Gần đây cùng với việc xây dựng chiến lược giáo dục mới từ nay đến 2020, vấn đề tiền lương nhà giáo lại được đặt ra bàn thảo, coi đó là một trong những điều kiện để đổi mới giáo dục Việt Nam. Thực tế cho thấy, chế độ trợ cấp đứng lớp cho giáo viên đang là “rào cản“ trong khâu tuyển chọn, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.
Các nghị quyết của Ðảng, của Quốc hội và cả trong Luật Giáo dục cũng đã đặt vấn đề tiền lương trong hệ thống chính sách đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước khi coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, dường như chính sách về tiền lương với nhà giáo vẫn còn những điều bất cập. Ðiều 81 của Luật Giáo dục 2005 có quy định: "Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ". Thực hiện quy định của Luật Giáo dục, những năm qua, Chính phủ đã ban hành quy định phụ cấp cho giáo viên đứng lớp.
Chế độ phụ cấp đứng lớp cho giáo viên, giảng viên
Phụ cấp đứng lớp được thực hiện đối với các giáo viên, giảng viên trực tiếp đứng lớp. Hình thức trợ cấp này động viên được các nhà giáo trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh. Hình thức trợ cấp đứng lớp cũng đã chia ra với các cấp độ ưu tiên hơn cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giáo viên của các trường chuyên biệt, nhằm động viên giáo viên đứng lớp ở những nơi khó khăn, nơi đào tạo nhân tài. Tuy vậy, trên thực tế quy định nói trên còn nhiều điểm chưa hợp lý. Với cách phân loại nhà giáo đứng lớp mới được trợ cấp ưu đãi còn nhà giáo không đứng lớp thì không được trợ cấp ưu đãi nghe ra có vẻ hợp lý vì bớt đi được một số tiền trợ cấp và mặt khác lại được tiếng động viên giáo viên đứng lớp, coi đó là người lao động trực tiếp. Nhưng đi sâu vào phân tích mới thấy sự bất hợp lý của việc phân loại này. Bởi vì các giáo viên phải là những nhà giáo ưu tú mới được chọn làm cán bộ quản lý giáo dục và lúc đó tuy họ không đứng lớp nhưng lại là những nhà quản lý giáo dục trực tiếp phụ trách các giáo viên đứng lớp. Sự đối xử không công bằng, không khuyến khích những giáo viên phải tham gia làm cán bộ quản lý giáo dục (có nhiều cán bộ quản lý giáo dục than phiền rằng đã bị mất đi tới 50% thu nhập vì đã nhận làm cán bộ quản lý giáo dục). Hiện trạng này là phổ biến ở rất nhiều địa phương. Có thể kết luận: Chế độ trợ cấp đứng lớp là một rào cản trong khâu tuyển chọn, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Rõ ràng trong sự phát triển sự nghiệp giáo dục vai trò của các hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng ở các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học là rất quan trọng. Một trường học muốn phát triển vững mạnh, muốn có uy tín phải có những người lãnh đạo giỏi. Mặt khác, giáo dục nước ta lại cần phải có những cán bộ quản lý giỏi, để chọn được các cán bộ quản lý giỏi phải phát hiện và bồi dưỡng từ đội ngũ giáo viên giỏi, thế mà nhiều năm nay những cán bộ quản lý từ Bộ Giáo dục và Ðào tạo đến sở và phòng giáo dục và đào tạo đều không được hưởng phụ cấp như giáo viên đứng lớp. Thử hỏi các cán bộ quản lý giáo dục có động lực để tập trung vào công việc quản lý của mình không?
Bất hợp lý nói trên đã dẫn đến hệ lụy là một số hiệu trưởng, hiệu phó tìm cách để hợp lý hóa việc mình cũng được trợ cấp đứng lớp. Ðã có những đơn khiếu kiện về vấn đề hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được nhận tiền trợ cấp đứng lớp mà không đứng lớp. Nói một cách sòng phẳng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng xứng đáng được nhận trợ cấp (mặc dù họ đã có phụ cấp trách nhiệm) vì công việc họ làm có sự đóng góp rất lớn cho nhà trường. Theo tôi được biết, mức lương của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở nhiều nước trên thế giới là rất cao. Có như thế họ mới toàn tâm toàn ý tập trung đưa trường mình phát triển để có chất lượng giáo dục cao.Tóm lại, nếu đứng trên quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, chúng ta sẽ có cách nghĩ khác. Ðây là vấn đề liên quan đến sự phát triển của đất nước.
Cải tiến hệ thống lương cho ngành giáo dục như thế nào là hợp lý?
Thứ nhất, đề nghị khôi phục lại chế độ tính phụ cấp thâm niên cho ngành giáo dục như trước đây. Hệ thống lương có phụ cấp thâm niên sẽ khuyến khích các nhà giáo gắn bó suốt đời với ngành giáo dục. Những giáo viên tham gia trong ngành giáo dục từ năm năm trở lên sẽ được tính thâm niên. Nhưng sẽ trả lương thâm niên từ năm thứ mười trở đi. Có nghĩa là giáo viên dạy từ mười năm trở lên sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên, cứ tính mỗi năm dạy học từ năm thứ sáu trở đi sẽ được hưởng 1% thâm niên, có nghĩa là giáo viên dạy mười năm sẽ được tính 5% thâm niên, sau đó cứ mỗi năm tăng 1%. Như vậy nếu giáo viên trong cả quá trình công tác 40 năm trong ngành giáo dục sẽ được hưởng thâm niên là 35%.
Thứ hai, nên có chế độ lương tương xứng với sự đóng góp của giáo sư và phó giáo sư. Ở nhiều nước trên thế giới lương của giáo sư rất cao. Trong điều kiện của nước ta hiện nay nên có quy định mở để các hiệu trưởng quyết định lương của các giáo sư và phó giáo sư. Hiện nay nhiều ngành, nhiều công ty có chế độ lương và thưởng cho các nhân viên của mình rất cao. Trong khi đó, một số trường đại học để tăng thu nhập cho giáo sư, phó giáo sư, họ thường tăng giờ dạy của các giáo sư. Theo tôi cách đó tuy có mặt lợi là khuyến khích giáo sư dạy nhiều giờ nhưng mặt trái của nó là không tạo điều kiện cho các giáo sư đi sâu vào nghiên cứu khoa học. Ðây chính là một trong những nguyên nhân làm giảm đi động lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ của các giáo sư là những chuyên gia đầu ngành của một bộ môn khoa học nào đó. Cần mạnh dạn trả lương cao cho các giáo sư và phó giáo sư, đó mới chính là giải pháp để tạo điều kiện cho các nhà khoa học toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu khoa học, cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ ba, nên có chế độ tăng lương đột xuất và vượt bậc lương cho những nhà giáo có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thẩm quyền quyết định tăng lương vượt cấp được gắn với sự phân cấp quản lý trong giáo dục. Trong trường hợp đó, thẩm quyền tăng lương có thể giao cho Chủ tịch UBND tỉnh đối với giáo viên phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, thẩm quyền tăng lương cho giảng viên các trường cao đẳng, đại học là bộ trưởng của các bộ chủ quản của trường đó. Sau này khi không còn cơ chế bộ chủ quản của các cơ sở đào tạo thì thẩm quyền tăng lương là quyết định của hội đồng trường (đối với các trường ngoài công lập là hội đồng quản trị).
Trên đây là một số ý kiến về vấn đề lương và trợ cấp cho ngành giáo dục. Hy vọng các nhà hoạch định chính sách giáo dục tham khảo đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét nhằm có được một quyết sách đúng đắn, tạo được một trong những điều kiện cho giáo dục nước nhà phát triển.