Bóng đá nữ Việt Nam: Khi niềm vui qua mau

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 20/10 năm nay, các tuyển thủ nữ Việt Nam có niềm vui không nhỏ, cả về tinh thần và vật chất. Nhưng ngay cả có sự quan tâm nhiều hơn so với trước, nhưng tương lai của bóng đá nữ nước nhà vẫn là một dấu hỏi lớn.
Bóng đá nữ Việt Nam: Khi niềm vui qua mau
Các tuyển thủ nữ Việt Nam xứng đáng nhận được sự ngợi ca

Có thể nói, bóng đá nữ Việt Nam dù để lại nỗi buồn khi tuột vé tham dự World Cup trước người Thái, nhưng cũng đã “gỡ gạc” hình ảnh khi lập kỳ tích tại Asiad 17. Lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã vào đến bán kết Á vận hội. Đặc biệt, đội tuyển nữ đã đòi lại món nợ từ người Thái.

Trong bài phát biểu tại lễ vinh danh mới đây, HLV Mai Đức Chung nhấn mạnh: “Mặc dù đội tuyển nữ Việt Nam đã để tuột tấm vé dự vòng loại World Cup về tay Thái Lan nhưng tại Asiad 17 lần này, với ý chí của người phụ nữ Việt Nam, các cầu thủ đã đòi được món nợ với người Thái khi thắng lại 2-1 để lọt vào bán kết châu Á”.

Thành tích vào đến bán kết của bóng đá nữ làm nức lòng người hâm mộ nước nhà. Đến nỗi, VFF cũng đã thưởng nóng tới hơn 1 tỷ cho thầy trò HLV Mai Đức Chung, trong khi dù bóng đá nam cũng lập cột mốc lịch sử tại Asiad nhưng chẳng có gì. Chưa hết, sau khi về nước, UBND TP Hà Nội thưởng 1 tỷ đồng cho thầy trò HLV Mai Đức Chung. Toàn bộ số tiền trên, đã được các thành viên đội nữ chia hết ngay sau khi về nước.

Như vậy, cầu thủ xếp loại A sẽ nhận mức thưởng lớn nhất là 90 triệu đồng, mức thấp nhất là 40 triệu đồng. Đây là số tiền chẳng là gì với bóng đá nam, nhưng với các cô gái xuất thân từ vùng quê nghèo khó như bóng đá nữ, lại không được quan tâm đúng mức bao năm qua, vài chục triệu đồng là một gia tài.

Thủ môn Kiều Trinh ngoài mức tiền thưởng được chia, còn được VFF thưởng riêng 20 triệu đồng, là cầu thủ có mức thưởng cao nhất đội tuyển nữ. Trinh cho biết, cô sẽ biếu cho bố mẹ và chỉ giữ lại một phần để lo chuyện cá nhân.

Nhiều cầu thủ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã cảm thấy nhiều niềm vui trong ngày 20/10 năm nay khi có tiền giúp đỡ gia đình. Với họ, dù công sức chưa được đèn đáp xứng đáng, nhưng những phần thưởng vật chất như tại Asiad 17, thực sự có ý nghĩa.

Vui là thế, nhưng với bóng đá nữ nói chung, vẫn là một câu chuyện nói mãi, nói hoài.

Bao năm qua, trong khi bóng đá nam Việt Nam luôn được ưu ái, được đầu tư nhưng chỉ có được duy nhất một chức vô địch AFF Cup 2008. Trong khi đó, đội nữ Việt Nam dù không nhận được nhiều sự quan tâm đã hai lần vô địch Giải bóng đá nữ Đông Nam Á, bốn lần lên ngôi ở SEA Games và mới nhất là thành tích lịch sử lọt vào bán kết Asiad. Những kết quả đó đã khẳng định rằng, bóng đá nữ luôn đi tiên phong trên các mặt trận. Còn hình ảnh của các cô gái đá bóng, cũng đẹp không kém. Sự kiên cường, quả cảm của họ, báo chí và dư luận đã nói tới nhiều.

Nhưng khi niềm vui vừa qua mau, phía trước bóng đá nữ sẽ có nguy cơ bị lãng quên. Chúng ta mất vé tham dự World Cup, rồi kết thúc sân chơi lớn nhất châu lục là Asiad. Mục tiêu gần nhất là SEA Games cũng chẳng còn, bởi năm tới nước chủ nhà Singapore không tổ chức môn bóng đá nữ.

Như vậy, các tuyển thủ nữ sau khi trở về từ Asiad, sẽ còn giải tán… dài dài và chỉ tập trung trở lại vào tháng 4 năm sau.

Đáng buồn hơn khi nền tảng phát triển bóng đá nữ nước nhà, chỉ là giải VĐQG với 6 đội tham dự (thực chất chỉ là 5 vì có 2 đội Hà Nội), thi đấu vỏn vẹn 10 vòng. Ở cái giải đấu ấy, ngay cả VFF cũng gặp khó trong việc tìm kiếm nhà tài trợ, chứ mong gì các nữ cầu thủ của chúng ta có tiền thưởng, chuyển nhượng như bóng đá nam.

Hãy cứ nhìn tấm gương Thái Lan. Trong một thời gian dài họ luôn đứng sau nữ Việt Nam tại các kỳ SEA Games, nhưng giờ đã tham dự cả World Cup. Nền tảng của bóng đá Thái Lan là sự phát triển vững mạnh ở bóng đá học đường và đầu tư nghiêm túc, các cầu thủ có thể sống khỏe với nghề.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật