Thế giới tuổi thơ “Trên đôi cánh chuồn chuồn”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đọc những câu chuyện hồn nhiên trong sách “Trên đôi cánh chuồn chuồn“, trẻ sẽ cười vui và người lớn thì ngậm ngùi nhớ tiếc về ngày xưa tươi đẹp của mình.
Thế giới tuổi thơ “Trên đôi cánh chuồn chuồn”
Sách Trên đôi cánh chuồn chuồn. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Zing, nhà văn Trần Đức Tiến từng chia sẻ rằng điều lưu luyến nhất trong ông khi nghĩ về những miền quê là “vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của những khung cảnh xưa cũ đó. Chúng hòa quyện một cách tự nhiên với cá‌i tìn‌h cảm chân chất của người nhà quê”.

Bởi trăn trở ấy, ông viết nhiều tác phẩm về miền quê với những kỷ niệm giản dị, trong trẻo. Sách Trên đôi cánh chuồn chuồn cũng nằm trong dòng chảy chủ đề ấy của nhà văn.

Tập sách gồm những câu chuyện nhỏ được nối kết với nhau bằng mạch nguồn ký ức. Những câu chuyện về cha, mẹ, những người hàng xóm hồn hậu, về những đứa bạn tinh nghịch, cùng nhiều câu chuyện truyền thuyết thú vị được lưu truyền.

Đó là những mảnh ghép thời thơ ấu gian khó nhưng đáng nhớ nơi miền quê nghèo bình yên.

Trong không gian ký ức ấy, cậu bé ngốc nghếch chui vào trong chiếc vò để tìm mẹ (Tìm mẹ trong vò), ông đồ già tận tụy dạy chữ cho trẻ con (Cụ đồ Nhưng), có chuyện cậu học trò bị đỉa cắn trong buổi học đầu tiên (Buổi đến trường đầu tiên), hay cũng có những câu chuyện thú vị về ông vua Thủy Tề (Vua Thủy Tề là con rể làng tớ); chuyện câu cá giếc, chuyện đi ăn cỗ…

Với Trần Đức Tiến, những ký ức ấy cũng giống như báu vật tuổi thơ. Trong truyện ngắn Báu vật tuổi thơ, ông viết về những món đồ rất thường mà thời ấy ông và những người bạn xem là quý giá như cục đất sét, vỏ thuốc đánh răng, mảnh da thuộc, lõi cuộn chỉ bằng gỗ, đồng xu, mẩu nến, lọ mực, cục tẩy, thước kẻ, bút chì, com-pa…

Chiếc hộp của trẻ thơ ấy, Trần Đức Tiến đã mở ra và đem chia sẻ cho rất nhiều đứa trẻ của ngày hôm nay. Với ông, đó cũng là cách để nâng niu tài sản tinh thần vô giá của cuộc đời mình.

Trần Đức Tiến cứ nhẩn nha kể những câu chuyện ngày xưa ấy bằng giọng văn nhẹ nhàng, pha lẫn sự hài hước đáng yêu. Đọc Trên đôi cánh chuồn chuồn, như lắng nghe một đứa trẻ kể chuyện vui tươi, trong sáng, thật thà.

Đây cũng là cái tài của Trần Đức Tiến khi viết cho thiếu nhi. Ông dùng trải nghiệm của mình kết hợp với sự tưởng tượng phong phú để tạo nên một thế giới gần gũi với trẻ thơ bằng giọng điệu của những đứa trẻ. Bởi thế, những câu chuyện của ông cứ tự nhiên hấp dẫn người đọc, đặc biệt là các em nhỏ.

Thế giới trong Trên đôi cánh chuồn chuồn cũng nhiều màu sắc như những chú chuồn chuồn ở miền quê vào mùa hè. Những chú chuồn chuồn bay trong buổi chiều đầy gió từng đem theo nhiều ước mơ của những đứa trẻ nhà quê ấp ủ trên đôi cánh mỏng ấy.

Đọc những câu chu‌yện ấ‌y, trẻ thơ có thể cười vui, người đọc lớn tuổi lại ngậm ngùi nhớ tiếc về ngày xưa tươi đẹp của mình.

Trần Đức Tiến viết: “Năm tháng qua đi, tôi đã đến bao nhiêu vùng đất lạ, đã có bao nhiêu người bạn mới… Nhưng những cánh chuồn chuồn tuổi thơ dường như vẫn mải miết bay”.

Sách Trên đôi cánh chuồn chuồn do NXB Kim Đồng tái bản năm 2020, với phần tranh minh họa của họa sĩ Kim Duẩn.

Nhà văn Trần Đức Tiến sinh ngày 2/5/1953, quê ở làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông sống và làm việc ở Hà Nội từ năm 1970 đến 1986. Cuối 1986, ông chuyển vào sống thành phố biển Vũng Tàu cho đến nay.

Nhà văn Trần Đức Tiến là tác giả của cuốn Xóm Bờ Giậu - tác phẩm đoạt Giải thưởng sách Quốc gia, hạng mục Sách Thiếu nhi năm 2019.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật