Tận dụng bối cảnh sẵn có được coi là phương án tốt nhất trong điều kiện làm phim lịch sử mà ta chưa có trường quay, kinh phí lại eo hẹp. Trước đây, Đêm hội Long Trì, dù được xem như bộ phim lịch sử duy nhất của điện ảnh VN thành công nhưng vẫn bị dư luận trách cứ là đã lạm dụng Văn Miếu, thành Cổ Loa để dựng phủ chúa. Để làm phim lịch sử có nhân vật quan lại, không bối cảnh nào thuận lợi hơn khu di tích cố đô Huế, nhưng cần cẩn trọng trong nhiều vấn đề. Khi đoàn phim tác nghiệp trong thời gian dài thì từ việc ăn vận đến sinh hoạt không thể giống như người vào viếng đền, chùa... nên những bất cẩn rất dễ xảy ra. Từ kinh nghiệm làm phim Ngọn nến hoàng cung, đạo diễn Quốc Hưng chia sẻ: "Di tích lịch sử văn hóa thu hút nhiều du khách nên các nhà làm phim cần cố gắng hạn chế quay ở khu vực và thời gian có nhiều du khách đến tham quan. Phải có kỷ luật làm phim để mọi người trong đoàn phim có ý thức tôn trọng di tích, không có hành vi phản cảm và làm mất mỹ quan, nhất là quay các cảnh nhạy cảm. Theo văn hóa tâm linh của người Việt, người đến những chốn đền, chùa phải có ý thức tôn trọng nên những hành xử thiếu ý thức, sẽ bị phê phán ngay".
Để phù hợp với nội dung của bộ phim lịch sử, những bối cảnh sẵn có thường được cải tạo, sửa chữa... nhưng với di tích lịch sử thì việc này gần như không thể. Ngay cả việc đóng một chiếc đinh lên tường hay sơn lại màu vật dụng nào đó đều phải được phép của ban quản lý di tích. Do đó việc quay cả cảnh phòng the ở nơi tôn nghiêm, đoàn làm phim Thái sư Trần Thủ Độ đã phạm vào điều tối kỵ.