Ứng dụng công nghệ cao để Nông nghiệp Yên Bái vươn xa

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất, chất lượng, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Yên Bái trên thị trường...
Ứng dụng công nghệ cao để Nông nghiệp Yên Bái vươn xa
Ông Đinh Đăng Luận - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Trong buổi chiều nay (23/9), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19, Đại hội đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Ông Đinh Đăng Luận - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tham gia vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng với chủ đề “Giải pháp phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong điều kiện tỉnh Yên Bái”.

Đánh giá về Nông nghiệp Yên Bái trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế..., nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

“Tốc độ tăng trưởng đạt và duy trì ở mức khá, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,13%/năm; cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 23,63% trong cơ cấu GRDP của tỉnh”. Ông Luận nhấn mạnh.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực.

Gồm: Lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thuỷ sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm (chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh)…

Cùng với việc phát triển 10 nhóm sản phẩm chủ lực, tỉnh cũng ưu tiên phát triển 10 sản phẩm đặc sản: lúa nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra, chè Shan hữu cơ, gà đen đặc sản vùng cao, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, cây dược liệu theo tiêu chuẩn "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. 

“Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về những điều kiện sẵn có của địa phương, tỉnh Yên Bái đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được kết quả khả quan. Tiêu biểu là Dự án chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao có vốn đầu tư 78,6 triệu USD (tương đương hơn 1.700 tỷ đồng) tại huyện Văn Chấn của Tập đoàn Nippon Zoki, Nhật Bản. Một số mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, trồng rau thủy canh; ghép cải tạo và áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt, phun mưa đối với rau, chè, cam, quýt, bưởi... ; mô hình cải tạo đàn trâu, bò, lợn bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo; nuôi cá lồng thâm canh trên hồ Thác Bà; sản xuất quế hữu cơ và công nghệ chế biến gỗ thành phẩm, chế biến tinh dầu quế.... đã được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

Từ những kết quả trên có thể khẳng định, các chủ trương, chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã thúc đẩy sản xuất phát triển gia tăng về quy mô, số lượng các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên huyện, liên xã... đảm bảo tính bền vững” ông Luận cho biết.

Nói về mục tiêu sắp tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, kỹ thuật cho phát triển sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để trình diễn, nhân rộng; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng, phát triển trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

Thu hút các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ kết hợp với các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh như: Hồ Thác Bà, Đầm Vân Hội, Nậm Khắt, Khau Phạ, La Pán Tẩn, Tú Lệ, Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Đông Cuông,…; hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ.

Đồng thời, ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái cũng đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa sự phát triển của Nông nghiệp trong tỉnh.

Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn OCOP để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm hàng hoá để phục vụ xuất khẩu gồm: Chè, quế, măng tre Bát độ, tinh bột sắn, gỗ rừng trồng.... và các sản phẩm tiêu dùng nội địa như: Gạo nếp Tú Lệ, rau, dâu tằm, sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản hồ Thác Bà... đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch.

Ứng dụng công nghệ cao để Nông nghiệp Yên Bái vươn xa

Tiếp đến là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản hàng hóa nguyên liệu theo quy trình, tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Việt Nam (VietGAP), quốc tế (GlobalGAP), gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể; đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở sơ chế, chế biến. Hướng dẫn, khuyến khích mở rộng diện tích rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC), phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ rừng bền vững.

Tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, hệ thống thuỷ lợi đồng bộ, hiện đại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, trong đó, đầu tư, hỗ trợ hình thành các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; đường giao thông trục chính nội đồng; hệ thống tưới, tiêu nước, xử lý môi trường, tưới tiết kiệm nước.

Cùng cùng đó là ưu tiên triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trước mắt tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi lợn, gia cầm, chế biến gỗ, nuôi thuỷ sản hồ Thác Bà; sản xuất giống cây, con, trong đó nghiên cứu ứng dụng loại công nghệ phù hợp, phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối vùng để gắn kết sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm.S

Sau cùng là hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản có khối lượng hàng hóa lớn. Hỗ trợ các trang trại, Hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết hộ sản xuất với các doanh nghiệp, các cửa hàng, siêu thị để cung ứng các dịch vụ đầu vào cho sản xuất, hoặc tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trước hết phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi Pháp Luật về nông nghiệp hữu cơ: Căn cứ vào vào lợi thế và điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực của các địa phương để xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất. Xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ kết hợp với du lịch; quản lý giống, vật tư và các quy trình sản xuất cho cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ.

Tiếp nữa là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ: Xây dựng cơ chế chính sách mới, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2020-2030.

Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ: Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; nhân rộng các mô hình theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản.

Đẩy mạnh ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo dựng thị trường cho sản phẩm hữu cơ, đảm bảo giá bán hợp lý để động viên người sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật