Làm sao để quy hoạch vùng là nền tảng hữu hiệu cho phát triển bền vững?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với quốc gia mà sự tập trung quyền lực lên trên còn mạnh như Việt Nam trong giai đoạn này, phân vùng tỏ ra là một phương tiện hữu ích. Các quy hoạch vùng sẽ cung cấp cái nhìn rộng - dài hơn, thông tin toàn diện hơn cho quyết định chính sách. Nếu đạt được tính khả thi cao, quy hoạch vùng sẽ là nền tảng hữu hiệu cho phát triển bền vững...
Làm sao để quy hoạch vùng là nền tảng hữu hiệu cho phát triển bền vững?
Ảnh minh họa

Phân vùng để làm gì?

Có thể dễ dàng đồng ý với các mục đích chung của xác định vùng kinh tế - xã hội, như: hội tụ nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối khu vực phát triển với các nguồn lực hậu phương, tăng cường hợp tác giữa các địa phương, hoạch định chính sách quốc gia trên tầm nhìn lãnh thổ lớn, hoạch định kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng vùng, hay làm khung nền tảng cho xây dựng thông tin thống kê, dữ liệu khoa học và nghiên cứu chuyên sâu. Song không nên quên rằng việc phân vùng theo kiểu chỉ đạo từ trên xuống chỉ là một phương tiện, một bước đệm, nhằm kết nối giữa chính sách quốc gia và chính sách địa phương.

Với quốc gia mà sự tập trung quyền lực lên trên còn mạnh như Việt Nam trong giai đoạn này, phân vùng tỏ ra là một phương tiện hữu ích. Các quy hoạch vùng sẽ cung cấp cái nhìn rộng - dài hơn, thông tin toàn diện hơn cho quyết định chính sách. Nếu đạt được tính khả thi cao, quy hoạch vùng sẽ là nền tảng hữu hiệu cho phát triển bền vững.

Các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hoá hay môi trường trên thực tế diễn ra vô cùng đa dạng, mà đôi khi so với những chỉ đạo lớn tại quy hoạch vùng lại không có liên quan gì. Ví dụ như sự phát triển giữa các tỉnh trên một hành lang kinh tế, trong một giai đoạn nào đó lại trở nên nổi trội hơn những liên kết nội vùng đề cập bởi quy hoạch, trong khi nó vượt ra ngoài lãnh thổ vùng. Hoặc đôi khi những biến động bối cảnh quốc tế khiến một số trung tâm kinh tế chợt nổi lên, khác hẳn với cấu trúc phát triển cứng nhắc xác định bởi quy hoạch vùng tại thời điểm mà người ta chưa thể hình dung ra điều đó.

Cho nên, những cơ chế cho phép hợp tác linh hoạt, hoặc sự tạo điều kiện chủ động địa phương nhiều khi quan trọng hơn là những kịch bản được định trước.

Nguyên tắc quan trọng nhất để phân vùng

Nguyên tắc phân vùng mà Việt Nam theo đuổi từ trước đến nay cơ bản là hợp lý. Chúng bao gồm: dựa trên phân vùng địa lý, dựa trên ranh giới hành chính tỉnh, cân nhắc đến tính phù hợp với phân vùng trong các lĩnh vực khác, cân nhắc về số vùng, quy mô về diện tích, dân số, khoảng cách đi lại trong vùng, trình độ phát triển của vùng, tính kế thừa khung phân vùng của thời kỳ tiền nhiệm…

Sự hợp lý còn đến từ các yếu tố như, việc phân chia tỉnh xưa nay vốn đã dựa trên lưu vực sông; cách phân vùng địa lý xưa nay vốn đã cân nhắc về tính tương đồng, dị biệt giữa các tiểu vùng. Như vậy khi xác định vùng kinh tế - xã hội là bội số của phân vùng địa lý, là ước số của 3 miền Bắc - Trung - Nam, thì tính hợp lý đại thể của phân vùng là đã có. Điều cần quan tâm còn lại là số lượng và quy mô vùng mà thôi.

Song, cũng vì có sẵn quá nhiều tiêu chí, hoặc do tiêu chí còn mơ hồ, hoặc vì e ngại tạo ra những thay đổi lớn, mà người ta quên đi các nguyên tắc quan trọng nhất, đó là nguyên tắc ƯU TIÊN, tức là có một số nguyên tắc sẽ đứng trên hẳn các nguyên tắc còn lại. Vậy đừng nên mất thời gian với những nguyên tắc phụ, quan trọng là không được rời bỏ các nguyên tắc chính. Chúng bao gồm: Cần đặt trong tầm nhìn bối cảnh quốc tế để thấy các lợi thế so sánh mà quốc gia có thể đạt được, cần đạt được, trong triển vọng cạnh tranh quốc tế thông qua sự phát triển của vùng; Tuy không có tiêu chí để xác định nên có bao nhiêu vùng trong cả nước, song cần giữ một nguyên tắc khi tư duy về phân vùng là: nên giảm thiểu số vùng. Bởi càng chia vụn các vùng thì càng khó liên kết động lực kinh tế giữa các địa phương nhằm tạo ra một đối trọng có tầm vóc có thể so sánh với khu vực và quốc tế. Càng có nhiều vùng thì chủ nghĩa phân biệt địa phương càng dễ phát sinh.

Cấu trúc phát triển không gian vùng là điều quan trọng bậc nhất khi xác định cách phân vùng kinh tế - xã hội. Cụ thể là mối quan hệ toàn thể của hệ sinh thái vùng đô thị - nông thôn – nông nghiệp – thiên nhiên, trong đó lấy hệ thống thuỷ vực, giao thông, logistics làm mạch liên kết.

Không nên đặt nặng vấn đề sự đồng bộ về trình độ phát triển kinh tế trong một vùng. Một vùng kinh tế trọng điểm thì nên nhấn mạnh điều này, nhưng một vùng lãnh thổ thì cần bao gồm cả khu vực phát triển và khu vực chậm phát triển. Các tiểu vùng chậm phát triển chính là hậu phương, là nguồn dự trữ tài nguyên, nhân lực, là nền tảng sinh thái cho các tiểu vùng phát triển.

Nên cân nhắc đến sự quân bình giữa các vùng. Nghĩa nên hạn chế sự quá chênh lệch giữa các vùng về diện tích, dân số, khoảng cách đi lại.

Giả sử ta phân vùng kinh tế xã hội như nêu trên, thì Việt Nam sẽ được chia thành 4 vùng kinh tế - xã hội như sau:

Phân chia như vậy có các lợi ích, như các vùng có diện tích và dân số không quá chênh lệch. Diện tích vùng lớn nhất không quá hai lần vùng nhỉ nhất. Dân số vùng lớn nhất không quá ba lần vùng nhỏ nhất.

Các vùng đều có cấu trúc bao gồm phần phát triển và vùng dự trữ có liên hệ tương hỗ nhau, không bỏ ai lại phía sau. Các vùng có nội lực tổng hợp hơn do không bị chia nhỏ. Các vùng đều có các đô thị động lực đủ mạnh để dẫn dắt phát triển, có hậu phương đủ dày dặn để đảm bảo phát triển lâu dài.

Bán kính vùng khá đồng đều nhau (7-9h), và đảm bảo có thể vừa đi vừa về bằng ô tô trong cùng ngày (giả thiết vận tốc trung bình 50 km/h).

***

Phân vùng kinh tế - xã hội để quản lý phát triển theo quy hoạch là cần thiết và là công vụ vô cùng phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đề xuất phân vùng của Bộ Kế Hoạch và Đầu tư là khá hợp lý, song còn một nhược điểm là quá coi trọng nguyên tắc về sự đồng bộ về trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong nội vùng; trong khi đó lại xem nhẹ nguyên tắc hội tụ để tạo sức mạnh tổng hợp cho mỗi vùng, hòng tạo nên sức cạnh tranh mạnh hơn cho Việt Nam trên trường quốc tế. Nguyên tắc này (sự đồng đều về trình độ phát triển) chỉ nên áp dụng cho trường hợp xác định phạm vi cho vùng kinh tế trọng điểm.

Chính vì vậy, cách phân vùng hiện nay đang có nhược điểm là chưa thuận tự nhiên, và bỏ vùng chậm phát triển lại phía sau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật