Bạch công tử: Từ tay chơi khét tiếng trời Tây đến bi kịch lúc cuối đời

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ một tay chơi khét tiếng nơi trời Tây, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến cuối đời cuộc sống của Bạch công tử lâm vào hoàn cảnh rất bi đát, xót xa.
Bạch công tử: Từ tay chơi khét tiếng trời Tây đến bi kịch lúc cuối đời
Chân dung ông Lê Công Phước - Bạch công tử lúc còn trẻ. Nguồn ảnh: Vietnamnet.

Tên thật của Bạch công tử là Lê Công Phước. Ông sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (thuộc phường 3, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay). Ông là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, cha ông vốn người Bình Định, nhưng được chính quyền thực dân Pháp điều vào làm quận trưởng quận Châu Thành, sau đó làm quận trưởng quận Chợ Gạo.

Có thể nói, cùng với Hắc công tử Trần Trinh Huy - công tử Bạc Liêu thì Bạch công tử - Lê Công Phước luôn được người đời nhắc đến rất nhiều về sau này, đặc biệt là những giai thoại ăn chơi thả ga, tiêu tiền như nước của họ. Tuy nhiên, không như Hắc công tử - Trần Trinh Huy - người được sống trong nhung lụa cho tới khi từ giã cõi đời thì cuộc đời của Bạch công tử lại rất thăng trầm, thậm chí còn rơi vào hoàn cảnh rất bi thảm.

Từ "ông hoàng" nơi trời Tây...

Do được sinh ra trong một gia đình có cha làm đốc phủ, vì thế, ngay từ khi còn nhỏ Lê Công Phước - Bạch công tử đã được sống trong nhung êm lụa ấm và "quý tử Phước" cũng được cha vô cùng thương yêu, chiều chuộng. 

Nhân cơ hội được cử đi dự một hội chợ ở Paris (Pháp) vào năm 1909, Đốc phủ Lê Công Sủng đã đưa Bạch công tử sang Pháp du học mới mong muốn cậu con trai của mình tiếp thu những điều mới mẻ từ văn minh phương Tây, học hành thành tài và giúp làm rạng danh gia đình. Tuy nhiên, chẳng những không thể đáp lại sự mong mỏi của cha - Đốc phủ Lê Công Sủng, Bạch công tử còn khiến ông thêm sầu muộn.

Ngôi nhà của Bạch công tử khi xưa giờ thuộc khuôn viên Trung tâm văn hóa TP.Mỹ Tho (tỉnh Tuền Giang). Nguồn ảnh: Vietnamnet.

Lần đầu được đặt chân đến nước Pháp, đến trời Tây, mọi thứ đều khiến "cậu Phước" cảm thấy rất ngỡ ngàng. Và rồi cuộc sống một mình nơi trời Tây với Lê Công Phước như giống như một chú chim được sổ lồng. Do không có cha kề bên răn đe, nhắc nhở nên suốt ngày "cậu Phước" chẳng lo học hành gì mà chỉ chuyên tâm vào chuyện ăn chơi.

Với tài sản dư thừa từ cha gởi sang, Lê Công Phước tiêu xài không tiếc tay và cũng nhờ thế mà ông nhanh chóng kết thân với những cậm ấm cô chiêu ở Pháp. Thậm chí, tên gọi George Phước cũng xuất phát vào thời điểm này (khoảng những năm 1931 - 1932) khi "cậu Phước" được những cậm ấm cô chiêu ở Pháp tôn sùng như một “ông hoàng” và gọi ông bằng một "nickname" rất Tây như thế.

Olga - một trong những bóng hồng được cho là ngư‌ời tìn‌h của Bạch công tử trong thời gian ông du học ở trời Tây. Nguồn ảnh: Vietnamnet.

Nhiều giai thoại kể lại rằng, dù mang tiếng là sang kinh đô ánh sáng để du học như Lê Công Phước thường ở dài hạn trong những khách sạn thuộc hạng đắt đỏ nhất trung tâm Paris thời bấy giờ. Ngoài việc ăn ở, phong cách thời trang của "cậu Phước" cũng luôn thuộc hàng cao cấp của Pháp. Và thú ăn chơi khét tiếng của Bạch công tử còn được biết đến với những bữa tiệc xa xỉ với nhiều bóng hồng Tây quây quanh tại những hộp đêm nổi tiếng ở Paris cùng các thành phố lớn khác trên đất Pháp.

...Đến cái kết bi kịch cuối đời

Tuy trong thời gian được gọi là du học bên Pháp Bạch công tử có không ít bóng hồng quây quanh, nhưng khi gặp được cô đào Phùng Há (NSND Phùng Há), Bạch công tử "đổ rạp". Được biết trong thời gian sang Pháp du học, Bạch công tử vốn là người đam mê nghệ thuật nên ông đã theo học ngành sân khấu để rồi khi về nước ông lập ra gánh Phước Cương cùng với một người bạn. Khi gặp được người tâm đầu ý hợp như bà Phùng Há, Bạch công tử quyết tâm đầu tư. Ông tách ra khỏi gánh hát Phước Cương để thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và giao cho vợ là bà Phùng Há làm bầu.

Chân dung cô đào Phùng Há (NSND Phùng Há): Nguồn ảnh: Cailuong.net

Với tiềm lực tài chính dồi dào cùng sự dẫn dắt của cô đào Phùng Há, gánh hát Huỳnh Kỳ nhanh chóng nổi tiếng và trở thành gánh hát có quy mô lớn nhất ở vùng Lục tỉnh Nam kỳ thời bấy giờ. Với thành công của gánh hát, cuộc tình của Bạch công tử và cô bảy Phùng Há khá êm ả, mặn nồng cùng sự chào đời của 2 con: cậu con trai tên Paul Lộc và cô con gái tên Suzane.

NSND Phùng Há (ngoài cùng bên phải) được xem là người khiến Bạch công tử "đổ" gục. Ảnh: Giaoduc.net

Thế nhưng cuộc tình cũng chỉ hạnh phúc được 7 năm, Bạch công tử vốn bản tính phong lưu lại quay về với những cờ bạc, rượu chè... không quan tâm gì đến gánh hát nữa. Cô bảy Phùng Há một nách hai con lại một mình quán xuyến cả gánh hát nên Huỳnh Kỳ ngày càng suy sụp. Hai con nhỏ bị bệnh, tiền bạc không còn mà chồng thì mải sống trong chốn phong lưu còn thêm trò "mèo mỡ"... nên bà quyết định ly dị Bạch công tử sau 7 năm chung sống. Hai con sau đó cũng mất vì bệnh, cô bảy Phùng Há mạnh mẽ gượng dậy xây dựng sự nghiệp lại từ đầu và thành công ấn tượng.

Trong khi đó, vốn bản tính rất phóng khoáng, ăn chơi vô độ nên Bạch công tử đã bán hết tài sản mình có được. Gánh hát Huỳnh Ký đổi chủ, Bạch công tử phải bán đất để lấy tiền tiêu xài. Đặc biệt, cách bán đất của Bạch công tử cũng chẳng giống ai thời bấy giờ, chẳng cần đo đạc, ông bán đất theo "mớ" như người ta bán mớ rau mớ cá ngoài chợ.

Với kiểu tiêu tiền không cần suy nghĩ như thế nên chẳng mấy chốc tài sản cả đời dành dụm của cha - Đốc phủ Lê Công Sủng - để lại đã nhanh chóng “đội nón ra đi”. Sau khi những "mớ" đất liên tiếp được sang tay cho người khác thì chẳng mấy chốc Bạch công tử chẳng còn gì trong tay và cũng chẳng còn gì để bán.

Mộ phần của Bạch công tử (thứ hai, từ ngoài vào). Nguồn ảnh: Vietnamnet.

Từ một "ông hoàng" ăn chơi lừng lẫy bên trời Tây thì đến những năm cuối đời Bạch công tử phải sống cô đơn tàn tạ trong một căn nhà trọ. Dẫu vậy, vốn tính tự trọng, ông nhất định không nhờ vả bất cứ ai, ngay cả họ hàng thân thích. Cuối cùng, ông từ giã cõi đời trong vòng tay của một người em nuôi tên Nguyễn Hoàng Phi (là tài xế riêng của ông lúc trước).

Bạch công tử qua đời vào năm 1950 tại quê nhà ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Nhiều giai thoại kể lại rằng, lúc sinh thời ông nổi đình nổi đám bao nhiêu thì khi nhắm mắt xuôi tay lại đìu hiu, u sầu bấy nhiêu. Mộ phần của ông hiện nằm lọt thỏm giữa những rặng dừa bạt ngàn, hiu quạnh - rất đối lập với hình ảnh một người đã từng ăn chơi nổi đình nổi đám khắp trời Tây năm nào. Câu chuyện về ông khến ai nghe qua cũng ngậm ngùi, giá như ông biết dừng lại đúng lúc thì có lẽ cái kết đã không thê thảm đến như thế.                

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật