Xóm “ổ chuột” giữa làng biệt thự ở Hà Nội

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau giãn cách xã hội, nhiều người lao động nghèo rục rịch quay lại Hà Nội. Một số người gặp khó khăn về chỗ ở đã chọn những biệt thự bỏ hoang để ở. Và những căn biệt thự có giá cả triệu USD trở thành những ’ổ chuột’ tạm bợ cho lao động nghèo.
Xóm “ổ chuột” giữa làng biệt thự ở Hà Nội
Khu biệt thự bỏ hoang hơn 10 năm ở khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) - Ảnh: VŨ TUẤN

"Ngày công hai trăm rưỡi ngàn, nhưng ở biệt thự 25 tỉ đây này!" - anh Lê Văn Hùng, thợ xây quê Thanh Hóa, pha trò. 

Trong căn biệt thự xây dở to như tòa lâu đài, hơn chục người thợ quây lại đánh bài quỳ để "giết" thời gian lúc chờ việc. Họ tự nhận mình đang ở trong những "phố ma" triệu đô, vì nhiều người bên ngoài như không hề biết có họ tồn tại ở đây.

Ánh đèn xe máy của bảo vệ khu đô thị vừa khuất, bóng một người phụ nữ nấp sau bức tường căn nhà hoang xuất hiện. Cô ta lôi ra từ dưới đám cỏ cao ngang ngực một vòi nước rồi đấu vào vòi nước cứu hỏa, buộc lại bằng dây thun rồi khe khẽ mở van...

Tìm nước lúc nửa đêm

Đêm nào cũng vậy, người phụ nữ ấy phải đi lấy nước để ngày hôm sau có nước nấu ăn. Hơn 10 người thợ ở trọ trong căn biệt thự triệu đô nhưng chưa được lắp điện, nước.

Chị Vị - người phụ nữ vừa ra vặn vòi nước - lách vào cánh cửa gỗ tạm bợ trong một căn biệt thự bỏ hoang ở khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Trong nhà, hơn chục người nằm, ngồi lố nhố trên mấy chiếc giường kê bằng ván cốp pha. Họ mới chuyển đến đây được hơn một tháng. Năm trước, họ sống ở căn nhà bỏ hoang chếch phía bên kia đường.

Chị Vị (quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) theo chồng lên Hà Nội xin làm chân phục vụ cơm nước cho nhóm thợ. Chị là người mạnh bạo, "vía nặng" và quá quen với khung cảnh hoang tàn ở khu đô thị bỏ hoang nên mới dám đi lấy nước lúc nửa đêm.

Chị thật thà kể khu này có một đường nước giếng khoan, xin của nhà hàng xóm. Nhưng nước không sạch lắm, thỉnh thoảng có mùi, chỉ để giặt quần áo, còn nước để nấu ăn phải "câu" về.

"Bảo vệ mà phát hiện là họ phạt chết! Chủ nhà bảo sẽ mua nước cho nhưng chưa mua được. Đợi nhà nào chuyển đến ở thì xin một đường nước, mua lại của họ" - chị Vị nói.

Theo lời chị Vị, xóm trọ triệu đô của chị đã đợi hơn một năm rưỡi nhưng chưa có nhà nào chuyển đến ở. Cả khu này có mấy chục căn biệt thự bỏ hoang hơn chục năm. Thỉnh thoảng lại có người đến xem nhà, ngã giá nhưng chẳng thấy nhà nào ở, chỉ vài nhà vị trí đẹp ở góc hai mặt tiền đang sửa. Giá bán ở khu này lên tới 50 triệu đồng mỗi mét vuông.

Thế nhưng cái giá 20 tỉ đồng là mua "xác" nhà, chủ cũ chỉ đổ khung, xây tường gạch. Nhiều căn bỏ hoang quá lâu, gạch bị rêu "ăn" mủn ra như đất. Ai mua lại phải sửa tường, "vào áo" (trát tường), làm công trình vệ sinh, nội thất... cũng thêm vài tỉ.

Trời chuẩn bị mưa, căn biệt thự nhóm thợ xây thuê lại không có nổi một cánh cửa chắc chắn. Căn nhà 3 tầng diện tích sàn tới gần 400m2 mới được xây xong phần thô. Không điện, không nước, không nhà vệ sinh..., cả nhóm thợ thuê lại chưa tới 3 triệu đồng.

Căn nhà chị Vị đang ở được ngăn thành nhiều khu bằng những mảnh ván công trường đã bỏ đi. Cửa sổ trên tầng cũng che bằng ván ép, bạt nhựa, mưa hắt, rêu mốc loang lổ từ sàn nhà lên tường gạch.

"Chắc chị ấy (chủ nhà - PV) ngăn để cho người khác thuê nữa. Nhà rộng quá, chúng tôi ở không hết - chị Vị nói - Ở nhiều càng đông, càng đỡ sợ. Chỉ lo điện không đủ dùng, nấu cơm bị sống suốt". Khó ai ngờ điện lại yếu tới mức nấu cơm sống.

Nhà vệ sinh quây bằng ván ép ở góc vườn; sáng sớm, hơn chục người đợi nhau xách theo xô nước để "giải quyết thủ tục". Bất tiện nhưng giá rẻ, với họ căn biệt thự này "tiện nghi" hơn nhiều lần so với những căn lán quây tôn mỏng ở chân công trình.

Chị Vị cho hay trước khi dịch COVID-19 bùng phát, "xóm" biệt thự này đông vui nhộn nhịp. Hàng chục căn biệt thự xung quanh trở thành nhà trọ của cánh thợ xây, đồng nát... Vài người còn thuê lại tầng trệt mở quán nước, hàng ăn, tạp hóa... phục vụ "cư dân" nghèo trong xóm. 

Đến giờ chỉ lác đác vài căn có người ở, mỗi căn một tốp thợ, hai quán hàng vẫn mở để phục vụ xóm thợ. Hàng ăn tạm đóng, chỉ có nước lọc, mì gói, rau, trứng vẫn bán chạy như ngày thường.

Bên trong nhà trọ “triệu đô” ở khu đô thị Cầu Bươu (Hoàng Mai, Hà Nội) - Ảnh: VŨ TUẤN

Sáng phụ hồ, đêm nằm biệt thự 20 tỉ

"Ngày công hai trăm rưỡi ngàn, nhưng ở biệt thự 25 tỉ đây này!" - anh Lê Văn Hùng, thợ xây quê Thanh Hóa, pha trò. Trong căn biệt thự xây dở to như tòa lâu đài ở khu đô thị Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội), hơn chục người thợ quây lại đánh bài quỳ trong lúc chờ việc.

Họ được chủ thầu thuê một căn biệt thự bỏ hoang để ở nhằm thi công hoàn thiện một biệt thự gần đó. Kê vài tấm ván cốp pha làm giường, cứ 2 - 3 người ở một "phòng". Tầng 2 làm chỗ nấu ăn, "phòng" của 2 đôi vợ chồng được quây thêm tấm bạt.

Căn nhà này đã bỏ hoang nhiều năm, chưa có điện nước, chưa có nhà vệ sinh. Chủ thầu kéo điện, nước từ công trình đang xây về. Hơn chục người dùng chung một nhà vệ sinh di động bằng nhựa composite kê ở góc vườn. Bồn nước sinh hoạt kê ngay trên hè, 2 người thợ giữa trưa cởi quần áo giội nước tắm ào ào.

Xung quanh bưng tôn kín mít, người đi đường chỉ biết có nhóm thợ ở bên trong vì quần áo phơi trên tầng 2.

Khu nhà ở siêu đắt đỏ nhưng không cửa, trống hoác, quần áo của thợ bạc phếch treo sát tường gạch. Chiếc nồi cơm điện công nghiệp méo mó, chỉ có chiếc máy "bắn cốt" (máy nivo cân bằng), thước thợ, dao xây... là họ giữ cẩn thận làm đồ nghề kiếm cơm.

Công trường của họ ở căn biệt thự kế bên, người chủ nghe đâu mua lại hơn 20 tỉ mà chỉ có phần thô. Người ta thuê thợ đến "vào áo" (trát), sơn bả, lắp đặt điện, nước, vệ sinh gần 2 năm chưa xong. Vài bức tường ngoài sơn dang dở, căn biệt thự hiện ra dáng vẻ kiến trúc của lâu đài.

Anh Khang chép miệng nói tếu táo: "Bỏ không phí quá! Cả đống tiền! Nhưng người ta có cho chúng tôi cũng không dám nhận. Tiền đâu mà làm nội thất? Làm xong để ở được cũng phải có thêm mấy tỉ".

Cả khu hàng chục căn biệt thự bỏ hoang hàng chục năm; rêu phủ, cỏ mọc gần kín cả lối đi. Cách nơi anh Hùng ở trọ, tầng trệt của một căn biệt thự có cây gỗ dại gốc đã to bằng bắp chân, tán lá xum xuê che kín một vùng. Vài nơi người ta mang salông hỏng, chăn đệm, quần áo cũ đến vứt. Những căn không có hàng rào tôn, bên trong lác đác kim tiêm dính máu.

Những người thợ xây gần như chỉ sống trong hàng rào tôn trong khu trọ. Họ chỉ đến công trường, hết giờ làm lại về nhà trọ, chỉ có người nấu ăn mới ra ngoài đi chợ. "Nghiện ngập nhiều, dân ở đây còn ngại nữa là mình - anh Hùng nói - Mình ở quê ra đây chẳng muốn va chạm".

Căn biệt thự cho thuê lại giá... 3 triệu đồng ở khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) - Ảnh: VŨ TUẤN  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật