Khám chữa bệnh từ xa: Nhiều ca bệnh phức tạp được cấp cứu kịp thời

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 24/9, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa.
Khám chữa bệnh từ xa: Nhiều ca bệnh phức tạp được cấp cứu kịp thời
Ông Lương Ngọc Khuê phát biểu tại cuộc hop.

Báo cáo của ngành Y tế cho thấy, hiện nay, cả nước có 1.400 bệnh viện công lập và 275 bệnh viện ngoài công lập, 30 nghìn phòng khám đa khoa, 11.500 trạm y tế xã phường cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh.

Do vậy việc triển khai khám chữa bệnh từ xa giúp các tuyến dưới nhận được các kỹ thuật ở tuyến trên sâu hơn, nhanh hơn, rộng hơn.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, từ ngày 22/6 đến nay, chỉ 45 ngày, chúng ta đã cán đích kết nối Telehealth với một nghìn điểm cầu.

Đây là những nỗ lực rất lớn của các cơ sở y tế tuyến trên trong việc hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, sau 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án Khám chữa bệnh từ xa, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM.

Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sỹ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…..

Nói về hiệu quả triển khai khám chữa bệnh từ xa, TS. Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, về mặt công nghệ, bệnh viện đã hoàn toàn kết nối rất tốt với hàng trăm cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc mong muốn người bệnh có thể tiếp cận trực tiếp bác sỹ thì còn phải chặng đường khá dài.

“Đây là hình thức tương đối mới mẻ. Muốn phát triển bền vững khám, chữa bệnh từ xa phải có nền tảng về pháp lý, công nghệ, tài chính”, TS. Hùng nói.

Còn quan điểm của GS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, BV Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ tiến hành một tuần hai buổi Telehealth (thứ 3 và thứ 5). Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến.

Sau năm tháng triển khai, BV đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối.

Theo GS Lân Hiếu, một trong những khó khăn hiện nay của triển khai Telehealth là việc chi trả bảo hiểm cho các bác sĩ các tuyến như thế nào.

“Hiện nay, Luật Khám, chữa bệnh chưa sửa đổi, chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho việc triển khai ký đơn khám chữa bệnh từ xa như thế nào. Thí dụ vừa qua chúng tôi hội chẩn cho một bệnh nhân người Lào ở bệnh viện 199, nhưng đơn thuốc cho người bệnh vẫn là bác sĩ của bệnh viện 199 ký”, GS Lân Hiếu nói.

Bốn tháng qua, dù đã triển khai hàng trăm ca hội chẩn nhưng bệnh viện chưa có nguồn thu. BHYT chưa có hướng để chi trả.

Đối với bệnh viện Nhi Trung ương, theo PTS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV, bệnh viện đã có quy định bác sỹ trực toàn viện sẽ tiếp nhận và hướng dẫn cho các bạn các tuyến để bảo đảm xử lý tốt nhất.

Hiện nay, bệnh viện đã triển khai Telehealth thường quy với hình thức hội chẩn song phương. “Chúng tôi chưa triển khai hội chẩn đa phương vì còn liên quan bảo mật bệnh nhân, uy tín bác sỹ soạn bệnh án, uy tín của bệnh viện. Sau phiên hội chẩn, chúng tôi có khoảng 15-20 phút mở toàn bộ hệ thống các điểm cầu vào để các chuyên gia trung ương giảng bài trên tình huống cụ thể. Thí dụ như, từ trường hợp một ca bệnh ở Cô Tô về xử lý cơn giật do sốt cao, các chuyên gia cũng đã có 10-15 phút đưa ra kiến thức cập nhật cho các tuyến về xử trí”, PGS. Điển cho hay.

Chiều mai, 25/9, Bộ Y tế tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chỉ đạo tại Lễ khánh thành. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật