Bắc Giang: Sức “nóng” từ đất

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
(BGĐT) - Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tấc đất, tấc vàng” để nói về giá trị vô cùng quý báu của đất đai. Tấc đất ngày xưa được quý như tấc vàng là bởi đất để canh tác, trồng ra hạt lúa củ khoai nuôi sống con người.
Bắc Giang: Sức “nóng” từ đất
Ảnh minh họa

                             Xem Video: Vướng định giá đất, thị trường tê liệt
                             

Ngày nay, nhiều khu đất được ví như kim cương nhưng không phải giá trị sản xuất nông nghiệp mà do giá trị sinh lời. Sức nóng từ đất chưa bao giờ hót như bây giờ, đặc biệt từ các phiên đấu giá đất, các phiên “chợ” đất, theo đúng nghĩa.

Mới đây, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức phiên đấu giá đất ở xã Nội Hoàng. Khu đất đấu giá có 45 lô, giá khởi điểm 91 tỷ đồng. Diện tích lô thấp nhất khoảng 72 m2, cao nhất 100 m2. Tại phiên đấu giá, toàn bộ 45 lô đều có khách hàng đấu trúng với tổng giá trị 158 tỷ đồng, chênh lệch 67 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Lô thấp nhất trúng với giá 3,2 tỷ đồng, cao nhất là 5,4 tỷ đồng.

Trước đó, cũng tại huyện Yên Dũng, 86 lô đất ở khu dân cư mới Nham Sơn, thị trấn Nham Biền được đấu gọn trong một buổi với mức giá chênh lệch cao hơn gấp đôi giá khởi điểm (giá khởi điểm 91,9 tỷ đồng, giá sau đấu 211,5 tỷ đồng, chênh gần 120 tỷ đồng). Cá biệt, số người tham gia đấu và số hồ sơ tăng kỷ lục, gần 1.100 người với hơn 3.100 bộ hồ sơ cho 86 lô đất.

Không riêng huyện Yên Dũng, đất ở TP Bắc Giang và nhiều huyện khác như Việt Yên, Lục Nam, Hiệp Hòa… cũng đều sốt. Nhiều lô đất ngay sau khi đấu giá đã được mua đi mua lại, bán sang tay với giá chênh lệch vài chục triệu đồng, thậm chí lô đẹp, lô hai mặt đường còn được bán ngay chênh lệch cả trăm triệu đồng.

Chính vì sức hấp dẫn từ đất mà người người, nhà nhà, ai có điều kiện, có chút tiền dôi dư là đầu tư vào đất, đi đấu đất. Có người làm kinh doanh, làm nghề, cửa hàng cửa hiệu…thu nhập cao, tay nghề khá nhưng cũng không cưỡng lại từ đất, sẵn sàng đóng cửa hàng, bỏ nghề ngày ngày đi nghe ngóng, buôn bán đất. Không ít cán bộ, viên chức, người lao động cũng tranh thủ hùn vốn cùng anh chị em, bạn dì “lướt sóng” đất, kiếm tiền chênh lệch.

Nhiều người lý giải về hiện tượng sốt đất này do Bắc Giang mấy năm gần đây kinh tế có nhiều khởi sắc, nhiều doanh nghiệp lớn về đầu tư, hạ tầng nhiều khu đô thị, khu dân cư được xây dựng… nên nhu cầu về mặt bằng lớn, nhất là đất ven các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, dù nhu cầu có lớn thật nhưng giá bán được đẩy lên quá cao, một mét đất nông nghiệp mà giá vài chục triệu đồng, lại sang tay không chính chủ thì nguy cơ rủi ro rất lớn.

Đã có bài học từ cơn sốt nhà đất tại Đông Anh, Thạch Thất, Ứng Hòa (TP Hà Nội) hơn chục năm trước, khi nhiều người tung tin có dự án này nọ về đầu tư. Gần đây là đất ở TP Đà Nẵng “đóng băng”, rớt giá gần hai năm nay. Người bán ồ ạt còn người mua thì không thấy, nhiều người vỡ nợ vì “ôm” đất.

Có thể hiểu giá đất tăng phải hội tụ đủ nhiều yếu tố. Đất đó có quy hoạch không, giá đất khu vực đó được nhà nước áp dụng như thế nào… chứ không thể đất vùng ven, cách trung tâm thành phố cả chục cây số, không tiện ích, không có người ở, xung quanh cỏ mọc um tùm…mà đẩy lên mấy chục triệu đồng/m2, quá xa so với giá trị thực thì rất cần sự thận trọng khi đầu tư. Bởi sốt đất đấy nhưng có khi lại chỉ ở miệng “cò”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật