Có lẽ không ngoa khi nói rằng đây là phường lớn nhất Việt Nam, với diện tích... 115km2 (gấp khoảng 25 lần diện tích quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Là nơi có hàng chục khai trường than, cung cấp hầu hết "vàng đen" cho cả nước nhưng phường lại chỉ có 8 cán bộ Công an - đây có thể xem là một điều kỳ lạ, cũng có thể xem là... kỳ tích.
Phường... "mênh mông"
Về Mông Dương, cảm tưởng như cái gì cũng đen, bụi từ những xe chở than cứ năm tháng phủ lên vạn vật một lớp áo nhem nhẻm - cứ sau mỗi trận mưa lại càng khiến cho phố xá nhem nhuốc, y như bộ mặt của người công nhân vừa bước ra khỏi hầm lò. Trung tá Nguyễn Văn Xa - Trưởng Công an phường Mông Dương vừa rót nước mời khách, vừa đưa cái khăn lau lớp bụi đen bám trên bàn kính: "Thì người dân Mông Dương đang sống trên than mà, phải chịu vậy".
Trụ sở Công an phường trong cũng phủ một lớp bụi đen, anh Xa cho biết, lúc mới xây anh em cũng phân công nhau lau cửa kính hàng ngày, nhưng vừa lau xong lại cứ như có ai lấy bụi vãi lên, nản quá, chỉ có nước khép cửa vào cho đỡ.
Mang tiếng là ở thuộc thị xã Cẩm Phả, vựa than lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh - nơi mỗi năm mang lại không biết bao nhiêu "vàng đen" cho Tổ quốc nhưng phường Mông Dương lại được ví như là địa bàn "vùng sâu vùng xa". Nói là phường, nhưng diện tích phải to bằng một huyện: 115km2. Còn so với quận ở thành phố cỡ như quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì rộng gấp khoảng 25 lần.
Thế mà, phụ trách một địa bàn mênh mông như vậy lại chỉ có 8 cán bộ Công an. Gọi là phường nhưng Mông Dương lại cơ bản y như miền núi vậy. Bản xa nhất cách trung tâm thị xã tới 40 km. Và ở các bản đó số đông là đồng bào các dân tộc Dao, Sán Dìu sinh sống.
Người mang chữ về Đồng Mỏ
Đồng Mỏ được xem là khu nghèo nhất của phường Mông Dương, chỉ cách trung tâm có 12km nhưng nơi đây lạc hậu so với mặt bằng chung đến cả chục năm. Trung tá Lê Tiến Mạnh cho biết: Cách đây 2 năm thôi, để "bò" được từ trung tâm phường Mông Dương vào Đồng Mỏ phải đi đúng 2 tiếng đồng hồ vì đường quá xấu và bụi bẩn. Cũng chưa có ở đâu giá xe ôm lại đắt như ở Đồng Mỏ 100.000đ/12km - mà xe ôm chỉ đồng ý chở ban ngày chứ đến khi trời nhá nhem tối thì có "cho vàng" cũng không dám đi vì sợ bị cướp. Anh em cảnh sát khu vực mỗi lần xuống địa bàn thường phải xin bám theo xe tải chở than đi vào cho "tiết kiệm".
Năm 2008, vào thời điểm giáp tết chúng tôi có dịp ra Đồng Mỏ, đường lầy lội, ngoằn ngoèo, có đoạn lại còn phải xuống đi bộ cho nhẹ xe để bác tài phóng qua bãi lầy. Dân Đồng Mỏ chủ yếu làm trong các mỏ than và mót than rơi vãi. Nhiều gia đình, cả mấy thế hệ đi mót than và đã mót mấy chục năm ròng.
Mỏ than Mông Dương vốn được thực dân Pháp khai thác từ đầu thế kỷ XX, đến khi thất bại ở Việt Nam họ mang theo hết hồ sơ về giếng than này. Đến những năm 60, khi ta bắt đầu khai thác trở lại thì nơi đây là một giếng nước khổng lồ. Người ta phải huy động nhiều máy bơm công suất lớn, hút ròng rã suốt một năm thì hàng trăm ngõ ngách, đường hầm như một thành phố nhỏ dưới lòng đất hiện ra.
Thế là hàng ngàn người về đây làm công nhân, cửu vạn, nhặt than - hình thành nên những làng, xóm ngay trên những mỏ than này.
Người dân ở vùng Đồng Mỏ vẫn nhắc đến cán bộ cảnh sát khu vực mà họ rất yêu quý - Đại úy Vi Văn Phích mặc dù anh đã nghỉ hưu. Đại úy Phích được dân Đồng Mỏ xem như người nhà, anh cũng là cầu nối giữa "ốc đảo" này với phần còn lại của Mông Dương, là người mang cái chữ về cho con em Đồng Mỏ.
Nhiều năm ròng, ngày nào anh Phích cũng bám xe than vào với bà con, anh cứ băn khoăn mãi: vì sao sống ngay trên "vàng đen" mà bà con khổ thế này? Anh mang băn khoăn lên báo cáo với chính quyền thị xã Cẩm Phả, chính quyền đã vận động các doanh nghiệp đứng ra đầu tư, làm đường để dân Đồng Mỏ có cơ hội qua lại, giao lưu với các vùng khác. Công ty Du lịch công nghiệp Mai Quyền (Vân Đồn) đã nhận đầu tư hơn 5 tỉ đồng để sửa sang lại con đường. Có đường, Đồng Mỏ như được nối với "thế giới văn minh".
Có điện, có đường nhưng do ở quá xa trung tâm nên đây vẫn còn là địa bàn phức tạp về trật tự xã hội... Bám địa bàn, thậm chí ngủ lán, ngủ lều với bà con ngay trên miệng mỏ, anh Phích nhận ra: không chỉ cái nghèo, cái đói mà thiếu cái chữ cũng là nguyên nhân khiến cho các tệ nạn xã hội nảy sinh. Cả khu Đồng Mỏ không có một trường học nào, trẻ em muốn đi học thì phải lặn lội hàng chục kilômét đường lầy lội.
Anh lại báo cáo, đề xuất lên trên, để rồi thị xã vận động các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng một trường trung học cơ sở nội trú ở Đồng Mỏ. Thế là chỉ hơn một năm sau, Đồng Mỏ đã có một ngôi trường nội trú khang trang, tỉ lệ trẻ em bỏ học giảm hẳn.
Đây có lẽ là việc mà các cán bộ Công an phường Mông Dương chiếm được tình cảm của bà con các dân tộc. Họ đẩy mạnh hơn các phong trào quần chúng và sẵn sàng giúp các cán bộ công an làm nhiệm vụ, kịp thời báo tin các vụ việc truyền đạo trái phép, buôn bán ma túy...
Những chiến sĩ "đa năng"
Không chỉ là địa bàn rộng vào loại bậc nhất, phường Mông Dương còn là địa bàn hết sức phức tạp với hàng chục khai trường than khai thác không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Kéo theo đó là hàng chục nghìn người từ các nơi đổ về làm công nhân, làm cửu vạn thu gom than lẫn trong đất đá.
Khó khăn nhất của Công an phường Mông Dương là quản lý nhân khẩu tạm trú: có 8 cán bộ thì 3 người là chỉ huy, 5 anh em còn lại chia địa bàn phụ trách. Cả phường có 150 ngàn người, đấy là chưa kể hàng ngàn cửu vạn dựng lán trại một cách tự phát lên các khoảng đất trống ven đường khiến cho việc quản lý nhân khẩu, tạm trú tạm vắng vô cùng khó khăn.
Sự đông đúc này cũng là điều kiện để cho đám lưu manh ở các địa bàn “nóng” như Hải Phòng, Móng Cái, Hạ Long sau khi gây án dạt ra đây lẩn trốn. Ví dụ như năm 2007, Dũng "phương" - một đối tượng cộm cán ở Hải Phòng sau khi gây ra vụ cướp đã lẩn trốn ra Mông Dương, nằm lẫn vào đám cửu vạn than đông hàng ngàn người. Nhận được yêu cầu phối hợp rà soát của Công an Hải Phòng, Công an phường Mông Dương phải huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, gác mọi công việc, rà soát từng khai trường, từng lán trại cửu vạn. Dũng "phương" đánh hơi thấy việc bị truy lùng gắt gao đã bỏ Mông Dương, chạy về Hải Phòng và chui đầu vào rọ.
Trông bề ngoài thì Mông Dương lúc nào cũng hối hả, tấp nập và bụi bặm nhưng về thực chất tình hình an ninh trật tự lúc nào cũng "nóng như than ở trong lò". Dọc tuyến biển thì có hàng trăm bến bãi neo đậu các phương tiện đường thủy lớn, nhỏ. Trên bộ thì nhức nhối nạn khai thác than thổ phỉ, trộm cướp. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, trốn truy nã ra vùng than - vùng biển, tiếp tục gây án, buôn bán, nghiện hút ma túy. Những băng, nhóm tội phạm hoạt động liều lĩnh, manh động, gây nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng.
Các va chạm, xích mích hầu hết đều xuất phát từ việc tranh chấp quyền được thu gom than rơi. Xuất hiện các đầu nậu gom than, mỗi đầu nậu bảo kê một khu vực. Từ đó nảy sinh hiện tượng tranh giành, lấn chiếm địa bàn của nhau. Từ đây cũng hình thành các nhóm lưu manh như nhóm Kiên "khỉ", Khanh "mũi"... thường xuyên tổ chức đâm chém nhau, tranh giành quyền thu gom than với các đầu nậu khác. Hay táo tợn hơn cả là băng cướp do tên Hùng "hề" cầm đầu, chuyên dùng vũ khí “nóng” như dao, súng, lựu đạn cướp của và tấn công các lực lượng bảo vệ mỏ than nếu bị kháng cự.
Các đối tượng này đều được Công an phường Mông Dương nắm lý lịch, theo dõi rất kỹ và phối hợp cùng cảnh sát hình sự Công an thị xã Cẩm Phả bắt giữ, triệt phá. Cá biệt như vụ phá nhóm của Kiên "khỉ" và các đối tượng lưu manh chuyên tàng trữ đao, kiếm, thậm chí cả súng để sẵn sàng "chiến" lại các nhóm khác. Cán bộ Công an phường Mông Dương đã không quản ngại nguy hiểm, vào tận lán trọ thuyết phục, khuyên răn, một số đối tượng trong nhóm còn mang cả khẩu K59 ra giao nộp.
Xác định rằng: 8 anh em thì không thể quản lý được địa bàn rộng mênh mông và quá phức tạp như thế, Trung tá Nguyễn Văn Xa đã "nghiên cứu" ra phương án: yêu cầu các chủ mỏ than phải lập nên các đội trật tự để phối hợp với Công an khu vực quản lý nhân khẩu. Khi có vụ việc xảy ra, các đội trật tự sẽ có trách nhiệm chủ động nắm tình hình và thông báo ngay cho Công an phường cùng giải quyết. Thành lập Đội trật tự khu mỏ trở thành điều kiện bắt buộc khi các doanh nghiệp muốn khai thác than trên địa bàn Mông Dương.
Trung tá Lê Tiến Mạnh - Phó trưởng Công an phường kể cho tôi nghe kiểu làm việc có lẽ là chưa ở đâu có như ở nơi này. Đặt ra từng đầu việc cụ thể và gom tất cả anh em vào hợp lực, giải quyết dứt điểm một việc rồi mới quay sang cùng nhau giải quyết việc khác. Mỗi cán bộ ở đây đều được "trưng dụng" tối đa: sáng đang làm Cảnh sát giải quyết các thủ tục hành chính; chiều đã đảm nhiệm vai trò của Cảnh sát hình sự; tối đến lại thành Cảnh sát khu vực đi rà soát địa bàn...
Quanh đi quẩn lại có 8 anh em và một núi các công việc - cứ thế mà làm. Khi có việc gì cấp bách, yêu cầu lực lượng Công an thị xã hỗ trợ thì cũng phải mất 1 tiếng đồng hồ anh em mới vào đến nơi. "Chỉ có 8 anh em, mấy năm chưa biết nghỉ phép hay thứ bảy, Chủ nhật là gì. Việc cứ chất đống, mình mà nghỉ phép, lại nghĩ đến cảnh các anh em còn lại phải cáng đáng thay nên không đành lòng".
Trung tá Nguyễn Văn Xa còn lo lắng: "Có 5 anh em Cảnh sát khu vực thì 4 người sắp đến tuổi nghỉ hưu - tôi đang lo không biết lấy đâu ra người mà bám địa bàn. Cán bộ trẻ nhất ở đây cũng đã 34 tuổi rồi"