phiền, thất vọng.
Từ khi chị “thực hiện quyền bình đẳng”, mọi thứ trong gia đình đều đảo lộn. Mỗi khi về nhà, anh không còn nhìn thấy nụ cười của chị, những bữa cơm nguội ngắt, những câu chuyện trở nên rời rạc. Không phải anh đùn đẩy việc nhà cho vợ, nhưng là trụ cột trong gia đình, anh luôn cố gắng hết sức mình để kiếm tiền với hy vọng đem đến cho vợ, con một cuộc sống sung túc. Không ngờ, chị lại coi việc nội trợ, chăm sóc chồng con là gánh nặng, nếu cứ tiếp tục sống như thế, chị quá thua thiệt so với anh. Nhưng chị đã quên hẳn rằng: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nếu chị cứ đòi bình đẳng kiểu này, chẳng mấy chốc anh sẽ xem ngôi nhà như tù ngục và không muốn trở về. Còn viễn cảnh xa hơn nữa, anh không dám nghĩ tới…