Hợp tác thương mại, bình ổn thị trường dịp cuối năm

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Làm gì để nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác thương mại và bình ổn thị trường trong điều kiện dịch bệnh... là những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý hoạt động thương mại các cấp đặc biệt quan tâm.
Hợp tác thương mại, bình ổn thị trường dịp cuối năm
Gian hàng của một doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại TP Hồ Chí Minh.

Với vai trò đầu tàu, trung tâm kết nối thương mại và kết nối cung-cầu hàng hóa với các địa phương trong khu vực và cả nước, TP Hồ Chí Minh đã chủ động kêu gọi hợp tác, tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại, góp phần giữ bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm...

Kết nối, tháo gỡ các "điểm nghẽn"

Do tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, thị trường TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng găm hàng trục lợi nên giá cả một số mặt hàng thiết yếu bị đẩy lên. Trước tình hình đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã liên hệ, kết nối ngay với sở công thương các tỉnh lân cận đề nghị hỗ trợ bằng cách vận động DN điều tiết hàng hóa đến thị trường thành phố. Nhờ vậy, DN các tỉnh giải phóng được hàng, còn người tiêu dùng thì không bị ép giá. Sự liên kết, phối hợp phản ứng nhanh để giải quyết các "điểm nghẽn" thương mại là một trong những nội dung hợp tác cần được phát huy mạnh mẽ để điều tiết thị trường trong dịp cuối năm, ngăn chặn tình trạng găm hàng, đẩy giá. 

Theo các nhà quản lý, để giải quyết những thách thức đã và đang đặt ra, cần tiếp tục đẩy mạnh hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ giữa các đô thị lớn, thị trường trung tâm với các địa phương trên cả nước. Hoạt động liên kết cần tập trung hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu. Doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước cung cấp cho thị trường trung tâm là TP Hồ Chí Minh, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhận định: Cơ quan chủ quản có vai trò rất lớn trong việc kết nối các DN, định hướng nhu cầu thị trường để DN tính toán hợp lý lượng hàng sản xuất, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, việc điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, giữa vùng đô thị với khu vực nông thôn càng đòi hỏi sở công thương các địa phương thực hiện tốt hơn nữa chức năng kết nối cung-cầu để tạo thuận lợi cho DN. 

 Bà Châu Kim Yến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho rằng, chúng ta đã có những mặt hàng xuất khẩu ra thế giới, rất được khách quốc tế ưa chuộng, nhưng ở thị trường nội địa, ngay cả thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, nhiều mặt hàng vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, việc tham gia kết nối cung-cầu ở thị trường nội địa chính là cơ hội để DN giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Ngành công thương các tỉnh, thành phố với vai trò "bà đỡ" cho DN sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi để DN quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại phục vụ người tiêu dùng trong cả nước.

Phối hợp đồng bộ, hợp tác chuyên sâu

Theo đánh giá của giới chuyên môn, từ nay đến cuối năm, thị trường hàng hóa sẽ có nhiều biến động. Các mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, mặt bằng giá cả có xu hướng nhích dần lên. Bình ổn thị trường hàng hóa và giữ giá cả ổn định là một đòi hỏi bức thiết trong tình hình khó khăn hiện nay. Thông tin từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, thành phố đã chủ động chuẩn bị tốt các phương án dự trữ nguồn hàng, phối hợp với các địa phương để khi cần là được hỗ trợ ngay lập tức, có thể xuất hàng, chuyển đến trong mọi thời điểm, hoàn cảnh. Sở công thương các tỉnh, thành phố cần triển khai kế hoạch cụ thể tới các DN, nhà sản xuất, nhà phân phối để chuẩn bị nguồn hàng theo khả năng, chung tay bình ổn thị trường.

Đồng Nai là địa phương chủ lực cung ứng nguồn hàng thực phẩm, chủ công là thịt gia súc, gia cầm... cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Bà Trương Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, cho biết: Ngành công thương của hai địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp điều tiết hàng hóa, đưa những mặt hàng chủ công của Đồng Nai lên thị trường TP Hồ Chí Minh, xây dựng các kịch bản chuyển động của thị trường để có phương án huy động cộng đồng DN tham gia cung ứng hàng hóa kịp thời, hiệu quả.

Để bình ổn thị trường thì vai trò của DN lớn hết sức quan trọng. Việc trao đổi thông tin giữa ngành công thương của các tỉnh, thành phố cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, chú trọng cập nhật thị trường, nhất là các đợt cao điểm, dịp Tết. Các trang trại hoạt động theo chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm và hệ thống siêu thị, chợ đầu mối... chính là các trung tâm giữ vai trò điều tiết, bình ổn thị trường. Sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nghiệp, nhà cung ứng hàng hóa "đầu đàn" ở các địa phương trong vùng vừa tạo động lực thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa là yếu tố bảo đảm cân bằng cung-cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.

Nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, bình ổn thị trường, từ ngày 24 đến 27-9-2020, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Chương trình kết nối cung-cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố. Hoạt động này thu hút hơn 500 DN tham gia, trưng bày gần 500 gian hàng đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh và các địa phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật