Khổ sở vì chồng “đo lọ muối, đếm củ dưa”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Học gần hết năm thứ 3 đại học thì tôi quen anh qua sinh nhật của một bạn gái học cùng khóa. Lúc đó anh đã là kỹ sư của một công ty máy tính và có nhà riêng ở thành phố.
Khổ sở vì chồng “đo lọ muối, đếm củ dưa”
Ảnh minh họa

Lần nào hẹn hò, gặp gỡ anh cũng làm tôi choáng ngợp bởi phong thái đĩnh đạc, ăn nói đúng mực, cử chỉ đàng hoàng không chê vào đâu được.

Tôi thầm cảm ơn ông Trời đã ban cho tôi một bờ vai vững vàng để tôi yên tâm nương tựa. Với tôi, cô sinh viên xuất thân từ quê nghèo, thì những món quà của anh tặng nhân ngày lễ, sinh nhật đều được tôi trân trọng giữ gìn.

Đó chỉ là chiếc khăn quàng cổ, cái cặp tóc hay đơn giản hơn là cái đèn bàn để trên bàn học… tôi rất quý trọng những món quà đó nhưng bọn bạn cùng phòng ký túc với tôi lại thì thầm nhỏ to rằng người yêu tôi “ăn quả keo” nên quà tặng chẳng giá trị gì cả.

Tôi thì nghĩ chắc do anh có tính tiết kiệm, vả lại quà tặng mang tính chất tinh thần chứ có phải tình cảm đo bằng vật chất đâu nên tôi chẳng hề mảy may bận tâm đến những lời nhận xét ấy của bạn bè.

Tốt nghiệp ra trường, tôi may mắn nhận được việc làm ở thành phố. Đến lúc ổn định, chúng tôi bàn đến việc tổ chức đám cưới.

Hôm lên danh sách khách mời, anh hỏi tôi cặn kẽ rằng bạn bè tôi đứa nào đã đi làm, đứa nào chưa?

Tôi thắc mắc thì anh thẳng thắn “mời mấy đứa có việc làm, chúng nó mới có tiền mà mừng cưới, chứ mấy đứa thất nghiệp, nó vác mồm đến ăn không rồi chạy làng thì vỡ nợ à?”

Rồi họ hàng hai bên, anh cũng dò xét, gạt bỏ hầu hết những người quê ở xa hay nghèo túng với lý do “mời người ở quê lên, tiền mừng được một đồng thì mình phải bỏ ra đến 10 đồng lo chỗ ăn chỗ nghỉ cho họ, một tiền gà ba tiền thóc”.

Vì vừa chân ướt chân ráo ra trường, cũng chẳng có của nả gì, cưới xong về ở nhà chồng nên tôi cũng chẳng dám có ý kiến gì về chuyện chi tiêu cho đám cưới, để mình chồng tôi tự quyết định.

Đến khi về sống trong một nhà, tôi mới ngộ ra rằng chồng tôi không phải tiết kiệm mà là quá keo kiệt.

Trước khi cưới, tôi luôn mơ về một kỳ trăng mật ngọt ngào, lãng mạn, vậy mà khi nghe tôi kể về mong muốn này, anh lạnh lùng gạt phắt “ em cứ vẽ chuyện, chẳng trăng sao, mật mỡ gì cả. Tiền ấy đủ để ăn cả nửa năm, lúc nào giầu có rồi muốn trăng muốn sao ở đâu cũng được”.

Cưới xong, toàn bộ tiền mừng chồng tôi tay hòm chìa khóa, cất giữ hết. Khổ nhất là những lần bố mẹ tôi ở quê lên thăm, nếu lần ấy ông bà đùm túm gạo quê, gà vịt hay ít cá biển lên thì bữa cơm ấy chồng tôi còn nói cười mặn mà.

Còn không, anh tỏ thái độ lạnh nhạt, kêu ca, kể lể về khó khăn, về giá cả đắt đỏ, anh phải “bóp mồm bóp miệng” để lo cuộc sống…

Nhiều lần tôi phải giấu chồng, bỏ tiền túi ra mua thức ăn, quà cáp rồi nói là của bố mẹ tôi mang lên để đỡ phải nghe chồng ca thán.

Ngày nghỉ anh đi cùng tôi ra chợ, tôi muốn mua món gì anh cũng bắt đi hỏi giá so sánh hết hàng nọ đến hàng kia, mỏi chân, khản cổ anh mới cho mua.

Xong buổi chợ theo ý anh, tôi mệt muốn xỉu. Chủ nhật vừa rồi anh lại cùng tôi đi chợ. Ở góc chợ có bà cụ ngồi bên gánh rau muống còn đầy vun, thấy tôi bà xởi lởi mời mua mở hàng giúp bà.

Thấy bà cũng vất vả lam lũ như bà ngoại mình ở quê, nên mặc dù đã có rau ăn cả ngày, tôi vẫn vui vẻ mua cho bà một mớ rau giá 4.000 đồng.

Tôi đưa cho bà cụ tờ 5.000, cụ bảo cụ không có 1.000 đồng trả lại, tôi nghĩ số tiền chẳng đáng bao nhiêu nên biếu cụ luôn.

Vậy mà chồng tôi mặt hầm hầm chẳng nói câu nào suốt chặng đường về. Rồi vừa mở được khóa cửa vào nhà, anh nói như hắt nước vào mặt tôi “cô nhiều tiền quá nhỉ, nay biếu 1.000 đồng, mai là 10.000 đồng à. Cô thương người thì ai thương cô. Sống không biết tiết kiệm, mai kia cháo loãng đổ vào mồm cũng không có mà ăn đâu”.

Tôi choáng váng vì cách cư xử ấy của chồng mình. Bờ vai vững chãi mà tôi tưởng mình đã tìm được để nương tựa cả cuộc đời đã lung lay từ rất lâu rồi. Có lẽ tôi phải rời xa con người có tính cách không thể chấp nhận nổi này thôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật