Làm mẹ là một thiên chức
tuyệt vời mà bất kì người phụ nữ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, đi cùng với hạnh phúc cũng là không ít khó khăn, thậm chí nếu không chú ý giữ gìn sức khỏe, người mẹ cũng có thể mắc một số chứng bệnh dưới đây:
1.Đau dạ dày
Đau dạ dày là một bệnh ngày càng trở nên rộng rãi trong xã hội hiện đại. Và một trong số những nguyên nhân khá thường gặp ở những người phụ nữ trẻ là do họ dành quá nhiều thời gian để chăm sóc con nhỏ mà quên mất việc chăm sóc chính bản thân mình.
Chị Mai, Hà Đông, Hà Nội kể: “Nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng và hai đứa con. Thằng anh đang học mẫu giáo còn đứa em mới được 5 tháng. Vì lương thấp và muốn chăm sóc con nhiều nên sau khi sinh bé thứ 2 mình quyết định ở nhà chuyên tâm nội trợ và chăm sóc cả gia đình. Hằng ngày cứ lo cho thằng anh – con em rồi cơm nước cho cả nhà mình cũng đủ chóng mặt. Nhiều đợt, chồng đi đi công tác, có mỗi 3 mẹ con ở nhà, cho con ăn xong mình mệt nên đành nhịn đói đi ngủ. Có hôm thì lại ăn uống tạm bợ, lúc ăn mỳ, lúc ăn phần cháo thừa của con thành ra lửng dạ lại không muốn ăn gì nữa. Vì mình cho con bú hoàn toàn nên nhiều đêm vì ăn ít nên thấy đói kinh khủng. Nhưng nói thật nhà có mỗi mình mình trông con nên nhiều lúc mệt cũng chẳng buồn dậy nấu gì ăn nữa. Đến hôm vừa rồi, mình cứ thấy đau bụng, đầy hơi, ợ nóng,... nên lo lắng và đi khám. Sau khi nội soi thì mình nhận kết quả là viêm loét dạ dày.
Thật tình là mình cũng khá ân hận vì chủ quan trong vấn đề ăn uống. Nhưng từ lúc đi khám và được bác sĩ tư vấn về, mình phải thay đổi thói quen sinh hoạt đồng thời sắp xếp thời gian biểu cho cả gia đình hợp lý hơn. Vì mình khỏe thì các con cũng khỏe và mới chăm lo được cho chúng hết lòng”.
Lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng để những bà mẹ đang chăm con nhỏ phòng tránh bệnh đau dạ dày:
- Nên có thời gian biểu ăn uống sinh hoạt hợp lý cho cả gia đình và cố gắng thực hiện những quy định đó một cách nghiêm túc. Ăn đúng giờ, không nên ăn quá no và cũng không được bỏ bữa.
- Hạn chế đồ uống có cồn như bia rượu, những đồ uống có chất kích thích như cà phê và những loại thức ăn cay nóng.
- Hạn chế ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Bạn cũng đừng quên đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc bởi có như vậy thì bộ máy tiêu hóa của bạn nói riêng và toàn bộ cơ thể của bạn nói riêng mới được nghỉ ngơi hiệu quả.
2.Stress
Stress sau sinh là vấn đề mà khá nhiều chị em gặp phải. Nguyên nhân là nhiều bà mẹ không lường hết được những khó khăn sẽ gặp phải sau khi sinh, nhất là những phụ nữ lần đầu làm mẹ, nên không khỏi bỡ ngỡ, bất ngờ. Và stress là một hệ quả đương nhiên mà họ dễ gặp phải.
Chị Thái Anh (Thanh Sơn, Phú Thọ) là một trường hợp như vậy. Chị lấy chồng ở phố huyện, nhà chồng nói chung và vợ chồng chị nói riêng cũng làm ăn khá, có của ăn của để nên chị cũng chẳng phải lo lắng gì nhiều. Ngặt một nỗi, chồng chị làm kinh doanh, buôn bán nên thường xuyên phải đi đánh hàng tận biên giới. Cưới nhau được vài bữa, anh đã đi lấy hàng liên tục để chị ở nhà lủi thủi với mẹ chồng. Có những lần anh đi cả tuần thậm chí nửa tháng mới về. Từ lúc sinh con, chồng chị muốn kiếm nhiều tiền hơn để vợ con được thoải mái thành ra anh lại càng vắng nhà nhiều hơn. Nhưng chị Thái Anh cho rằng anh như vậy là không còn thương vợ. Chị sợ anh chán vì chị sinh con gái nên ra ngoài bồ bịch lăng nhăng không chịu về thăm 2 mẹ con. Rồi chị bỏ ăn, bỏ ngủ, suốt ngày khóc lóc.
Stress quá nhiều, có lần chị còn không làm chủ được mình quát tháo con ầm ĩ khi bé khóc – mặc dù lúc ấy bé mới được 1 tháng tuổi.
Khác với chị Thái Anh, chị Châu (Hưng Yên) lại có nỗi niềm riêng. Chẳng là con trai chị năm nay đã được 2 tuổi nhưng mặc chị và gia đình ra sức tẩm bổ, cháu vẫn bé như cái kẹo. Cân nặng của cháu chỉ bằng đứa trẻ 1 tuổi. Dù đã cho cháu đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau, nhưng dường như tình trạng suy dinh dưỡng của cháu không mấy cải thiện. Cứ mỗi lần chị Châu cho con ăn, là cả xóm đều phải lắc đầu bởi con không ăn, chị liền quát tháo ầm ĩ. Một lúc thì mọi người lại nghe thấy con khóc mẹ khóc. Mặc cho gia đình và chồng chị can ngăn nhưng nhiều khi chị cố ép ăn con bằng được đến nỗi thằng bé vừa ăn được chút cháo lại khóc lóc sợ sệt và nôn trớ hết ra. Cứ thế, mỗi lần chị Châu cho con ăn là cả xóm lại ví như "chiến tranh giữa các vì sao". Cứ như vậy, chị Châu ngày càng trở nên dễ cáu bẳn, hay quát mắng và thậm chí đánh con vô cớ. Nhiều lúc chị còn cư xử thô lỗ với chính chồng và người thân trong gia đình. Lúc đó, chị mới nhận rằng mình bị stress nặng vì chuyện con lười ăn.
Để tránh stress sau sinh và khi đang chăm con nhỏ, các bà mẹ trẻ nên chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng và có sự chuẩn bị chu đáo nhất trước khi sinh con.
- Gia đình cũng nên thường xuyên động viên, quan tâm, chăm sóc tới các bà mẹ trẻ để họ không cảm thấy cô đơn trong lúc chăm con nhỏ, đặc biệt là các ông chồng.
- Thường xuyên có sự trao đổi và thống nhất với mọi người trong gia đình về cách chăm sóc và nuôi dạy con cái để mọi người cùng có chung một phương pháp thống nhất. Nếu gặp quá nhiều khó khăn, bạn nên đến bác sỹ tâm lý để được tư vấn và điều trị kịp thời.
3.viêm khớp ống cổ tay
viêm khớp ống cổ tay là một bệnh mà có khá nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ gặp phải.
Chị Hà, Tây Hồ, Hà Nội kể: “Khoảng một năm trước lúc đó con mình được khoảng 9 – 10 tháng, mình bỗng nhiên thấy đau khớp cổ tay khủng khiếp. Mình bán đồ mỹ phẩm ngay tại nhà nên cũng không phải đánh máy vi tính hay mang vác gì nặng nhưng không hiểu sao lúc nào cũng thấy khớp cổ tay nhức mỏi. Đặc biệt có hôm mình đau khớp cổ tay rồi cả lòng bàn tay và cằng tay. Có đêm, chồng phải dậy xoa bóp cho mình một lúc lâu mình mới thấy đỡ.
Cực chẳng đã mình liền đến bệnh viện khám. Sau khi khám và làm xét nghiệm các kiểu thì bác sĩ kết luận nguyên nhân gây đau khớp tay của mình khá bất ngờ. Đó là vì mình bế con nhiều.
Con mình trộm vía cũng là đứa khá bụ bẫm so với các bạn cùng trang lứa. mặc dù mới 9 tháng nhưng con đã được khoảng 12 – 13 cân. Nhưng ở tầm đó con chưa biết đi. Nhà lại chỉ có 2 mẹ con nên mẹ thường xuyên phải bế. Thời gian bế bé lại liên tục nên…”
Sau khi nghe kết luận của bác sỹ, chị Hà khá ngạc nhiên và lúc đầu cũng không mấy tin tưởng. Nhưng sau quá trình điều trị tích cực cùng với sụ hỗ trợ của người thân và gia đình, chứng đau nhức cổ tay của chị Hà đã thuyên giảm đáng kể. Và đến nay, chị cũng đã khỏi hẳn.
Để giảm bớt đau khớp cổ tay, các mẹ cần lưu ý:
- Giảm thời gian bế bé và không được ỷ lại vào sức của cổ tay. Hãy để những người thân còn lại trong gia đình cùng san sẻ việc bế bé cùng với bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sắm những chiếc ghế hoặc đồ chơi theo đúng lứa tuổi của bé để bé thích thú và không bắt bạn bế nhiều.
- Chườm nóng kết hợp với mát xa có thể giảm đau hiệu quả.
- Tập một số động tác như vẩy cổ tay, vươn cổ tay.