Phó Đức Phương: Người vẽ quê bằng nhạc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày từ lúc rất nhỏ, tôi đã được đắm chìm trong những giai điệu mượt mà của bài hát Những cô gái quan họ, Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Rồi vô vàn những bài hát nữa như: Chảy đi sông ơi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Trên đỉnh Phù Vân cứ mải miết dẫn dụ người nghe đi vào một cõi thơ nhạc...
Phó Đức Phương: Người vẽ quê bằng nhạc
Phó Đức Phương: Người vẽ quê bằng nhạc.

Xem Video: Nhạc sĩ Phó Đức Phương trọn tâm huyết với "Trên đình Phù Vân"

Trong bài hát nào của Phó Đức Phương người nghe cũng thấy bóng dáng của một miền quê, một ngôi làng, một cánh đồng, một dòng sông, đỉnh núi nào đó. Nhưng đây vẫn chưa phải tất cả những gì tinh túy mà người nhạc sĩ này đãi người nghe. 

Sau 18 năm vắng bóng trên nhạc đàn để làm công việc bảo vệ quyền tác giả, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trình làng những ca khúc đau đáu hơn nhiều về quê hương Tổ quốc,  thể hiện trách nhiệm với dân tộc và ông được ví như con tằm đang "rút lòng nhả kén sợi" dệt những ca khúc phục vụ tận cùng cho những người nghe và yêu âm nhạc.

Dẫn khách thăm các miền quê

Bước vào căn nhà trong ngõ 282 phố Âu Cơ (Hà Nội) của nhạc sĩ Phó Đức Phương, tôi thấy ấm áp, ngay từ cảm nhận đầu tiên. Ông nói: "Cậu đợi tí, tớ tưới mấy cái cây, xong ta vào việc". Nhìn những động tác khoan thai của nhạc sĩ thì không nghĩ ông đã 76 tuổi. Pha ấm trà rót mời tôi một chén, ông thủng thẳng nói: "Cậu có cái gì mới cần hỏi không chứ? Cứ nói chuyện cũ của những năm qua thì bạn đọc người ta "phê bình" chết". 

Nhưng câu chuyện của tôi với ông vẫn lạc vào chuyện cũ. Ông chân tình chia sẻ: "Đa số các bài hát tôi viết đều nằm trong chương trình, kế hoạch cả, có nghĩa đều được đặt hàng. Vì tôi thích sự rõ ràng, phải có thời gian cho bản thân mình để hoàn thành tác phẩm.

Nhưng khi viết thì tôi lại say sưa, viết ngày, viết đêm, như sống trong tác phẩm. Như bài Về quê, là đơn đặt hàng của đoàn dân ca quan họ, nhưng khi tôi bắt đầu viết câu đầu tiên: "Theo anh em tìm về, thăm lại vùng quê..." là cảm xúc của tôi dâng trào, nước mắt ướt hết cả phím đàn". Bài Về quê bình thường chỉ sống trong chương trình hội diễn, nhưng nó có duyên như một bài dân ca quan họ mới, độc lập sống suốt tới tận bây giờ".

Tôi hỏi nhạc sĩ, có căn cớ nào mà ông sử dụng chất liệu dân ca quan họ mượt vậy trong tác phẩm của mình? Ông lại cười: Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng quê nội tôi lại ở Văn Giang, Hưng Yên, quê ngoại tôi ở Thuận Thành, Bắc Ninh, nên từ nhỏ tôi đã ở quê ngoại rất nhiều. Có nhiều thứ cứ tự nhiên ngấm vào người tôi, và khi kết hợp với sáng tạo nghệ thuật, thì các lớp lang văn hóa đó bật ra, như là một lẽ đương nhiên. Đó là những gì mà tôi đã thể hiện bằng chính kết quả lao động nghệ thuật của mình.

Có quan tâm tới phong cách âm nhạc của Phó Đức Phương, chẳng cần tinh ý, người ta cũng thấy được chỉ với những nốt nhạc và ngôn từ đầy tính hội họa của mình, người nhạc sĩ tài hoa này đã làm cho những bức tranh về các vùng quê sáng bừng lên một cách tự nhiên và thanh thoát: Như ca khúc Huyền thoại hồ Núi Cốc, đã làm cho vùng Núi Cốc, Sông Công ở Thái Nguyên như được bung nở những huyền tích, cảm giác từng con sóng lăn tăn, như những hơi thở của yêu đương, dệt thành mặt hồ Núi Cốc. Và tất nhiên từ bài hát, hồ Núi Cốc đã vượt rất xa khỏi mảnh đất Thái Nguyên. Hay bài hát Hồ trên núi chỉ là một đơn đặt hàng để tạo điểm nhấn cho một bộ phim tài liệu, nếu đơn thuần thì có lẽ là một sự khô khan đến cơ học. Nhưng năm 1972, khi Phó Đức Phương lên hồ Cấm Sơn ở Lục Ngạn, Bắc Giang, thì những giai điệu đẹp đến mê lòng được nổi lên. "Núi ơi núi, thuyền ơi thuyền, mây ơi mây, nước ơi nước...". Cũng từ những giai điệu trong bài hát Hồ trên núi mà nhiều người đã tìm về Cấm Sơn để khỏa lòng trong mặt nước hồ, nơi thâm sơn cùng cốc một thuở này đã được đánh thức. 

Đến ngay cả đề tài khó, mà giới nhạc thường cho là vùng cấm là vấn đề tu hành, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn làm cho người nghe chạm tới với Trên đỉnh Phù Vân viết về vùng núi Yên Tử của Quảng Ninh, nơi được coi là kinh đô của đạo Phật nước ta. Cái tài của Phó Đức Phương là ông đã dùng âm nhạc để phủ lên những vùng đất, những con người bằng một tình yêu rất riêng, rất nhuần nhụy, mà thắm đượm chất chữ tình. Và tất cả đã thảo lên âm nhạc của Phó Đức Phương một sự lấp lánh, tạo ra những khúc ánh xạ cứ đi vào lòng người một cách rất tự nhiên, như một bản năng của yêu đương và được dẫn dắt bởi âm nhạc vừa mộc mạc trữ tình, mà triết lí sâu xa đến lạ lùng khó tả.

Hết một buổi sáng mùa đông, tôi và người nhạc sĩ lớn tuổi ngồi trao đổi với nhau trong không gian vô cùng ấm cúng. Ông chân tình nói nửa đùa nửa thật: "Nhiều tỉnh thành đặt tôi làm ca khúc lắm, nếu tôi nhận lời cả hay đủ sức làm hết được, thì có lẽ góp được thêm nhiều tỉnh ca ra đời rồi". Còn tôi thì thấy không ngoa chút nào, Phó Đức Phương là một "bà đỡ mát tay" cho những vùng quê, vùng đất, được bừng sáng hơn, trong trẻo hơn và quấn quýt hơn, như tình yêu, khi cuồn cuộn, khi tí tách, khi mềm mượt,  lúc lại hừng hực sục sôi dâng trào. Như từng hơi thở, từng bước chân và từng tích tắc nơi tư duy, trong âm nhạc của người nhạc sĩ được sinh ra ở giữa phố, nhưng lúc nào cũng gửi hồn về quê này.

18 năm trở lại

Trở lại 18 năm trước, lúc đó Phó Đức Phương đang ở độ chín trong sáng tác, nhưng ông lại vắng bóng trên nhạc đàn, để lại một sự hụt hẫng không hề nhẹ đối với những người yêu nhạc Phó Đức Phương. Nhạc sĩ đã cởi lòng và phân trần về quãng thời gian vắng bóng đó. "Tôi làm nhiệm vụ bảo vệ tác quyền âm nhạc, thực ra làm làm việc đi đòi quyền lợi cho những nhạc sĩ mà thôi, vì không ở đâu, người ta lại quên quyền lợi của những nhạc sĩ như ở nước ta cả. Tôi là người làm gì cũng vô cùng toàn tâm và quyết liệt, đầu óc tôi không thể phân chia làm mấy ngăn, vừa sáng tác vừa làm công tác bảo vệ quyền tác giả được, chính vì thế tôi đã tạm gác công việc sáng tác lại. Nhưng bây giờ tôi đã chuyển giao công việc 18 năm qua cho thế hệ sau rồi, nên lại được trở về với chính mình là sáng tác vậy", ông chia sẻ.

Vậy trong hơn một năm trở lại đây, Phó Đức Phương đã trình làng những ca khúc nào? Theo phong cách của chính mình, như một sự dồn nén năng lượng trong âm nhạc, trong một thời gian dài, thì nay rất nhanh Phó Đức Phương đã trong ra đời một loạt ca khúc như: Hoa Lư đại trận tập, Mênh mang một khúc sông Hồng, Có phải đây Tam Trúc và trong dịp tết này sẽ là bài Mùa xuân đoàn tụ. Trong một buổi sáng mở lòng, Phó Đức Phương đã "đãi" tôi cả 4 ca khúc nóng hổi này.

Dường như ta thấy được một Phó Đức Phương kết tinh, phong trần và cũng thức tỉnh hơn trong âm nhạc. Tất nhiên nền tảng, chất liệu trữ tình vẫn đầy ăm ắp trong âm nhạc của ông. Phó Đức Phương chia sẻ: "Ai cũng có quỹ thời gian hữu hạn của đời mình, và tôi nghĩ người nhạc sĩ không bao giờ có thể quên được trách nhiệm công dân của mình đối với đất nước. Tại sao tôi viết Hoa Lư đại trận tập, Mêng mang một khúc sông Hồng, và sắp tới sẽ là viết về Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo?

Đó là những ấp ủ của tôi, trước tình hình đất nước, dưới góc nhìn của âm nhạc, cũng luôn nhắc nhở mọi người phải cảnh giác với bất cứ điều gì xâm phạm bờ cõi đất nước ta. Quê hương chỉ đẹp, chỉ giàu, chỉ nên thơ, chỉ trữ tình khi không bao giờ có bóng giặc thù xâm phạm. Chính vì vậy âm nhạc không bao giờ được tách ra khỏi hơi thở của thời đại, hơi thở của nhân dân, hơi thở của triết lí sống.

Có như vậy âm nhạc mới đi vào lòng người, vào đời sống nhân dân. Cho dù người nhạc sĩ có đi xa thì những bài hát đó vẫn còn mãi trong lòng nhân dân, như những gì âm nhạc đã làm được.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật