Sẵn sàng đối phó xâm nhập mặn mùa khô

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Sẵn sàng đối phó xâm nhập mặn mùa khô
Nạo vét kênh thủy lợi tại huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Ảnh: KHÁNH TRUNG

Để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cần tận dụng “thời điểm vàng” để tập trung nạo vét kênh, mương trữ nước, khẩn trương xuống giống sớm vụ đông xuân và bám sát chặt chẽ các khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 - 2022 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm và tác động sâu hơn so với mức trung bình nhiều năm gần đây. Ở một số thời điểm, tình trạng xâm nhập mặn có thể xấp xỉ năm 2015 - 2016, năm xảy ra hạn mặn lịch sử ở khu vực miền tây.

Dung tích Biển Hồ (Campuchia) là yếu tố quyết định đến sự điều tiết nước về đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô. Dự báo, lượng nước cao nhất năm 2021 của Biển Hồ chỉ đạt khoảng từ 28 tỷ mét khối đến 30 tỷ mét khối, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 17 tỷ mét khối đến 19 tỷ mét khối và thấp hơn năm 2020 từ 1 tỷ mét khối đến 2,5 tỷ mét khối. Dung tích hiệu dụng của các hồ chứa ở khu vực thượng lưu sông Mekong ước tính đạt 65 tỷ mét khối, nhưng tính đến cuối tháng 9/2021, tổng dung tích trữ các hồ mới chỉ đạt gần 70%.

Trong khi đó, dự báo thủy triều từ tháng 11 đến tháng 12 năm nay có xu thế cao hơn mực nước đỉnh triều trung bình nhiều năm. Trong đó, từ tháng 1 đến tháng 3/2022 có khoảng ba đợt triều cường, dự kiến đợt triều cường đầu tháng 1/2022 là lớn nhất. Cùng với triều cường, mùa gió chướng bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô sẽ là yếu tố góp phần đẩy mặn xâm nhập sâu bên trong hệ thống kênh, rạch ở đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Chuyên gia của Tổng cục Thủy lợi nhận định, việc xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022 tại đồng bằng sông Cửu Long có khả năng sẽ ảnh hưởng tới hơn 210 nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, bao gồm diện tích trồng lúa, cây ăn trái và mô hình canh tác lúa - tôm. Trong thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng tới gần 60 nghìn héc-ta canh tác lúa ở các tỉnh ven biển, trong đó Tiền Giang 11.900 ha, Bến Tre 12 nghìn héc-ta, Trà Vinh 15 nghìn héc-ta và Sóc Trăng 20 nghìn héc-ta. Đối với cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng gần 43.300 ha; trong đó, Tiền Giang 21.800 ha, Bến Tre 16 nghìn héc-ta… Cùng với đó, xâm nhập mặn cũng có thể ảnh hưởng đến khoảng 107.400 ha ở vùng canh tác lúa - tôm ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, vụ đông xuân 2021 - 2022, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang có kế hoạch gieo sạ khoảng 920.000 ha, chiếm khoảng 60% diện tích lúa toàn vùng. Nếu xâm nhập mặn đến sớm, lấn sâu và kéo dài với nồng độ mặn cao thì một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu ở các địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang có thể bị hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa và vùng cây ăn quả.

Với nhận định hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long xảy ra sớm hơn, Tổng cục Thủy lợi đề nghị ngành trồng trọt cần mạnh dạn điều chỉnh vụ đông xuân ổn định theo hướng sớm, gieo sạ từ tháng 10, hạn chế gieo sạ trong tháng 12. Tổng cục Thủy lợi cũng khuyến cáo các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn cần có giải pháp tổng thể về thủy lợi, chủ động sản xuất, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Bàn về phương án triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy sớm thời vụ gieo sạ lúa đông xuân. Các địa phương ven biển nguy cơ bị hạn mặn cao, khẩn trương gieo sạ sớm ngay từ tháng 10.

Hiện nay, các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp đối phó với ảnh hưởng lớn của xâm nhập mặn. Phó Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Trần Tấn Phương cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tích cực sửa chữa hệ thống bơm, các cống; nạo vét kênh, mương, tích trữ nước ngọt. Với lợi thế giống lúa ST đem lại lợi nhuận cao, tỉnh sẽ đẩy mạnh sản xuất giống lúa này.

Về việc chọn giống lúa thích hợp cho vụ đông xuân 2021 - 2022, theo Cục Trồng trọt, vùng cách biển từ 20 đến 30 km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn và ngắn ngày (90 ngày). Vùng cách biển từ 30 đến 70 km, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 105 ngày. Đối với những vùng ít bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao.

Để tạo thuận lợi cho vụ đông xuân, các địa phương cần nạo vét một số trục kênh chính, sửa chữa các cống điều tiết nước, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ nước trên hệ thống kênh, rạch nội đồng. Từng địa phương có kế hoạch xuống giống trong khung thời vụ chung của Cục Trồng trọt. Ở những địa phương không chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, cũng cần đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước do lượng mưa thiếu hụt và nguồn nước từ thượng nguồn về thấp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật