Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS chính là “đứa con quái thai” mà chính sách can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây vô tình tạo nên trong cuộc chiến thâu tóm quyền lực tại Trung Đông, mở đầu bằng cuộc chiến năm 2003 tại Iraq.
IS lớn mạnh là nhờ vào phương Tây
Phương Tây muốn chi phối thế giới dầu mỏ, đảm bảo hàng triệu tấn “vàng đen” hằng năm phải đổ về nước mình. Washington và đồng minh đã “đầu tư” cho các vương triều Hồi giáo như Ả Rập Saudi, Bahrain, Qatar và Kuwait.
Chẳng rõ phương Tây đã bị qua mặt hay cố tình làm lơ, những đối tác vùng vịnh thân thiết của họ suốt nhiều năm qua lại chính là xuất phát điểm của các khoản tài trợ khổng lồ cho khủng bố, trong đó có cả lực lượng tiền thân của IS và tổ chức “thân sinh” ra chúng là Al-Qaeda.
Một cuộn khói khác thấy từ ngôi làng tỉnh Sanliurfa biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7-10 (ảnh: AFP)
Vương quốc Ả Rập Saudi thậm chí cũng áp dụng những luật lệ Hồi giáo hà khắc, chỉ thua mỗi thứ luật lệ cổ đại của Al-Qaeda và IS. Thế nhưng họ vẫn luôn là đối tác tin cẩn của phương Tây tại khu vực.
Còn theo lời xác nhận đầy phẫn nộ của những cộng đồng người Kurd ở vùng biên giới phía Bắc Syria, những đoàn xe buôn lậu vũ khí trang thiết bị vẫn thản nhiên “tiếp tế” cho IS ngay trước con mắt thờ ơ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên của tổ chức NATO do Mỹ đứng đầu.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từng cương quyết án binh bất động đứng nhìn cuộc chiến với IS tại Syria tiếp diễn đến khi nào chính phủ hiện tại của Syria bị lật đổ, bất chấp kẻ thắng cuộc là ai. Họ chẳng sợ gì, vì sau lưng họ là cả một NATO hùng mạnh. Sẽ không quá nếu nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm giữ sinh mạng của cả một dân tộc Kurd làm con tin để mặc cả đòi phương Tây mang bộ binh tham chiến.
Dẹp toan tính chính trị để chống lại “quỷ dữ”
Thế nhưng, “căn bệnh” IS và thứ tư tưởng tàn ác đến tột cùng của chúng buộc phương Tây phải tạm gác các toan tính chính trị của mình sang một bên và thay đổi tư duy về đồng minh của mình trong khu vực.
Bất chấp những đối đầu căng thẳng xoay quanh vấn đề Ukraine, Mỹ mới đây đã phải “chìa cành ô liu” hòa giải với Nga để cùng hợp tác tình báo chống lại IS. Cũng chính Mỹ đã đề xuất Liên Hiệp Quốc ra quyết định tăng cường giám sát, thắt chặc và cắt đứt các nguồn tài trợ khủng bố cho IS, mà chủ yếu đến từ các quốc gia dầu mỏ vùng vịnh giàu có.
Mỹ và phương Tây gần đây cũng không ngừng gia tăng sức ép và nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ động binh đẩy lùi lượng lượng IS. Họ không muốn Kobani thất thủ, vì một khi cuộc “tắm máu” người Kurd của IS bắt đầu, cũng là lúc mà chiến lược của Mỹ thất bại toàn diện, và máu cũng sẽ vấy len chính bàn tay của người Mỹ.
Cảnh sát dùng lựu đạn khói giải tán biểu tình ở Istanbul chống lại các đợt tấn công nổi dậy của IS tại thành phố Kobani trong khi chính phủ Thổ Nhĩ kì chẳng có động thái gì. (ảnh: AFP)
Muộn còn hơn không, cuối cùng thì những đợt không kích của liên quân chống IS đã được triển khai xung quanh Kobani, hỗ trợ quân đội quả cảm người Kurd đẩy lùi những đợt tấn công ồ ạt của IS.
Tuy nhiên, muốn ngăn cản viễn cảnh IS lại hành quân chiếm lấy thành phố Kobani, và xa hơn nữa là toàn vùng Syria và Iraq, Mỹ đồng minh cần dẹp bỏ thứ “tiêu chuẩn kép” mà họ đặt ra trong cách hành xử với những thiết chế tại Trung Đông, tiêu diệt khủng bố đến tận gốc rễ.
Còn không, Mỹ sẽ lại tiếp tục “nuôi ong tay áo”, chính sách của họ sẽ lại tạo điều kiện cho những tổ chức khủng bố lớn mạnh vượt ngoiaf tầm kiểm soát. Để rồi một ngày, Mỹ sẽ phải đối mặt với một IS phiên bản mới do mình vô tình tạo ra. Giống như một khuyết danh từng nói: “Ta đã gặp kẻ thù, và kẻ đó chính là ta”.