Lỗ hổng về mặt nhận thức
Chuyện cầu thủ bán độ và dàn xếp tỷ số không phải là chuyện lạ ở V-League. Nhiều năm nay, người ta nói rất nhiều và khả năng này, nhưng nói xong để đó vì không ai chịu đi tìm bằng chứng để đưa những khuất tất ấy ra ánh sáng.
Thành ra, không thể nói là sự việc các cầu thủ của những đội như V.Ninh Bình hay Đồng Nai bị bắt vì bán độ là những câu chuyện đơn lẻ, khác biệt lớn nhất ở đây là cơ quan chức năng hiện đã vào cuộc, trong khi trước đó nhiều vụ “chìm xuồng” vì thiếu chứng cứ.
Chuyện các đội bóng phản ứng với trọng tài và với BTC cũng không phải là câu chuyện mới. Điều đáng buồn đối với V-League nằm ở chỗ khi được yêu cầu phải đá nghiêm túc, các đội bóng nội lại chọn cách đá láo, chọn cách phản ứng trọng tài.
Cái đấy thuộc về nhận thức của những người tham gia cuộc chơi, đấy cũng là lỗ hổng trong công tác giáo dục ở các CLB. Lâu nay các đội bóng nội chỉ quan tâm đến việc cầu thủ đá bóng ra sao, chứ ít ai để ý đến cách hành xử của họ, để ý đến tác phong của chính các cầu thủ cả trong và ngoài sân bóng.
Xem bóng đá ngoại, cầu thủ ở châu Âu không phải không đá bậy, không phải họ không ăn gian, nhưng ngay cả khi ăn gian, họ cũng ít dùng các đòn nhằm triệt hạ đồng nghiệp như cầu thủ ở ta, họ cũng không phản ứng trọng tài và BTC như thể muốn ăn tươi nuốt sống các lực lượng này như cầu thủ Việt Nam.
Mà không chỉ có cầu thủ hư, HLV – tức là những người thầy cũng chưa ngoan, nên càng khó bảo học trò. Câu chuyện HLV của U17 Hà Nội T&T dính nghi án đánh người, hoặc việc HLV Hữu Thắng của SL Nghệ An nhào vào sân phản ứng trọng tài chỉ vì 1 chiếc thẻ vàng của Công Vinh vì lỗi vén áo qua đầu cho thấy đôi khi khoảng cách giữa người làm thầy và người học trò chỉ khác nhau cái chỗ đứng và cái màu áo, chứ thực ra về mặt nhận thức, có lỗ hổng lớn theo kiểu dây truyền.
Nhìn đâu cũng thấy rối
Lỗi ngay từ khâu đầu vào như đề cập đến ở trên là lỗi rất khó chữa, bởi đầu vào đã lệch đường ray thì đầu ra khó chạy cho đúng đường.
Nhưng cái sai của các đội bóng cũng là cái sai của BTC và những người làm công tác quản lý bóng đá nội. Trách các CLB hời hợt trong việc giáo dục cầu thủ, trách các HLV cư xử không phải phép, thì cũng phải xem lại ai là người cấp phép cho những người chưa đủ khả năng hành xử ấy đứng trên sân bóng?
Chính VFF có lúc từng quá dễ dãi với việc công nhận các CLB chuyên nghiệp, dù thực chất họ chưa chuyên. Chính VFF từng quá dễ dãi cho các CLB được đứng trong sân chơi đỉnh cao của VFF, trong khi lẽ ra chỗ của họ là nơi khác. Bản thân từng CLB chưa đủ tiêu chuẩn, thì làm sao các thành viên của họ hành xử cho đúng tiêu chuẩn?
Rồi toàn bộ guồng máy của VFF không phải chỗ nào cũng ngon lành, thì lấy đâu ra một giải đấu ngon lành. Ví như Ban trọng tài của VFF năm nào cũng cải tổ, lại thường xuyên thay đổi nhân sự, nhưng sự nhức nhối về công tác trọng tài vẫn còn đó.
Đành rằng trọng tài cũng là con người, đành rằng đã là con người thì có sai sót. Trọng tài đẳng cấp World Cup cũng có sai, nhưng có những cái sai đáng được thông cảm và có những cái sai khiến các đội bóng ngao ngán.
Câu chuyện trên sân Long Xuyên là một ví dụ điển hình, người trách phản ứng thái quá của đội HV.An Giang, cái này thỉ đã rõ, họ cũng đã chịu phạt, khi phản ứng với trọng tài. Tuy nhiên, đặt vấn đề ngược lại, lỡ trọng tài bắt bậy thật thì sao?
Vội vã kết luận trọng tài hoàn thành nhiệm vụ, trong khi ông Trưởng BTC V-League khách quan nhận xét rằng “trọng tài chưa quán xuyến hết trận đấu, cuối trận bỏ sót nhiều lỗi”, vậy có mâu thuẫn không?
Những kết luận vội vã dạng như thế rất dễ khiến các đội bóng thêm ức chế. Mà đã ức chế thì lại dễ sinh chuyện.
Thành ra, VFF muốn chấn chỉnh V-League không phải là điều có thể làm được ngay, vì V-League có quá nhiều lỗ hổng mà không lỗ hổng nào là nhỏ cả. Rồi để chấn chỉnh V-League, có khi chính VFF phải chấn chỉnh người nhà trước, kẻo không khéo lại bị mang tiếng!