Hội nghị lớn nhất trong lịch sử về biến đổi khí hậu sắp khai mạc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
LHQ cho biết, trong vòng 15 năm tới, nếu chậm trễ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cả thế giới sẽ phải đối mặt với thảm họa khôn lường.
Hội nghị lớn nhất trong lịch sử về biến đổi khí hậu sắp khai mạc
Logo của Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc 2014 (Ảnh LHQ)

Hội nghị chống biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York (Mỹ) vào ngày 23/9 tới sẽ có 120 nguyên thủ quốc gia tham dự, trở thành hội nghị lớn nhất trong lịch sử về biến đổi khí hậu.

Quan trọng hơn, hội nghị năm nay còn có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức tài chính và tổ chức xã hội nghề nghiệp với kì vọng sẽ đưa ra các cam kết nhằm giúp thế giới đạt được một Hiệp định chống biến đổi khí hậu mang tính ràng buộc pháp lí vào năm 2015.

Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về khí hậu Mary Robinson, Hội nghị sẽ phải đưa ra những tuyên bố cụ thể, tránh lặp lại những thất bại như hội nghị của các năm trước.

Vào ngày 21/9 tới, bà Robinson sẽ tham dự “Cuộc tuần hành khí hậu” mà ban tổ chức dự kiến thu hút 150.000 người tham gia trên các đường phố New York, yêu cầu hành động gấp rút trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Trước ngày khai mạc Hội nghị, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và các quan chức Liên Hợp Quốc thông báo hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp từ các ngành then chốt như dầu khí, sử dụng đất, lâm nghiệp cũng dự hội nghị để thảo luận vấn đề đầu tư vào các ngành năng lượng sạch và tăng trưởng ít carbon.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh liên tiếp những nghiên cứu về khoa học, môi trường và kinh tế học chỉ ra rằng, thế giới cần đầu tư càng sớm càng tốt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bởi nếu chậm trễ, thì trong vòng 15 năm tới, cả thế giới sẽ phải đối mặt với thảm họa khôn lường.

Báo cáo nghiên cứu mới nhất do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố ngày 17/9 cho biết, đầu tư chống biến đổi khí hậu sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà không làm chậm tăng trưởng như chúng ta thường nghĩ.

Nghiên cứu do các cựu nguyên thủ quốc gia, các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà kinh tế học, cùng các chuyên gia thực hiện nêu rõ, trong vòng 15 năm tới là thời gian quyết định để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.

Ông Felipe Calderon, cựu tổng thống Mexico và là người đứng đầu Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế và Khí hậu nói: “Chúng ta có thể vừa tăng trưởng kinh tế vừa chống biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể vừa tạo việc làm, giảm nghèo đói, đồng thời với việc giảm khí thải carbon, một vấn đề đang đe dọa tương lai của chúng ta. Những điều đó hoàn toàn có thể làm được. Nhưng chúng ta cần có những thay đổi căn bản, và sự lựa chọn thông minh. Chúng tôi đã tìm kiếm các bằng chứng và đi đến kết luận, sự thay đổi về công nghệ và cải cách cơ cấu trong kinh tế toàn cầu có thể giúp chúng ta xây dựng nền kinh tế ít carbon, đồng thời vẫn đạt tăng trưởng tốt hơn”.

Báo cáo mới đưa ra các bằng chứng gạt bỏ những hiểu lầm của các chính phủ, các doanh nghiệp lâu nay vẫn lo sợ các biện pháp làm chậm biến đổi khí hậu có thể cản trở tăng trưởng và việc làm.

Sau khi nhận được báo cáo nghiên cứu này, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố: “Báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu dưới khía cạnh kinh tế học là rất kịp thời. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo những hệ lụy của biến đổi khí hậu đối với tăng trưởng kinh tế. Đã đến lúc chúng ta không thể sử dụng năng lượng như cách hiện nay vì điều đó không giúp chúng ta tiến tới sự thịnh vượng”.

Ủy ban các chuyên gia của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, cần hành động nhanh chóng để tránh các thảm họa trong tương lai như: những đợt nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng.

Các chứng cứ khoa học đã chứng minh, các hoạt động của con người là nguyên nhân chính khiến trái đất nóng lên, chứ không phải do sự dao động của thiên nhiên.

Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế và Khí hậu cho biết, trong vòng 15 năm tới, thế giới cần đầu tư 90.000 tỷ USD, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chủ chốt là năng lượng xanh, xây dựng thành phố ít cacbon và sử dụng đất đai hợp lí.

Báo cáo chỉ rõ, nếu kinh tế thế giới vẫn vận hành như cách hiện nay, thì riêng ô nhiễm không khí sẽ gây thiệt hại tới 4,4% GDP toàn cầu, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, kéo theo là chi phí điều trị y tế do ô nhiễm.

Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, cần chống biến đổi khí hậu để giảm tần suất, quy mô các vụ cháy rừng bởi mỗi năm ngân sách dành cho chống cháy rừng tại Mỹ là 125 tỷ USD.

Với các bằng chứng khoa học, một sự thực không thể chối cãi là để có cuộc sống tốt đẹp, kinh tế phát triển không thể thiếu việc bảo vệ môi trường, giảm khí thải. Đây cũng là chính là thông điệp mà các nhà khoa học gửi tới các đại biểu dự hội nghị sắp tới ở New York và là động lực để các nước đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật