Nợ xấu cản trở kinh tế phục hồi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm qua (27.9) tại Ninh Bình.
Nợ xấu cản trở kinh tế phục hồi
Ảnh minh họa

Trước lo ngại của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân về nợ xấu của các tổ chức tín dụng có dấu hiệu gia tăng, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói: “Việc xử lý nợ xấu cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính”. Xử lý nợ xấu bằng mô hình Công ty quản lý tài sản (VAMC), theo ông Doanh thực chất đã không khai thông được vấn đề này. “Không có tiền tươi thóc thật, chưa có quy chế bán lại nợ xấu, "cục máu đông" nợ xấu vẫn cản trở quá trình lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế”, ông Doanh nói.

Nợ xấu tiếp tục phát sinh

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, nói rằng mặc dù đến nay toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 184.000 tỉ đồng nợ xấu, nhưng nợ xấu lại tiếp tục phát sinh, do nợ “dây chuyền” của doanh nghiệp (DN) tác động lây lan và việc cơ cấu lại nợ trong năm 2013 chỉ mang ý nghĩa tình thế, trong khi đó những DN vướng nợ chưa có khả năng phục hồi. Ông cho rằng, hoạt động của VAMC còn một số hạn chế cần khắc phục như cơ chế, nguồn lực để mua bán dứt điểm nợ, bán nợ xấu ra thị trường, cơ chế phát mãi tài sản, cơ chế để “chứng khoán hóa” nợ... Theo ông Lịch, xử lý nợ xấu hiện khó khăn do kinh tế trì trệ. Trong khi đó, khuôn khổ, trình tự pháp lý xử lý tài sản, tố tụng... phức tạp, thiếu cơ sở cho xử lý nợ xấu.

Cũng theo ông Trần Du Lịch, việc xử lý nợ xấu nếu càng kéo dài thì càng tăng lên và sẽ là trở lực chính đối với quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế; đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại. Để “cục máu đông” này không phình to, chuyên gia này cho rằng cần tăng vốn điều lệ cho VAMC. “Một tổ chức mua bán nợ không thể chỉ dựa vào cơ chế, mà trước hết phải có năng lực tài chính khả dĩ để mua nợ. Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ”, ông Lịch nói.

“Quẩn quanh với cây ấy, con ấy...”

Theo TS Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế VN, tái cơ cấu nền kinh tế tuy có bước tiến nhưng rất chậm. “Nhìn toàn cục, nền công nghiệp của ta vẫn ở đẳng cấp rất thấp, nặng về khai thác tài nguyên. Còn nông nghiệp, tuy có chuyển dịch nhưng theo kiểu đèn cù, vẫn là một nền nông nghiệp lạc hậu, quẩn quanh với những cây ấy, con ấy... mà không bứt phá được”. Theo ông Thiên, cơ chế, chính sách tỷ giá hiện nay vẫn chỉ khuyến khích các hoạt động lắp ráp, nhập khẩu, có tính đầu cơ cao, không khuyến khích sản xuất. Quá trình tái cơ cấu đầu tư công, theo ông Thiên, vẫn chưa đụng đến cốt lõi của cơ chế vận hành, vẫn duy trì tình trạng đầu tư công dàn trải, phân tán, duy trì cơ chế xin - cho, chủ quản...

TS Nguyễn Đình Cung, viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng: "Những cải cách trước đây, chỉ cần nhà nước mở ra là đủ nhưng bây giờ là giai đoạn nhà nước phải thay đổi cơ cấu tổ chức, năng lực. Cái khó là ở đó. Nếu nhà nước cứ giữ thế này, thị trường méo mó thêm, làm mất cân bằng phân bổ nguồn lực”.

Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Võ Đại Lược: “Nếu vẫn tái cơ cấu nền kinh tế trên tư duy như cũ thì không thay đổi được, vì tái cơ cấu là làm cái mới nhưng chúng ta lại không có quan điểm mới để xử lý. Kinh tế hiện nay đối diện cạnh tranh rất mạnh nên quan điểm, tư duy ít nhất phải bằng người ta chứ lại nghĩ khác thời đại, khác người ta thì làm sao cạnh tranh được”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật